Thống kê của sàn địa ốc ACBR, từ đầu năm 2011 đến giữa tháng 3, giao dịch nhà cá thể bằng vàng có tỷ lệ thành công bằng 0%. Năm ngoái, những thương vụ mua bán nhà đất bằng vàng vẫn chiếm tỷ lệ dưới 10%.
Cụ thể, gần 3 tháng qua, ACBR chi nhánh Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP.HCM có 30 giao dịch nhà cá thể thành công qua sàn nhưng không có trường hợp nào mua bán bằng vàng. Thống kê của ACBR, tỷ lệ giao dịch nhà cá thể bằng hiện kim đã sụt giảm mạnh. Theo đó, từ năm 2000 đến năm 2008, tỷ lệ mua bán nhà tính theo đơn vị lượng vàng tại sàn này chiếm 50-50 so với giao dịch bằng tiền đồng. Năm 2009, các thương vụ nhà đất bằng vàng đến 40% so với tổng số các thương được ghi nhận tại sàn. Đến năm 2010, tỷ lệ nhà phố giao dịch bằng vàng chỉ đạt dưới 10% và đầu năm 2011, tỷ lệ này là 0%.
Nhà cá thể giao dịch bằng vàng đang có tỷ lệ giao dịch bằng 0.
Vắng bóng các thương vụ mua bán địa ốc bằng vàng cũng là tình trạng chung của các hệ thống sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn TP.HCM. Ghi nhận tại hệ thống sàn Sacomreal, Song Phát, Vinaland, tỷ lệ giao dịch nhà đất bằng vàng cũng bằng 0.
Nguyên nhân, theo các chuyên gia, là do tâm lý lo ngại việc mua bán kinh doanh vàng miếng có khả năng bị thu hẹp trong tương lai đang đè nặng lên các giao dịch nhà cá thể.
Tổng Giám đốc Công ty địa ốc ACB (ACBR) Phạm Văn Hải cho biết: "Từ khi có thông tin Chính phủ đang cân nhắc việc cấm giao dịch vàng miếng, những thương vụ mua bán nhà đất bằng vàng đang điều chỉnh sang giao dịch bằng tiền đồng".
Theo ông Hải, hơn hai tháng qua, các giao dịch nhà phố bằng vàng gần như tắt hẳn. Tuy vẫn còn nhiều mảnh đất có vị trí đắc địa ở những tuyến đường lớn vẫn rao bán bằng vàng nhưng tâm lý người mua thích giao dịch bằng tiền đồng hơn. Chuyên gia này nhận xét thêm, hiện nay thị trường địa ốc đang ảm đạm, người bán nhiều hơn người mua, vì vậy, những chủ nhà cũng nhún nhường khách, chuyển đổi dần sang phương thức mua bán bằng tiền đồng để thúc đẩy thương vụ đi nhanh hơn.
"Nếu cứ kéo dài tình trạng này cho đến thời điểm việc kinh doanh vàng miếng bị cấm, sớm muộn gì giao dịch nhà đất bằng vàng cũng sẽ bị biến mất khỏi thị trường", ông Hải dự báo.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Công ty địa ốc Sài gòn Thương tín (Sacomreal) Bùi Tiến Thắng nhận định, xu hướng giao dịch nhà đất bằng vàng đã giảm dần theo thời gian vì nhiều lý do.
Đầu tiên là giá vàng trải qua nhiều biến động, liên tục tăng nóng, thường khiến cho bên bán hoặc mua nhà thay đổi quyết định, lật kèo hoặc trì hoãn giao dịch. Kế đến là thông tin vàng có thể bị cấm giao dịch cũng ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của người nắm giữ hiện kim. Ba là tính tiện lợi, an toàn trong giao dịch đứng trước nguy cơ giảm dần.
"Thử nghĩ, khi mua bán nhà bằng nhẫn trơn chứ không phải vàng miếng thương hiệu thì cơ quan nào đủ sức giám định tuổi vàng của những chiếc nhẫn trong khi giá trị của nhà đất thường lên đến hàng trăm thậm chí hàng nghìn lượng vàng", ông Thắng đưa ra một ví dụ về sự bất tiện của giao dịch bằng vàng trong tương lai.
Theo chuyên gia này, nền văn hóa Á Đông, đặc biệt là Việt Nam thường tích trữ vàng, giao dịch mua bán bằng vàng như một thói quen, tập tính khó bỏ. Bởi lẽ, vàng là một đơn vị thanh toán mạnh, có chức năng tích trữ, được bảo đảm về giá trị theo thời gian.
Ông cho rằng, xu hướng giao dịch nhà đất bằng vàng đã giảm dần theo thời gian do không được khuyến khích vì bị giảm dần tính tiện lợi trong thanh toán. Tuy nhiên, giao dịch bằng tiền đồng hay vàng là quyền của người bán và người mua theo hình thức thỏa thuận. "Chừng nào giao dịch nhà đất bằng vàng còn được pháp luật bảo vệ thì khi đó, nó sẽ vẫn tiếp tục tồn tại dù số lượng không đáng kể so với giao dịch bằng tiền đồng", ông Thắng nói.
Theo VNE