Mùa...ly biệt!
Cập nhật: 19-05-2012 | 00:00:00
Mùa hạ ấy rực đỏ dọc
dài những con phố màu phượng vỹ lên ngôi. Người ta bảo phượng ở Huế thì năm nào
đến kỳ hoa chẳng rực; nhưng có lẽ vào thời điểm chúng tôi đang xao xác về một
cuộc sinh ly, thành thử màu phượng là màu lửa lòng của những cảm xúc sau cuối.Một sớm, tôi bước
lặng thầm ra phố để ngắm những cánh phượng vỹ. Có cánh vừa mới nhú sau đêm, có
cánh nở bung với nỗi niềm mùa hạ, có cánh rơi lả tả theo gió sớm vô tình vương
vai khách bộ hành, vương tà áo thướt tha của những thiếu nữ duyên dáng và ngàn
vạn cánh vương đầy lối đi. Tôi đưa tay bắt lấy một cánh phượng khi nó chưa kịp
rơi xuống đất mang về cư xá và sống với niềm thao thức khôn nguôi. Tròn bốn năm
sống với Huế tôi chưa một lần nghĩ về hoa phượng, sao hôm nay lòng tôi chí
thành với hoa đến thế. Có lẽ vì lúc này đây hoa báo hiệu cho tôi phải chia tay
với một nỗi nhớ lặng thầm? Không biết nữa, nhưng cứ nhìn hoa lòng tôi lại rưng
rưng nỗi niềm của kẻ hát rong vĩ đại Trương Chi. Nhưng dù bị khước từ tình yêu
một cách đau khổ thì trái tim nhỏ máu Trương Chi cũng đã ít nhất một lần cất
lên thành lời. Còn tôi, tôi cứ giữ lấy những dang dở cho riêng mình. Tôi thấy nhớ em từ
sau cái lần tôi nhìn trộm vào bờ vai em, xuyên qua làn áo mỏng. Một nỗi nhớ pha
lê kiểu “ngày xưa Hoàng Thị” nhưng da diết lắm. Cứ mong mỗi sớm, mỗi chiều đến
lớp để ngồi kề, nhìn và nghe em nói. Chỉ là những câu chuyện bâng quơ không đầu
không cuối, rất có thể tan buổi học em quên ngay nhưng trong tôi tha thiết một
niềm vui. Rồi những ngày ngược xuôi với lăng tẩm và Thiên An, em tung tăng như
cánh bướm để tôi cứ chập chờn giữa hai phía mộng và thực của sương khói cuộc
đời. Dù em không là con quan tể tướng như nàng Mị
Nương nhưng chí ít cũng là cô gái giữa xứ Huế đài các, còn tôi chính hiệu một
anh nhà quê có bản lai gốc gác với Thằng Bờm, suốt đời chỉ dám mơ nắm xôi nên
chi dù mộng tưởng có bay bổng tới đâu thì thực tại cũng bắt tôi quay về với rơm
rạ ruộng đồng, với những đứa bạn gái cũng như trai da tóc khét cháy, mười mấy
tuổi còn tắm chung một bến sông. Nơi ấy chúng tôi thường cho nhau những chùm
bông hòe, những cánh chập chọe nồng ngát mùi đất đai và vô số loài thảo dã là
hương đồng gió nội. Làm sao biết đến những loài hoa quý phái. Không biết con đường
tôi đi có là “đường phượng bay” mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng hát lên trong
nhạc phẩm “Mưa hồng”; chỉ biết cánh phượng gợi lên trong tôi những vướng mắc
man mác: cái náo nức của ngày tựu trường, mùi cơm cư xá tuyệt kỳ, mùi hương
vuốt ve trôi thoảng trên mái tóc em. Tất cả rồi sẽ chấm dứt. Cánh phượng báo
cho tôi một biến cố trong đời. Khi con đường ken đầy xác phượng; màu đỏ rực
chinh phục hoàn toàn màu xanh của lá cũng là lúc tôi kết thúc khóa học. Buổi
học cuối cùng, cảm giác xung quanh hoàn toàn lặng lẽ: bàn ghế lặng lẽ, bảng đen
lặng lẽ, những ánh mắt bạn bè nhìn nhau lặng lẽ. Và tôi cũng lặng lẽ chôn chặt
những điều không cất được thành lời. Tôi xa Huế, xa con “đường phượng bay” cong
mềm như nỗi nhớ. Lòng thấy thương những thân phượng già cô độc khi trút cạn một
mùa hoa. Thì rồi lộc non sẽ đâm chồi, sẽ sinh sôi những bào tử mới. Nhưng đến
lúc đó Huế chỉ riêng mình em ở lại thì chắc chi màu phượng đã lên ngôi. Còn tôi, tôi sẽ về với rơm rạ ruộng đồng để
suốt đời làm loài cỏ tương tư.NGUYỄN HÙNG