Trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi đến trại thăm họ - những con người có số phận không may đang sống và điều trị tại Khu điều trị phong Bến Sắn (Khánh Bình, Tân Uyên). Sự lạnh lùng mặc cảm chỉ thoáng xuất hiện trên một vài khuôn mặt rồi sau đó nhanh chóng bị xóa tan bởi sự nhiệt tình của chúng tôi. Nhiều người đã vượt qua tật bệnh và có cuộc sống bình thường, ổn định. Chính những người thầy thuốc nơi đây đã góp phần giúp họ được như thế.
Các bệnh nhân đang chờ được khám bệnh
Vượt qua tật bệnhHọ cởi mở nhiệt tình hơn những gì chúng tôi tưởng. Trong những con người ấy thì cụ Trương Thị Kía là một minh chứng. Dù đã qua rồi cái tuổi 80 nhưng trông cụ là khá nhất trong những bệnh nhân mà tôi gặp. Sự nhiệt tình, vui tươi không hề thiếu trên gương mặt cụ làm cho chúng tôi càng tự nhiên hơn như đang nói chuyện với một người thân của mình. Cụ Kía cũng không còn nguyên vẹn về thân thể nhưng cụ vẫn còn minh mẫn đến lạ thường. Tôi biết được nhiều hơn về cuộc sống của cụ, cụ có một đứa con trai hiện giờ đã lấy vợ cũng đang làm việc nơi đây, tôi cũng biết về cô y tá nhiệt tình như một đứa con hiếu thảo trong gia đình... Tất cả những điều này càng khiến chúng tôi nghĩ rằng đây là một mái ấm hơn là một bệnh viện phong. Cụ Kía vào trại phong này đã lâu rồi, khoảng những năm 1961-1962. Bà cụ cũng như những con người khác phải chịu đau đớn mà nhiều lần cụ cũng muốn được chết đi để không còn chịu những hành hạ tột cùng đó nữa. Cụ chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ sống được đến bây giờ nếu như không có đứa con trai làm điểm tựa. Giờ đây trong cái ánh mắt sâu thẳm của cụ vẫn lóe lên những ước mơ và niềm tin cuộc sống. Tôi ngạc nhiên biết bao khi mà những thiếu thốn về thể chất không hề làm khó một con người với nhiều bất hạnh như những con người nơi đây. Và cụ đã dùng chính những niềm tin ấy vận dụng ngay vào cuộc sống, mà cuộc sống như thế này có gì là vô ích như mọi người nghĩ đâu.
Trường hợp của bác Võ Huấn cũng rất đáng thương, di chứng của căn bệnh phong để lại làm cho bác bị cụt mất tay chân. Bác bị bệnh từ năm 8 tuổi, ban đầu chỉ bị tê và lác ở mông thôi. Bác đi điều trị ở Bệnh viện Huế, Tuy Hòa (Quy Nhơn), nhưng không khỏi. Bác lại tiếp tục hành trình chữa trị tại Chợ Quán (Đồng Nai) vào năm 1959, cho đến năm 1976, bác đến Trại phong Bến Sắn điều trị cho đến nay. Bác tâm sự: “Gia đình tôi ở TP.HCM, thỉnh thoảng cũng có lên thăm tôi. Tôi có đứa con gái, bây giờ đã lớn rồi, làm cô giáo khiến tôi vui lắm”. Giờ bệnh đã được các y, bác sĩ ở trại điều trị ngăn ngừa phát triển nhưng biến chứng để lại làm cho bác bị cụt mất tay chân, vì vậy không thể trở lại hòa nhập với cộng đồng mà phải ở đây đã hơn 20 năm rồi.
Bác sĩ đang kiểm tra tình trạng bệnh của bệnh nhân
Căn bệnh cũng lấy đi rất nhiều thứ trong cuộc đời các cụ. Ở cái tuổi như các cụ thì cái quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” là lẽ dĩ nhiên nhưng căn bệnh đã hành hạ các cụ nhiều như thế vẫn chưa làm chùn đi ý chí sống mãnh liệt của các cụ. Trong những ánh mắt kia lại lấp lánh những ngôi sao hy vọng. Thật đáng nể biết bao!Tấm lòng của người thầy thuốc
Theo bác sĩ Phạm Duy Trung, Trưởng phòng kế hoạch, những người bị mắc bệnh phong nhưng phát hiện kịp thời và được điều trị tốt thì bệnh có thể khỏi hoàn toàn và không để lại những di chứng nặng nề nên được trở về hòa nhập với cộng đồng. Ngoài ra, những trại viên nào đã được điều trị hết mà có sức khỏe tốt thì trại giữ lại làm những công việc như hộ lý chăm sóc lại cho những người do di chứng để lại quá nặng không thể tái hòa nhập cộng đồng. “Các y, bác sĩ ở trại phải có tấm lòng nhân ái, một tinh thần thép và đầy nghị lực với nghề thì mới gắn bó lâu dài với trại được”, ông Trung cho biết.
