Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân được khuyến khích tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử (SSKĐT) để quản lý thông tin sức khỏe cá nhân. Theo đó, “Chứng nhận ngừa Covid-19” trong ứng dụng này với mã QR chứa thông tin tiêm chủng của người dân được xem là “giấy thông hành vắc xin điện tử”. Liên quan đến “chứng nhận ngừa Covid-19” và việc tiếp nhận phản hồi thông tin chứng nhận tiêm chủng từ người dân, P.V Báo Bình Dương đã trao đổi với ông Lê Quốc Đại, quyền Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tin để giải đáp kịp thời những vấn đề bạn đọc quan tâm…
Người dân tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý thông tin sức khỏe của mình và gia đình
- Hiện nay, người dân được khuyến khích tải ứng dụng SSKĐT về điện thoại. Xin ông cho biết vai trò của ứng dụng này trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như thế nào, đặc biệt với mục “Chứng nhận ngừa Covid-19”?
- Ứng dụng SSKĐT là ứng dụng trên nền tảng thiết bị điện tử của Bộ Y tế giúp người dân Việt Nam biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, từ đó chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân.
SSKĐT cũng là ứng dụng có tiện ích chứng nhận tiêm chủng Covid-19. Ngoài ra, SSKĐT còn có chức năng: Khai báo y tế; quét mã QR để checkin điểm đến; tiện ích phản ứng sau tiêm cung cấp các thông tin y tế về tình trạng sức khỏe; các triệu chứng xảy ra nếu có sau khi được tiêm vắc xin Covid-19; tiện ích chứng nhận đã tiêm vắc xin Covid-19; quản lý thành viên trong gia đình mà không có điện thoại thông minh và thông tin về hồ sơ sức khỏe cá nhân.
Với ứng dụng SSKĐT, mỗi người dân Việt Nam đã tiêm chủng vắc xin Covid-19 sẽ có một “chứng nhận tiêm chủng” điện tử bằng mã QR kèm theo giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Mục “Chứng nhận ngừa Covid-19” giúp cho những người đã tiêm chủng mũi 1, mũi 2 khi cài SSKĐT và khai báo đầy đủ và đúng thông tin: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số điện thoại, sẽ được chứng nhận trên SSKĐT: 1 mũi tiêm sẽ có hình chứng nhận màu vàng, 2 mũi tiêm sẽ có hình chứng nhận màu xanh.
- Hiện nay thông tin tiêm chủng vắc xin Covid-19 của người dân đã được cập nhật trên SSKĐT nhưng nhiều người dù đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin nhưng khi đăng nhập vào mục “Chứng nhận ngừa Covid-19” vẫn chưa được xác nhận hoặc xác nhận thiếu mũi tiêm vắc xin. Về vấn đề này ông có hướng dẫn gì để người dân được biết?
- Do hiện nay công tác khai báo thông tin của người tiêm còn những thiếu sót nhất định, phổ biến, như: Trên phiếu ghi thông tin tiêm chủng không ghi ngày, tháng, chỉ ghi năm sinh; số điện thoại trên phiếu thông tin và số điện thoại cài đặt SSKĐT khác nhau. Một số trường hợp nhập đúng thông tin ghi trên phiếu do người tiêm viết không rõ chữ; một số trường hợp khác do thất lạc phiếu xác nhận tiêm mũi 1, dùng phiếu tiêm mũi 2 ghi thông tin nhưng thông tin ghi ở 2 phiếu không giống nhau… Các trường hợp này dẫn đến người tiêm khi cài SSKĐT không được xác nhận mũi tiêm.
Để khắc phục những tồn tại này, người đi tiêm cần quan tâm một số nội dung sau: Thông tin ghi trên phiếu tiêm chủng phải rõ ràng, đầy đủ, không bỏ sót thông tin, đặc biệt là 4 trường hợp thông tin là họ và tên, giới tính, số điện thoại, ngày tháng năm sinh. Khi người tiêm đã được tiêm và cài SSKĐT nhưng vẫn chưa được xác nhận, người tiêm có thể vào trang http:// bsttcovid19.binhduong.gov. vn/ (do Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng) để cung cấp đầy đủ thông tin, gửi kèm hình ảnh giấy xác nhận tiêm chủng và sẽ được cập nhật, điều chỉnh. Người tiêm cũng có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng 19009095 để được hỗ trợ.
- Liên quan đến việc Bình Dương triển khai tiếp nhận phản hồi thông tin chứng nhận tiêm chủng từ người dân, nhiều người đã vào đường link điều chỉnh thông tin nhưng không thuận lợi (ở mục địa điểm tiêm ngừa không tìm thấy cơ sở y tế mình tiêm, không biết được số lô vắc xin…). Ngoài ra, một bộ phận khác khai báo, điều chỉnh thông tin thuận lợi nhưng đã nhiều ngày chưa thấy phản hồi, xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?
- Việc cập nhật thông tin trong trường hợp chưa chính xác thì người tiêm cần vào trang http://bsttcovid19.binhduong. gov.vn để cập nhật, cung cấp thông tin theo mẫu. Sau khi tiếp nhận sẽ có bộ phận chuyên môn để thực hiện bổ sung, điều chỉnh và thông báo kết quả qua địa chỉ Email do người tiêm cung cấp. Người tiêm không tự thay đổi các thông tin trên phần mềm tiêm chủng, như: Cơ sở y tế mình đã tiêm, số lô vắc xin...
Do hiện nay số lượng người đề nghị cập nhật thông tin khá nhiều, có những trường hợp cùng một người đề nghị chỉnh sửa nhiều lần; nhiều trường hợp người cung cấp thông tin chưa hiểu rõ mục đích của trang http://bsttcovid19.binhduong. gov.vn là để cập nhật thông tin, nên có nhiều đề nghị chưa đúng mục đích. Chẳng hạn, đề nghị tiêm chủng trên phần mềm, đề nghị chứng nhận tiêm chủng trên phần mềm (mặc dù đã nhận được chứng nhận trên SSKĐT), dẫn đến đội ngũ cập nhật thông tin phải mất nhiều thời gian để xử lý các trường hợp này thay vì cập nhật cho người có nhu cầu thực sự. Mặt khác, nguồn lực đang huy động cho việc cập nhật thông tin phải kiêm nhiệm nhiều việc khác, dẫn đến chưa được cập nhật kịp thời cho người tiêm.
Trong thời gian chưa cập nhật hoàn chỉnh mũi tiêm như đề nghị, người tiêm có thể sử dụng giấy xác nhận tiêm chủng đã được ký, đóng dấu xác nhận để phục vụ cho nhu cầu ra đường theo quy định.
- Hiện tại những người lớn tuổi và một bộ phận người dân vẫn hạn chế trong việc tải ứng dụng, khai báo y tế, gửi phản hồi thông tin điều chỉnh. Việc phản hồi thông tin chứng nhận tiêm chủng hoặc khai báo y tế có thể thực hiện cùng lúc cho nhiều người không, thưa ông?
- Hiện nay, trang thông tin http://bsttcovid19.binhduong. gov.vn được cung cấp để hỗ trợ cập nhật cho người yêu cầu và trên cơ sở địa chỉ Email cung cấp. Do đó người nào đề nghị và có cung cấp Email đầy đủ sẽ nhận được phản hồi. Trường hợp những người tiêm gặp khó khăn, hạn chế khi tải và cài ứng dụng, trên trang http://bsttcovid19.binhduong. gov.vn đã có hướng dẫn cài đặt ứng dụng SSKĐT theo từng bước cụ thể, người tiêm có thể tham khảo.
SSKĐT hỗ trợ việc quản lý nhiều thành viên trong gia đình do lớn tuổi không sử dụng được hoặc trẻ em không có điện thoại thông minh. Việc khai báo thông tin đầy đủ cho các đối tượng này trên cùng SSKĐT vẫn có chứng nhận tiêm chủng đầy đủ. Thời gian này, trường hợp người đã tiêm không dùng điện thoại thông minh để cài SSKĐT để xác nhận thì có thể dùng giấy xác nhận tiêm chủng như đã nêu ở trên.
- Xin cám ơn ông!
TÂM TRANG (thực hiện)