Mua bán biển số xe giả công khai: Tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm

Cập nhật: 24-04-2023 | 08:57:32


Trên các trang mạng xã hội đang diễn ra hoạt động mua bán công khai biển số phương tiện giao thông cơ giới (gọi tắt là biển số xe (BSX)) giả. Hành vi trên không chỉ vi phạm pháp luật mà còn phát sinh nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm và gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.


Biển số xe giả được đối tượng rao bán trên các trang mạng xã hội

Rao bán tràn lan

Chỉ cần gõ từ khóa “mua BSX” trên công cụ tìm kiếm của Facebook thì nhận được hàng trăm kết quả, đáng chú ý có nhiều hội nhóm thu hút hàng ngàn người tham gia. Những hội nhóm này thường là “kín”, muốn tham gia phải có sự phê duyệt của người điều hành. Những người tham gia thường sử dụng các tài khoản Facebook nặc danh để đăng bài quảng cáo, nên rất khó để tra cứu hoặc tìm hiểu được thông tin về người bán. Nội dung những bài đăng xoay quanh việc mua bán BSX giả, với nhiều quảng cáo “bùi tai” như “bao đẹp, chất lượng, uy tín”; “bao công an, đăng kiểm”… được rao bán từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng một BSX. Thậm chí, một số quảng cáo còn nhận làm giả cả “biển xanh”, “biển đỏ” - loại BSX chỉ được cấp cho cơ quan Nhà nước, quân đội.

Trong vai một người cần mua BSX “đẹp” cho xe máy, chúng tôi nhắn tin qua ứng dụng Messenger với người điều hành trang “Làm biển số xe toàn quốc”. Qua trao đổi, người này báo giá BSX máy “ngũ quý” là 300.000 đồng, nếu làm “sỉ” với số lượng 5 cái trở lên là 200.000 đồng/1 BSX. Khi chúng tôi đặt vấn đề về chất lượng, người này trấn an: “Bên em làm BSX chất lượng, uy tín, chưa nghe khách hàng phàn nàn. Anh gắn BSX này ra ngoài đường không lo bị phát hiện vì giống thật 100%!”.

Tiếp tục liên hệ với một số điện thoại được cung cấp dưới phần bài đăng trong nhóm “Làm biển số giá rẻ” với 9.100 thành viên, chủ tài khoản này nhận làm BSX máy và BSX ô tô theo yêu cầu. Trao đổi qua Zalo có tên “Làm biển số siêu cấp”, người này cho biết chỉ cần cung cấp thông tin về biển số, số điện thoại, địa chỉ giao hàng. BSX xanh ô tô là 1 triệu đồng. BSX trắng không cần đặt cọc nhưng BXS xanh thì phải cọc 200.000 đồng. Nếu chúng tôi đồng ý thì người này sẽ làm luôn trong ngày, kèm lời hứa hẹn về BSX xanh đầy đủ phản quang, dấu mộc, không lo công an “soi”.

Căn cứ Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), việc làm giả hoặc sử dụng BSX giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội làm giả con dấu; tài liệu của cơ quan; tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức còn buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.

Sử dụng vào mục đích “bất chính”

Luật sư Mai Tiến Luật, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hãng luật Bigboss Law (Đoàn Luật sư Bình Dương), cho biết BSX được cơ quan chức năng cấp khi mua xe mới hoặc chuyển nhượng xe. Đồng thời, đây cũng là căn cứ để cơ quan chức năng quản lý về an ninh trật tự và an toàn giao thông. Vì vậy, việc mua bán BSX giả là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến công tác quản lý của cơ quan chức năng. Người mua BSX giả đa phần là để tránh bị “phạt nguội” khi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hoặc nhiều lý do khác nhưng đa phần là để vi phạm pháp luật. Trong đó, phải kể đến thủ đoạn sử dụng giấy chứng nhận đăng ký xe máy giả, BSX giả với mục đích “phù phép” xe gian thành xe chính chủ để thuận lợi cho việc tiêu thụ với giá thành cao. Từ đó, các đối tượng sẽ theo một thói quen gây ra nhiều vụ trộm cắp và sử dụng BSX giả để thu về các khoản tiền trái pháp luật.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ án hình sự có liên quan đến việc sử dụng BSX giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mới đây, Tòa án Nhân dân TP.Dĩ An đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Hồ Văn Kỷ (sinh năm 1970, quê Trà Vinh) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả cơ quan, tổ chức”.

Theo nội dung vụ án, vào tháng 1-2022, Kỷ mua xe máy hiệu Honda Future biển số 84K1-647.27 bằng hình thức trả góp với số tiền 38 triệu đồng. Trong quá trình sử dụng, Kỷ không thích BSX này nữa nên nảy sinh ý định “lên đời” bằng biển số “sảnh tiến lên”. Kỷ lên mạng xã hội đặt mua BSX máy 84K1- 567.89 và giấy chứng nhận đăng ký xe (GCNĐKX) máy cùng mang tên Hồ Văn Kỷ. Do không có tiền tiêu xài, vào tháng 7-2022, Kỷ mang GCNĐKX giả và căn cước công dân của mình đến một tiệm cầm đồ ở phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An cầm được 1,5 triệu đồng. Sau đó, Kỷ mang chiếc xe máy hiệu Honda Future gắn BSX giả 84K1-567.89 đến tiệm cầm đồ trên cầm 2 lần với tổng số tiền 50 triệu đồng. Sau khi tiêu hết tiền, Kỷ đến tiệm cầm đồ muốn thế chấp chiếc xe máy thêm 5 triệu đồng. Lúc này chủ tiệm cầm đồ phát hiện GCNĐKX và BSX có dấu hiệu làm giả nên yêu cầu Kỷ trả lại 50 triệu đồng, tuy nhiên Kỷ chỉ trả được 36 triệu đồng. Sau đó, chủ tiệm cầm đồ đã trình báo vụ việc cho cơ quan công an. Với hành vi trên, bị cáo Hồ Văn Kỷ bị tuyên phạt phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả cơ quan, tổ chức” với tổng mức án là 3 năm 6 tháng tù.

Theo Luật sư Mai Tiến Luật, quy định tại khoản 22, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán BSX cơ giới, xe máy chuyên dùng. Tại Điều 29, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ- CP ngày 28-12-2021 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt và hàng không dân dụng) quy định về xử phạt như sau: Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với cá nhân; từ 2 - 4 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi bán BSX không phải là biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với cá nhân; từ 6 - 10 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi sản xuất BSX trái phép.

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=784
Quay lên trên