Một thời báo chí Bình Dương…
(BDO) Trở lại những cung đường mấy mươi năm làm nghề báo, với những khắc khoải từ những chuyến đi. Vui buồn lẫn lộn. Cuộc sống hiện đại đang trôi cuốn nhiều thế sự. Nhiều người đang xếp nghề báo là một trong những nghề nguy hiểm. Kể cũng đúng. Nguy hiểm cho cả người hành nghề và cho cả những người, những việc được báo chí quan tâm, coi là đối tượng săn đuổi. Nhưng thôi, đành nghĩ rằng, nghề nào cũng có những mặt trái, những khắc nghiệt riêng phải chấp nhận khi đã vào cuộc.
Tờ Tin Tức phát hành ngày 30-7-1974
Thực ra, những cam go của nghề báo cũng đã có từ thời trước. Là nói đến những phóng viên chiến trường, nhà báo đồng thời là chiến sĩ, lăn vào trận đánh, cầm súng và cầm bút, cầm máy ảnh để có những tin bài, ảnh, phim phản ánh kịp thời hiện thực. Chiến tranh, những cuộc giằng co ở vùng tranh chấp giữa ta và địch, những nhà báo chiến sĩ đối mặt với những ác liệt không chỉ là sự an lành hưởng thụ hay lăn vào nơi lửa đạn với cái chết đe dọa hàng ngày mà là sự lựa chọn lý tưởng sống… Hàng trăm câu chuyện về các nhà báo thời lửa đạn. Đến khi hòa bình thống nhất và lúc đất nước yên bình thì nghề báo lại có những thử thách khắc nghiệt ở khía cạnh khác. Tháng 6 này, ta kể lại chuyện những người làm báo ở một nơi đã nhiều lưu giữ kỷ niệm, khi lần giở những trang sách ngày xưa.
Khi hai tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một sáp nhập thành tỉnh Thủ Biên, tờ nội san Xây dựng ra đời. Đây là tờ báo của Tỉnh ủy Thủ Biên, hoạt động đến cuối năm 1951 do ông Vũ Duy Hanh làm chủ nhiệm, ông Tiêu Như Thủy làm chủ bút. Mang tính chất của nội san nhưng Xây dựng cũng có đủ chuyên mục tin bài xã luận, phóng sự, tùy bút, ca dao, hò vè, trang thơ vui…
Đầu năm 1952, Tỉnh ủy Thủ Biên tiếp tục xuất bản tờ Thủ Biên thông tin quân dân chính. Tờ báo in khổ 15x33cm, là báo cách nhật và cũng có lúc là báo tuần, số phát hành cao nhất có lúc lên tới 400 bản. Tờ báo này tồn tại đến khi ký Hiệp định Giơnevơ. Phụ trách công tác tuyên truyền lúc này là ông Huỳnh Văn Hơn, Phó Chủ tịch tỉnh. Những người tham gia làm báo là các ông Mai Văn Bộ, Lý Văn Sâm, Ngô Văn Long, Hoàng Thơ, bà Nguyễn Thị Bông, Lê Ngọc.
Thời kỳ này, những tờ tin nội bộ vẫn giữ vai trò quan trọng, có tờ được coi như báo chính thức của một số tổ chức đoàn thể. Sau này tờ Tiếng rừng và Sứ mạng có những đóng góp quan trọng của các nhà báo cách mạng lão thành như Mười Quang, Dương Minh Cưu, Hoàng Thơ, Nguyễn Trạc, Lý Văn Sâm, Huỳnh Văn Nghệ, Phạm Thiều, Bùi Cát Vũ…
Tờ Thông tin Thủ Biên (chuyển từ tờ Thông tin Biên Hòa), Ban Biên tập có thêm ông Tô Văn Của kiêm Trưởng ban Biên tập. Đến cuối năm 1952, bổ sung thêm ông Lê Đình Nhơn (tức Chín Lê). Báo này được in ấn tại ấp suối Đĩa, cách Biên Hòa cả trăm cây số. Chỉ có một máy in typô pédal với 200kg chữ chì, do ông Nguyễn Đình Thu phụ trách sắp chữ, in ấn xuất bản. Vào đầu năm 1953 tờ Thông tin Biên Hòa ra hàng ngày với số lượng từ 500 - 600 tờ/ngày được coi như nhật báo đầu tiên với khổ in 30x40cm, có 4 trang minh họa, đầy đủ các chuyên mục như xã luận, tin tức chiến sự, tình hình tăng gia sản xuất trong tỉnh, thời sự trong nước. Lúc đó những tin tức về chiến trường Bắc bộ và Hà Nội được đón chờ nhiều nhất. Ngoài ra các chuyên mục câu chuyện quốc tế, trang văn nghệ, chuyện vui kháng chiến, văn hóa văn nghệ… được in định kỳ, mang dáng vẻ tờ báo khá chuyên nghiệp dù in ấn rất thô sơ nhưng thu hút sự quan tâm của chiến sĩ.
Cùng với tờ Thông tin Thủ Biên, tờ nội san Xây dựng chỉ phát hành nội bộ Đảng nhưng có nhiều cố gắng trong trình bày. Tập san này in các bài nói về đường lối chủ trương của Đảng, về lý luận tổng kết thực tiễn đấu tranh. Trong điều kiện kháng chiến khó khăn việc duy trì hàng tháng tập san của Đảng bộ là cố gắng rất lớn của Ban Tuyên huấn, của những nhà báo đầu tiên của Bình Dương. Cần lưu ý là Biên Hòa cũng có một tập nội san mang tên Xây dựng của Đảng bộ tỉnh, còn nội san Xây dựng của Thủ Biên chỉ tồn tại trong 3 tháng rồi ngừng xuất bản.
