Mùa khai thác mủ cao su 2011: Nối tiếp đà thắng lợi!

Cập nhật: 23-05-2011 | 00:00:00

Khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu xuất hiện với tần suất cao cũng là lúc mùa khai thác mới lại đến với người trồng cao su Bình Dương. Tiếp đà thắng lợi của mùa cạo trước, năm nay người trồng cao su tiểu điền (CSTĐ) đã chuẩn bị kỹ càng cho mùa vụ mới.

Giá mủ ổn định ở mức cao

Trong những năm gần đây, CSTĐ đang dần phát huy những lợi thế cơ bản và làm thay đổi đời sống của nhiều tầng lớp dân cư nông thôn Bình Dương. Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có gần 130.000 ha cao su, trong đó CSTĐ chiếm khoảng 65% diện tích và có 70% diện tích trong số này đang trong thời kỳ khai thác mủ. Hiện tại, cao su đang dần trở thành cây trồng chủ lực của nông nghiệp Bình Dương do dễ trồng, dễ chăm sóc và cho giá trị cao, ổn định. Xuất phát từ những lợi thế như vậy mà nông dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển CSTĐ rất mạnh.

 

Người trồng cao su cần chăm sóc và thực hiện chế độ cạo hợp lý để bảo vệ vườn cây. Trong ảnh: Thu hoạch mủ cao su tại huyện Phú Giáo

Mùa cạo năm ngoái, người trồng CSTĐ đã được tận hưởng sự “thăng hoa” của giá mua mủ khi luôn duy trì ở mức 800 - 900 đồng/độ vào những tháng cuối vụ. Với giá mua 500 đồng/độ như 2 năm trước, người trồng cao su đã có lãi ròng gần 100 triệu đồng/ha thì năm nay nếu giá mua mủ cứ duy trì ở mức 900 đồng/độ như hiện nay thì thu nhập của người trồng cao su sẽ được tăng cao hơn nữa. Nhờ giá như vậy, nhiều hộ đã thật sự đổi đời xây dựng được nhà mới, mua sắm các phương tiện sinh hoạt tiện nghi và không ít  gia đình đã trở thành triệu phú nhờ cây cao su.

Cùng với đó, bộ mặt nông thôn của các huyện cũng đã có nhiều thay đổi; thương mại - dịch vụ tại nông thôn phát triển hơn. Năm nay khi mới bước vào đầu mùa, giá mua mủ cao su đã đạt được mốc 900 đồng/độ. Trước những dự báo về giá mủ cao su sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều người trồng cao su từ đầu mùa cạo năm nay đã tập trung vốn mua phân bón “đổ” cho vườn cây nhà mình. Anh Nguyễn Văn Úy, ngụ tại xã Tân Long, huyện Dầu Tiếng cho biết: “Nhiều thông tin dự báo rằng năm nay giá mua mủ sẽ vẫn cao nên đầu mùa cạo tôi đã đầu tư cho 4 ha cao su của mình gần 40 triệu đồng. Tuy là giá phân bón vẫn còn ở mức cao nhưng tôi cố gắng tập trung đầu tư để đón đầu giá mủ”. Còn anh Nguyễn Văn Long ngụ tại xã Tân Hưng, huyện Bến Cát cho biết: “Hiện tại, giá mủ cao su rất cao nhưng do mới bước vào mùa vụ nên lượng mủ khai thác được chưa nhiều. Tôi chỉ lo đến khi vườn cao su đạt đến đỉnh điểm khai thác thì giá mua sụt xuống thấp, người trồng cao su sẽ chịu thiệt”.

Nên có chế độ cạo, chăm sóc hợp lý

Phong trào phát triển CSTĐ trong những năm gần đây đã thu hút sự tham gia của nhiều người. Có một thực tế là hiện nay nhiều người trồng CSTĐ do thấy giá mủ cao su ở mức cao đã cạo theo kiểu tận thu vườn cây của mình bằng việc bôi thuốc kích thích, cạo đục, cạo ép, cạo phạm với tần suất dày đã làm cho vườn cây yếu đi.

Thực trạng trên xuất hiện còn do nguyên nhân nhiều người trồng theo kiểu phong trào tự phát, muốn có thu nhập nhanh nên các khâu chọn giống, trồng, chăm sóc không bảo đảm yêu cầu, trong khi khâu kiến thiết cơ bản cho vườn cây là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó nhiều người còn thiếu các kiến thức cơ bản về cây cao su trong tất cả các khâu dẫn đến tình trạng hiện nay sản lượng mủ của CSTĐ thấp hơn rất nhiều so với cao su quốc doanh, thời gian khai thác ít hơn. Một trong những hạn chế nữa của việc phát triển CSTĐ trong thời gian qua là hầu hết những diện tích CSTĐ nằm ở vùng sâu, vùng xa; diện tích manh mún nên rất khó trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học trong trồng và khai thác một cách đồng bộ. Việc vận chuyển sản phẩm cũng rất khó khăn nên dẫn đến tình trạng sản phẩm chất lượng thấp và chi phí vận chuyển cao. Trong khi đó các nhà vườn lại phải phụ thuộc quá nhiều vào các điểm thu mua nhỏ lẻ do chúng ta chưa có các kênh vận chuyển từ các đầu mối thu mua tập trung đến các nhà máy chế biến mủ. Đây chính là một trong những hạn chế gây thiệt thòi cho nông dân mà nếu khắc phục được, giá trị sản xuất của các diện tích cao su tiểu điền sẽ được nâng lên.

Nỗi lo thường trực của người trồng cao su trong thời gian qua chính là mất giá và dịch bệnh. Trong thời điểm này, người trồng cao su cần theo dõi thường xuyên vườn cây để kịp thời phát hiện dịch bệnh và bón bổ sung các nguyên tố vi lượng, trung lượng cần thiết nhằm tạo sức đề kháng cao cho vườn cây. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện chế độ cạo hợp lý để duy trì sản lượng mủ vườn cây ở mức ổn định.

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên