Một thời để nhớ!

Chủ nhật, ngày 27/10/2024
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Với chị Võ Thị Như Quỳnh, nguyên Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương thì Báo Bình Dương là một thời để nhớ! Bởi, chị từng viết rất nhiều để cộng tác với báo cũng quen biết, thân thương với nhiều người làm báo từ mấy chục năm nay…

Chị Như Quỳnh kể, ngày ấy, vào những năm 1997-1998, lúc đó cộng tác với báo, đài chính là thỏa niềm đam mê viết lách của chị. 

Chị tâm sự: “Tôi rất vui và tự hào vì mình đã bám trụ được với nghề thư viện – một nghề tôi đã chọn và cho đến tận bây giờ, sau bao năm về hưu nghỉ ngơi, tôi vẫn yêu nghề đọc để viết. Đó cũng là lợi thế để tôi viết nhiều đề tài mà mình quan tâm. Được ở trong kho sách, được đọc biết bao thông tin, tôi thấy mình cần chia sẻ đến với mọi người những quyển sách mới bổ sung với nội dung hay mà độc giả đang quan tâm. Từ suy nghĩ này, tôi đã tìm đến Báo Bình Dương và Đài PT-TH Bình Dương,  rồi trở thành cộng tác viên từ dạo ấy”.

Có cái duyên đọc, viết này cũng đã cho chị Võ Thị Như Quỳnh gặp gỡ các anh chị, cô chú làm báo Sông Bé - Bình Dương, để từ đó chị là cây bút cộng tác thường xuyên trên các trang báo. Chị Trang Huệ Lan, chị Võ Hương rồi anh Nguyễn Văn Hiệp… của Báo Bình Dương đã tạo điều kiện để chị trở thành cộng tác viên chuyên mục “Góc giới thiệu sách mới” và “Hôn nhân gia đình”. 

Chị Võ Thị Như Quỳnh đang truyền cảm hứng văn hóa đọc đến các sinh viên đại học trên địa bàn tỉnh

Một thời gian đầu, hồi mới về làm Báo Bình Dương từ năm 2000, bản thân tôi cũng đã tìm đọc những bài viết của chị Như Quỳnh, coi “cái gu” của người viết, người đọc Bình Dương như thế nào để làm theo. Sau này, khi chơi thân với nhau, chị hay đùa rằng, “trước Quỳnh Như, trên báo Bình Dương đã có Như Quỳnh đó nha!”. Và, tôi càng thấy quý hơn những người có chung sở thích đọc, viết như mình. 

Nói về những năm tháng làm cộng tác viên với Báo Bình Dương, chị cho biết, là phụ nữ, phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ công việc ở cơ quan, ở gia đình nhưng vì đam mê đọc, viết, chị đã cố gắng cộng tác tốt, nhiều năm là cộng tác viên cần cù, siêng năng. 

Để có bài đăng theo các chuyên mục được chọn, hàng tuần chị biên tập và gởi bài sang tòa soạn. Ban ngày làm việc ở cơ quan, đêm về chị cặm cụi viết lách. Sách thì ở Thư viện tỉnh, chị chọn lựa nhiều thể loại nhưng trong đó mảng sách văn học chiếm đại đa số. Từ sách văn học Việt Nam, sách văn học nước ngoài, chị đọc và tóm tắt nội dung biên tập, giới thiệu những tác phẩm hay đến bạn đọc. 

Riêng về chuyên mục Hôn nhân gia đình thì lắng nghe những câu chuyện xung quanh mình rồi hư cấu thêm cho phong phú. Ngoài ra, chị còn cộng tác ở Đài Phát Thanh – Truyền hình tỉnh qua những  bản tin, câu chuyện truyền thanh hấp dẫn…

Ngày đó, để viết một bài báo thật công phu, tất cả đều phải làm thủ công. Bài viết trên một mặt của tờ giấy. Khi bài được viết ra giấy, phải đọc, sửa lại không chỉ một hai lần, mà còn phải xem tít tựa có truyền cảm, câu chữ có mượt mà, còn lỗi chính tả nào không. Chưa hết, chị còn phải chú tâm nhiều đến nội dung bài viết có đáp ứng được mong muốn của người đọc hay không. 

Sau khi viết xong bài, trên chiếc xe máy cũ, chị Như Quỳnh chạy đến tòa soạn báo (lúc đó ở đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) để gửi bài. Bài viết  được bỏ vào phong bì và ghi địa chỉ phòng nhận. Thường là chị gặp chú bảo vệ ở cổng và nhờ chú chuyển giúp.

“Giờ đây, thấy việc tác nghiệp của các bạn phóng viên với đầy đủ dụng cụ, công nghệ hỗ trợ, mới thấy phía sau mỗi bài viết trước đây của những người làm báo lứa tuổi chúng tôi là cả một nỗ lực vượt khó, cố gắng làm bằng tất cả tâm huyết, với mong muốn bài viết được duyệt, đăng…”, chị Như Quỳnh chia sẻ.

Có một điều mà tôi thầm ngưỡng mộ và quý mến người chị cộng tác viên lâu năm nơi tờ báo tôi công tác đó là chị luôn dành hết đam mê cho con chữ. Không những siêng năng đọc, viết, chị còn truyền lửa cho rất nhiều  thế hệ bạn đọc. 

Hiện tại, tuy đã nghỉ hưu nhưng hễ có lời mời nói chuyện về sách, quảng bá văn  hóa đọc là chị lại… nói say sưa. Bởi, với chị Quỳnh Võ (theo cách gọi thân thương của tôi với chị), đọc sách và viết văn, làm báo giúp con người chia sẻ cho nhau kiến thức, chia sẻ những điều hay lẽ phải rất đáng trân quý trong cuộc đời này... 

Quỳnh Như