Điều dưỡng Lê Thị Ngọc, quê ở Đồng Nai, công tác hơn 10 năm ở trại. Chị Ngọc tâm sự: “Lúc mới bước vào trại, tôi rất ngại và sợ khi thấy những người bệnh phong sao quá nhiều so với những gì tôi tưởng tượng và để lại những di chứng nặng nề như cụt tay chân, lỗ đáo... nhưng dần dần rồi cũng quen, nhiều khi còn ngồi ăn cơm chung với họ nữa”.
Khu điều trị phong Bến Sắn được thành lập năm 1959 do Soeur Rose - người Pháp và Soeur Mathilde Thanh quản lý, trực tiếp chăm sóc BN. Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà nước tiếp quản khu điều trị. Từ năm 1976 được giao cho Sở Y tế TP.HCM.
Khu điều trị phong có cơ sở chính là Trại phong Bến Sắn với diện tích 96 ha và 3 cơ sở phụ: Thanh Bình, Bình Minh, Phước Tân. Nhiệm vụ chính của khu điều trị là giúp BN và con em họ phòng ngừa, chữa trị và phục hồi về mặt y tế, đồng thời động viên giúp đỡ họ ổn định tinh thần, tạo điều kiện cho họ có cơ hội làm ra của cải vật chất để sống tự lập và cùng đóng góp cho xã hội.
Điều dưỡng phải thường xuyên thay băng cho bệnh nhân (BN), đối với những người lớn tuổi thì đút cho họ ăn, ngoài ra còn động viên và an ủi họ. “Đặc biệt vào những ngày trái gió trở trời, các cụ hay cáu gắt do bị bệnh cảm nên trong thời gian này các điều dưỡng cũng vất vả”, điều dưỡng Phùng Anh, hơn 30 năm làm điều dưỡng ở trại tâm sự.Khi tiếp xúc với các y, bác sĩ ở đây, chúng tôi nhận ra ở họ rất chân tình, hòa đồng, vui vẻ và hết lòng chăm sóc BN. Với dáng vẻ nhỏ nhắn, gương mặt xinh xắn, em Thị Thiện, dân tộc Stiêng, ở Lộc Ninh (Bình Phước), 14 tuổi, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất và đang được điều trị ở khoa nhiễm. Em tâm sự: “Khi mới đến đây, em buồn lắm, nhưng phải cố gắng vượt qua để các bác sĩ ở đây điều trị cho mau hết bệnh mà về với ba mẹ. Em cũng mong muốn được về nhà ăn tết với gia đình lắm nhưng em không thể đi đường xa, mỗi lần như thế là khắp cơ thể em bị đau nhức. Em ở đây vui lắm chị ơi, em được các cô điều dưỡng chăm sóc rất chu đáo và kể chuyện cho em nghe nữa”.
Đa số các BN ở đây đều được đa hóa trị liệu nên ngăn chặn bệnh không lây lan, một số ca nặng có thể để lại di chứng. Di chứng nhẹ như co rút ngón tay thì được trại cho tái hòa nhập cộng đồng, còn quá nặng thì phải ở lại trại sinh sống. Mặc dù trại viên được nhận trợ cấp từ Nhà nước nhưng do giá sinh hoạt ngày càng cao, họ phải kiếm thêm thu nhập phụ từ việc chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ...
Những con người ở đây ai cũng như ai, cùng chung số phận như nhau... Họ không chủ định nhưng gặp được nhau nơi đây. Họ gặp nhau trong tình thương của những người cùng cảnh ngộ, nhất là những người thầy thuốc tận tụy, hết lòng vì BN phong.
BS. ThS. Phan Hồng Hải, Giám đốc Khu điều trị Phong Bến Sắn:Ngày nay, bệnh phong không còn là một trong “tứ chứng nan y” như ngày xưa mà đã có thuốc điều trị. Số BN mới phát hiện hàng năm ở nước ta cũng giảm đi đáng kể, nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về căn bệnh này, dẫn đến kỳ thị, xa lánh người bệnh và người thân của họ và bản thân người bệnh cũng không dám trở về sống với cộng đồng mà vẫn tập trung cùng chung sống với nhau tại các khu điều trị.
Người mắc bệnh phong thường thuộc tầng lớp nghèo trong xã hội, họ kém may mắn và rất thiệt thòi. Khi họ mắc bệnh và bị tàn tật nặng, cộng đồng không nên xa lánh mà phải biết chia sẻ và giúp đỡ hết lòng, để mong bù đắp lại phần nào sự kém may mắn của họ. Khi họ đã được chữa khỏi, hết vi khuẩn, không còn lây bệnh, nhưng còn bị tàn tật, thì chúng ta phải đối xử với họ như một người tàn tật bình thường, để tạo điều kiện cho họ được phẫu thuật phục hồi, giúp đỡ kinh tế - xã hội, được học hành, lao động bằng ngành nghề thích hợp với tình trạng tàn tật hiện có, sống một cuộc đời bình thường như một người khuyết tật do các nguyên nhân khác không phải bệnh phong, để họ có cuộc sống hòa nhập được trong cộng đồng.
THOẠI PHƯƠNG