Đến đầu năm 1953, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, lại thêm thiên tai bão lụt, trận bão năm Nhâm Thìn 1952 đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, tỉnh Thủ Biên cũng như nhiều tỉnh miền Đông Nam bộ gặp thêm nhiều khó khăn, nhất là kinh tế và điều kiện hoạt động. Thiếu thốn từ lương thực thực phẩm, vũ khí, thuốc men, giấy mực… Tỉnh ủy và Ban Tuyên huấn Thủ Biên quyết định đổi tờ Thông tin Thủ Biên thành Thủ Biên thay đổi cả măng-set và giảm bớt số lượng in và cả trang in, từ 4 trang thì chỉ còn 2 trang, khổ nhỏ lại và trở thành báo cách nhật, 3 ngày/số, số lượng in cũng chỉ còn 400 - 500 tờ. Với hình thức và nội dung như vậy, báo Thủ Biên tồn tại đến đầu năm 1954. Tuy phải thu hẹp khổ báo và hạn chế số lượng phát hành nhưng nội dung của báo Thủ Biên vẫn phong phú, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và kịp thời phản ánh tình hình cụ thể của Đảng bộ. Những thông tin trên tờ Thủ Biên góp phần làm rõ tình hình chiến sự, trong khi báo chí Sài Gòn lại tỏ ra bưng bít những thất bại của quân đội viễn chinh Pháp hoặc tô vẽ đề cao sức mạnh vũ khí Pháp và coi thường sức mạnh của quân đội Việt Minh… Qua tờ Thủ Biên đông đảo dân chúng nắm được tình hình chiến sự và thêm tin tưởng vào cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện. Số báo ra tháng 12-1954 đưa tin về Đại hội mừng công ở Đất Cuốc (thuộc huyện Bắc Tân Uyên ngày nay), kịp thời phản ánh không khí của đại hội vừa kháng chiến vừa hăng hái lao động sản xuất. Trên báo có nhiều nội dung tương đối phong phú, mục vui cười, câu lạc bộ nông dân kháng chiến… làm độc giả thích thú. Những tờ báo này còn đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương. Thực hiện quyết định của Trung ương Cục miền Nam, tháng 6-1961, tỉnh Thủ Biên được chia tách, tái lập lại 2 tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một và thành lập thêm tỉnh Phước Thành.
Đầu tháng 7-1961, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thủ Dầu Một được thành lập. Ngay sau khi được thành lập, bộ phận Thông tin tuyên truyền do đồng chí Tư Ca (Đinh Quang Kỳ) phụ trách đã nhanh chóng bắt tay vào công việc để cho ra đời tờ Tin Tức. Chỉ sau 10 ngày chuẩn bị, bằng kỹ thuật vuốt sáp (tương tự in lụa hiện nay) cuối tháng 7-1961 tờ Tin Tức đầu tiên đã ra mắt quân dân trong tỉnh, kịp thời chuyển tải các chỉ thị của Tỉnh ủy, động viên tinh thần và nâng cao khí thế cách mạng của quần chúng. Tờ Tin Tức - Cơ quan thông tin của UBND Cách mạng tỉnh Thủ Dầu Một, ra đời đã tiếp thêm sức mạnh cho các lực lượng trên mọi mặt trận, làm nức lòng quân dân tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ.
Sau hơn một năm đều đặn xuất bản tờ Tin Tức, đầu năm 1963 nhận định bộ phận Thông tin tuyên truyền đã đủ sức cho ra đời tờ báo từ việc nâng cấp tờ tin, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quyết định chuyển tờ tin thành tờ báo và Ban Tuyên giáo quyết định lấy tên tờ báo là Phú Lợi. So với tờ Tin Tức, báo Phú Lợi có nội dung phong phú hơn với nhiều chuyên mục khác nhau. Bên cạnh việc chuyển tải các chỉ thị, chính sách, chủ trương, đường lối của Tỉnh ủy, báo Phú Lợi còn có trang thơ, truyện ngắn nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần và giải trí của quân dân trong tỉnh. Báo Phú Lợi ra đời đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của bộ phận Thông tin tuyên truyền, góp phần tích cực vào việc chuyển tải các chỉ thị của Tỉnh ủy đến quân dân trong tỉnh, từ đó khích lệ tinh thần quân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ cả trên chiến trường và mặt trận dân binh vận.
Giai đoạn từ năm 1971 về sau, do địch điên cuồng bắn phá và mở các trận càn lớn vào căn cứ, theo lệnh của cấp trên, các bộ phận thuộc Ban Tuyên giáo liên tục hành quân chuyển cứ từ nơi này đến nơi khác để giảm bớt tổn thất về lực lượng, thiết bị in ấn lại cồng kềnh không thể mang theo nên báo Phú Lợi tạm ngừng xuất bản để trở lại là tờ Tin Tức cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng 30-4-1975.
Thời chiến tranh, báo chí còn khá thô sơ về cả kỹ thuật làm báo và in ấn, phải đi từ không đến có, in xu xoa, stencil, in khuôn gỗ sau đó chuyển sang in chữ chì… nhưng đội ngũ những người làm báo Bình Dương là những người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Họ say mê với công việc, nhiệt tình và đầy sáng tạo, sẵn sàng ứng phó với tình hình trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh.
SONG KIỀU