Nghị định 116/2021/ NĐ-CP có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản công tác cai nghiện.
Thứ nhất: Về quy trình cai nghiện ma túy, trên cơ sở quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, lần đầu tiên quy trình cai nghiện ma túy với 5 giai đoạn, kết hợp các biện pháp y tế, giáo dục, lao động, hỗ trợ xã hội được quy định thành 1 chương với các nội dung cụ thể, chi tiết trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, đồng thời cũng quy định rõ việc tổ chức cai nghiện ma túy phải được thực hiện theo quy trình cai nghiện này ở tất cả các hình thức, biện pháp cai nghiện.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm tính thống nhất, khoa học và thực tiễn trong việc tổ chức cai nghiện ma túy hiện nay. Khắc phục tình trạng các cơ sở cai nghiện do không đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự nên không thực hiện đầy đủ quy trình dẫn đến chất lượng, hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy hiện nay chưa được như mong muốn.
Các tuyến đường ở phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên treo nhiều băng rôn tuyên truyền về công tác giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: L.V.CHÂU
Thứ hai: Về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, vì là hoạt động chuyên môn, cần thực hiện bởi các đơn vị có đủ các điều kiện (như tại các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy) bảo đảm theo quy trình cai nghiện thống nhất. Do vậy, các quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng của nghị định được xây dựng theo hướng: Người nghiện ma túy tự nguyện đăng ký và tự nguyện cai nghiện; các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy phối hợp với gia đình, cộng đồng thực hiện việc hỗ trợ người nghiện ma túy trong suốt thời gian cai nghiện…
Để bảo đảm việc bố trí, huy động các nguồn lực hiện có tham gia, hỗ trợ cai nghiện tự nguyện, nghị định đã thay đổi cơ quan chủ trì tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng từ UBND cấp xã sang UBND cấp huyện; quy định cụ thể hơn các nội dung quản lý cai nghiện tự nguyện của UBND cấp xã.
Thứ ba: Về cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, để bảo đảm sự thống nhất trong việc thực hiện quy trình cai nghiện ma túy, nghị định xác định chỉ cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở bảo đảm đủ điều kiện để thực hiện toàn bộ quy trình cai nghiện và tất cả cơ sở chỉ được cấp giấy phép hoạt động cai nghiện khi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự để thực hiện quy trình cai nghiện. Dự kiến đến năm 2024, 100% cơ sở cai nghiện đủ điều kiện. Đồng thời giao việc cấp giấy phép hoạt động cai nghiện tự nguyện, quản lý các cơ sở cai nghiện ma túy do tổ chức, cá nhân thành lập (cơ sở tư nhân) về cho các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thứ tư: Cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên (biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc), trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc được điều chỉnh phù hợp, bám sát Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng minh bạch, đơn giản, rút gọn hồ sơ, trình tự thực hiện; làm rõ vai trò của từng cơ quan trong triển khai.
Thứ năm: Cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi (không coi là biện pháp xử lý hành chính). Nghị định quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 với tinh thần đây là một trong các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp trẻ em cai nghiện, phục hồi về sức khỏe, hành vi để tiếp tục học tập, trở thành người có ích cho xã hội.
Thứ sáu: Về quản lý sau cai nghiện ma túy, dù không nằm trong quy trình nhưng quản lý sau cai nghiện ma túy có vai trò đặc biệt quan trọng, duy trì kết quả cai nghiện ma túy. Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, bên cạnh việc quy định cụ thể trình tự, thủ tục quản lý người nghiện sau cai, nghị định đã quy trách nhiệm cho gia đình, cộng đồng trong việc giúp đỡ người nghiện từ bỏ ma túy; chính sách, chế độ hỗ trợ của Nhà nước để họ từng bước tạo dựng sinh kế, hòa nhập xã hội.
QUỲNH NHƯ