Một số quy định mức phạt vi phạm an toàn giao thông của Nghị định 168/2024/NĐ-CP
Ngày 26-12-2024, Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (gọi tắt là Nghị định 168). Theo đó, Nghị định 168 quy định về:
- Xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, bao gồm: Hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
- Mức trừ điểm giấy phép lái xe đối với từng hành vi vi phạm hành chính; trình tự, thủ tục, thẩm quyền trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà không quy định tại nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó để xử phạt.
Ngoài ra, Nghị định 168 tăng nặng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi và hành vi vi phạm như sau:
- Vượt đèn đỏ, đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng đối với ô tô (trước đây là từ 4 - 6 triệu đồng) và từ 4 - 6 triệu đồng đối với xe máy (trước đây là từ 800.000 - 1 triệu đồng).
- Điều khiển xe lạng lách, đánh võng sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với ô tô (trước đây là từ 10 - 12 triệu đồng) và từ 8 - 10 triệu đồng đối với xe máy (trước đây là từ 6 - 8 triệu đồng).
- Đi ngược chiều của đường một chiều hoặc trên đường có biển cấm sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng đối với ô tô (trước đây là từ 4 - 6 triệu đồng) và từ 4 - 6 triệu đồng đối với xe máy (trước đây là từ 1 - 2 triệu đồng).
- Mở cửa xe, để cửa xe ô tô mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 20 - 22 triệu đồng (trước đây là từ 400.000 - 600.000 đồng).
- Trường hợp người điều khiển xe không thắt dây đai an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường; chở người trên xe ô tô không thắt dây đai an toàn (tại vị trí có trang bị dây đai an toàn) khi xe đang chạy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng - 1.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông.. .
- Mức phạt 12-14 triệu đồng áp dụng đối với người điều khiển xe dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định.
- Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông không dừng ngay phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không trợ giúp người bị nạn, không ở lại hiện trường hoặc không đến trình báo ngay với cơ quan công an, ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
- Vi phạm nồng độ cồn mức 2 (vượt quá 50 miligram đến 80 miligram/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligram đến 0,4 miligram/1 lít khí thở) sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng đối với ô tô (trước đây là từ 16 - 18 triệu đồng) và từ 6 - 8 triệu đồng đối với xe máy (trước đây là từ 4 - 5 triệu đồng).
Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
SỞ TƯ PHÁP TỈNH BÌNH DƯƠNG