THS.VŨ THỊ NGA, GIẢNG VIÊN KHOA LUẬT HỌC, TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÌNH DƯƠNG:

Một số ý kiến về quy định bồi thường, hỗ trợ tái định cư

Cập nhật: 10-03-2023 | 08:55:24

(Tiếp theo kỳ trước)

Liên quan đến xác định giá đất, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn xác định theo cách thức hành chính. Điều này có sự hợp lý nhất định khi có thể lý giải: Đất là sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Đất mà người sử dụng bị thu hồi, họ chỉ có quyền sử dụng chứ không có toàn quyền năng của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, chúng ta có quyền kỳ vọng về phương pháp định giá đất cụ thể mang tính thị trường theo quy định chi tiết của Chính phủ (khoản 4 Điều 155); và các quy định phương pháp tính toán công khai, sự đáp ứng thích đáng trong yêu cầu giải trình, nhất là khi thực hiện quyền của người bị thu hồi đất.

Đối với hội đồng thẩm định giá đất, theo Điều 156 dự thảo luật quy định, hội đồng phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật. Kết quả thẩm định giá đất của hội đồng là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định bảng giá đất, giá đất cụ thể. Do đó, cần tiếp tục làm rõ đối với việc chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định của hội đồng thẩm định là gì? Có trách nhiệm bồi thường hay không, giới hạn ra sao?

Một vấn đề nữa là đất thu hồi phải thực hiện đúng mục đích khi thu hồi. Đây là vấn đề thực tế xảy ra sau khi thu hồi đất. Đất được Nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng sau đó lại giao cho tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, dẫn đến bức xúc do giá thành đất sau đó chênh lệch lớn, gây bức xúc trong dân, gây khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Do đó, dự luật cần nghiên cứu bổ sung cách thức xử lý các trường hợp thu hồi đất nhưng không thực hiện theo đúng mục đích ban đầu mà sử dụng cho các mục đích khác thì giải quyết vấn đề giải trình, bồi thường, hỗ trợ khác ra sao đối với người bị thu hồi đất? Không thể đẩy mọi vấn đề hậu thu hồi đất, giải quyết tranh chấp của từng cá nhân, hộ gia đình về cho tòa án giải quyết.

Ngoài ra, cần bảo đảm quyền khiếu nại, giải quyết tranh chấp giải quyết thỏa đáng trong thời hạn hợp lý. Đây là bài toán khá nan giải khi tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về đất đai trong nhiều năm tồn đọng và khó giải quyết triệt để. Có lẽ giải pháp khả dĩ nhất là hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai nói chung và chế định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đồng bộ, minh bạch từ đầu.

Cuối cùng, nên chăng cần có cơ chế linh hoạt cho các trường hợp sử dụng đất khi đang có quy hoạch nhưng chưa thực hiện. Trong khi tài nguyên đất đang chờ, chưa sử dụng để lãng phí, người dân lại không có đất để sản xuất.

QUỲNH NHƯ (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên