Quyền đối với bất động sản (BĐS) liền kề là quyền được thực hiện trên một BĐS (gọi là BĐS chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một BĐS khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là BĐS hưởng quyền).
Căn cứ xác lập quyền đối với BĐS liền kề: Quyền đối với BĐS liền kề được xác lập do địa thế tự nhiên, theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc.
Hiệu lực của quyền đối với BĐS liền kề: Quyền đối với BĐS liền kề có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân và được chuyển giao khi BĐS được chuyển giao, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Nguyên tắc thực hiện quyền đối với BĐS liền kề: Việc thực hiện quyền đối với BĐS liền kề theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
- Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác BĐS hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả BĐS hưởng quyền và BĐS chịu hưởng quyền.
- Không được lạm dụng quyền đối với BĐS chịu hưởng quyền.
- Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với BĐS hưởng quyền trở nên khó khăn.
Thay đổi việc thực hiện quyền đối với BĐS liền kề: Trường hợp có sự thay đổi về sử dụng, khai thác BĐS chịu hưởng quyền dẫn đến thay đổi việc thực hiện quyền đối với BĐS hưởng quyền thì chủ sở hữu BĐS chịu hưởng quyền phải thông báo trước cho chủ sở hữu BĐS hưởng quyền trong một thời hạn hợp lý. Chủ sở hữu BĐS chịu hưởng quyền phải tạo điều kiện thuận lợi cho chủ sở hữu BĐS hưởng quyền phù hợp với thay đổi này.
Hiện nay, có rất nhiều hộ gia đình đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền về lối đi qua, các thửa đất của họ bị vây bọc, không có lối đi. Theo quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền về lối đi qua như sau:
- Chủ sở hữu có BĐS bị vây bọc bởi các BĐS của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu BĐS vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên BĐS liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của BĐS bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho BĐS có mở lối đi.
Chủ sở hữu BĐS hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu BĐS chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
- Trường hợp BĐS được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 mà không có đền bù.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì chủ sở hữu có BĐS bị vây bọc bởi các BĐS của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu BĐS vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Trước hết hai bên phải tự hòa giải và thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên, cũng như việc đền bù cho chủ sở hữu BĐS chịu hưởng quyền. Trường hợp không hòa giải được thì gửi đơn yêu cầu hòa giải lên UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. Nếu hòa giải không thành, thì gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố nơi có đất để yêu cầu giải quyết, đồng thời chủ sở hữu có BĐS có đơn yêu cầu mở lối đi phải kèm theo các giấy tờ liên quan để chứng minh về việc mảnh đất bị bao bọc bởi các BĐS xung quanh, gây khó khăn cho việc đi lại cũng như việc hòa giải giữa chủ sở hữu có BĐS bị vây bọc và nhà hàng xóm tại xã, phường, thị trấn không thành.
Quyền đối với BĐS liền kề chấm dứt trong trường hợp sau đây:
- BĐS hưởng quyền và BĐS chịu hưởng quyền thuộc quyền sở hữu của một người.
- Việc sử dụng, khai thác BĐS không còn làm phát sinh nhu cầu hưởng quyền.
- Theo thỏa thuận của các bên.
- Trường hợp khác theo quy định của luật.
HỘI LUẬT GIA TỈNH BÌNH DƯƠNG