Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10-6-2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.
Dự án luật đã sửa đổi, bổ sung các điều, khoản cụ thể như sau: Bổ sung 1 điều (Điều 26a về thời hạn giám định); sửa đổi, bổ sung 8 điều (Điều 10; Điều 20; Điều 24; Điều 25; Điều 31; Điều 32; Điều 36; Điều 41); Bổ sung 4 khoản; sửa đổi, bổ sung 22 khoản; bổ sung 4 điểm và sửa đổi, bổ sung 9 điểm.
Một số nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung:
1. Hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp gắn với việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp.
Để khắc phục tình trạng bất cập, rườm rà về thủ tục hành chính trong quá trình làm hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp đối với người đang là công chức, viên chức, sĩ quan trong lực lượng vũ trang, Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung quy định: “Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội, sĩ quan Công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì không cần có phiếu lý lịch tư pháp”. (khoản 3 Điều 8).
Do có bổ sung tổ chức giám định công lập là Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, nên luật có quy định Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn để đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc cơ quan mình (khoản 2 Điều 9 và khoản 3 Điều 10).
Luật đã bổ sung quy định về cấp thẻ cho người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp và thu hồi thẻ khi miễn nhiệm với nguyên tắc: Người có thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp thì thẩm quyền cấp (cấp mới, cấp lại) thẻ giám định viên tư pháp; việc cấp thẻ giám định viên tư pháp được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cụ thể (khoản 4 Điều 9).
Luật đã bổ sung một số trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp trong trường hợp: (1) có quyết định nghỉ hưu hoặc quyết định thôi việc, trừ trường hợp có văn bản thể hiện nguyện vọng tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp và cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có nhu cầu sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật; (2) chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện phù hợp để tiếp tục thực hiện giám định tư pháp; (3) theo đề nghị của giám định viên tư pháp, nhưng đối với giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội, sĩ quan Công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì phải được sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp; (4) giám định viên tư pháp được bổ nhiệm để thành lập Văn phòng Giám định tư pháp nhưng không thành lập văn phòng hoặc thành lập văn phòng rồi mà không đăng ký hoạt động, cho cụ thể, đầy đủ và sát thực tế hơn (điểm đ, điểm e, điểm g và điểm h khoản 1 Điều 10).
3. Bổ sung tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự luật đã có quy định về “Phòng giám định hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao” (tại khoản 5 Điều 12). Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, được bổ sung vào hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự. Do đó, luật cũng đã có quy định “Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn” (khoản 7 Điều 12).
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được thông qua đã khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giám định tư pháp năm 2013, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động giám định tư pháp, một trong những công tác quan trọng trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm và hoạt động tố tụng trong thời gian tới.
SỞ TƯ PHÁP