Mua bán trực tuyến: Đang phát triển mạnh 

Cập nhật: 26-06-2015 | 09:29:11

 

Thời gian gần đây, với sự phát triển mạnh của internet và các thiết bị di động cầm tay (điện thoại thông minh, máy tính bảng) người tiêu dùng đang chuyển dần từ mua sắm truyền thống sang mua sắm trực tuyến (online), chỉ với một cái nhấn tay trên điện thoại hay click chuột là có thể mua được món hàng ưng ý. Nắm bắt được xu thế này, nhiều trang thương mại điện tử (TMĐT), sàn TMĐT được hình thành đáp ứng từ việc trưng bày sản phẩm, bán hàng và vận chuyển đến tận tay người mua.

Bùng nổ thương mại điện tử

TMĐT càng được biết tới như một phương thức kinh doanh hiệu quả từ khi internet hình thành và phát triển. Lợi ích lớn nhất mà TMĐT đem lại chính là sự tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch. Theo Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), tại Việt Nam hiện có 473 website cung cấp dịch vụ TMĐT đã được xác nhận đăng ký; trong đó năm 2014 số website TMĐT đăng ký mới là 357, gấp hơn 3 lần so với năm 2013 (116 website).

Chỉ với một cái nhấn tay người tiêu dùng có thể mua được món hàng
trên các trang TMĐT. Ảnh: H.PHẠM

Với các trang TMĐT hàng đầu như lazada.vn, 5giay. vn, chotot.vn, rongbay.com, chodientu.vn... đã thu hút hàng triệu lượt khách truy cập mỗi ngày. Chị Hà Nguyên, làm việc cho một công ty tại TP.Thủ Dầu Một cho biết, do thời gian mua sắm trực tiếp không nhiều nên việc mua và đặt hàng bằng điện thoại qua các trang mua sắm rất thuận tiện. Chỉ cần chọn món hàng, cung cấp địa chỉ giao hàng, còn thanh toán thì có nhiều hình thức như chuyển khoản, nhận hàng giao tiền...

Bên cạnh đó, các mạng xã hội như facebook, zalo, zingme... đã “góp gió” vào sự phát triển của TMĐT. Ông Cao Thanh Xuân, Phó Trưởng bộ môn Hệ thống thông tin, khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, tại Việt Nam hiện có hơn 30 triệu người đang sử dụng facebook, trong đó hơn 70% là từ độ tuổi từ 18 - 40. Đây có thể xem là một kênh thông tin quảng bá của doanh nghiệp.

Đề phòng rủi ro

Bên cạnh những tiện ích cho người tiêu dùng như dịch vụ dễ tìm kiếm (có so sánh khi mua), đặt hàng ở bất cứ thời điểm nào, dịch vụ trọn gói... thì giao dịch TMĐT cũng tồn tại nhiều rủi ro, trong đó rủi ro thường gặp là đặt hàng này nhận hàng khác, hàng không bảo đảm chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng... Những rủi ro này người mua thường phải chịu do bên bán thiếu trung thực và các quy định của pháp luật còn chưa chặt chẽ.

Chị Hà ở TX.Thuận An chia sẻ, thấy bạn làm cùng công ty mặc chiếc áo mua trên mạng giá khá rẻ, lại đẹp, chị liền lướt nhanh qua các website mua bán. Rất nhanh chóng, chị chọn một áo sơ mi và áo khoác ưng ý. Tuy nhiên, khi cầm sản phẩm trong tay thì thấy nó khác xa với hình ảnh quảng bá trên website trực tuyến. Sau nhiều lần trao đổi, chị được người bán giải thích: “Vì không có máy ảnh và người mẫu mặc đồ nên chủ cửa hàng chọn đại một ảnh trên internet để làm hình mình họa, kiểu dáng hoàn toàn giống nhau, chỉ có điều người mẫu mặc nên nó đẹp thế” và không chịu hoàn tiền lại.

Về vấn đề này, luật sư Hoàng Thái Nguyên (Văn phòng Luật sư Phạm Hữu Tình, TP.Thủ Dầu Một) cho biết, việc mua bán qua mạng là một xu thế tất yếu hiện nay. Về mặt pháp luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2013/ NĐ-CP ngày 16-5-2013, trong đó có quy định rõ trách nhiệm của người bán về hàng hóa, dịch vụ, giá cả nhưng khi vi phạm chỉ có xử phạt hành chính, cao nhất là đình chỉ hoạt động và người bán có thể đăng ký mua bán trên các trang TMĐT khác, do đó rủi ro vẫn thuộc về người mua.

Để hạn chế rủi ro trong giao dịch TMĐT, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua sắm tại các sàn giao dịch uy tín và đã được các cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép. Về hình thức thanh toán, nên chọn “thanh toán tạm giữ” để bảo đảm chỉ khi nhận được hàng đúng mô tả, người bán mới chi trả, tuyệt đối không chuyển tiền trực tiếp cho người bán khi mua hàng online.

Bà Phan Thị Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết, việc mua sắm online tại Bình Dương phát triển khá mạnh trong thời gian gần đây, điều này giúp cho người tiêu dùng có thể lựa chọn những mặt hàng ưng ý mà không mất nhiều thời gian. Hiện tại, hội chưa nhận được đơn khiếu nại của người tiêu dùng về các mặt hàng đặt mua online.

Tuy vậy, nếu có đặt hàng online thì người tiêu dùng nên chọn những đơn vị uy tín, có cả cơ sở bán hàng trực tiếp, tìm hiểu đầy đủ thông tin về sản phẩm trước khi mua. Cần lên danh sách hạng mục những sản phẩm không nên mua trực tuyến như hàng điện tử, mỹ phẩm... Nếu không có vấn đề bất cập thì mới quyết định mua hàng…

 

HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=762
Quay lên trên