Mưa nắng thất thường, nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật: 09-09-2024 | 08:00:59

 Hiện thời tiết mưa nắng thất thường, độ ẩm cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Do đó tại các địa phương số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng gia tăng. Trước tình trạng này, ngành y tế tỉnh chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch.

 Lực lượng chức năng của TP.Dĩ An phun hóa chất diện rộng phòng, chống dịch bệnh SXH

 Ca mắc có xu hướng tăng nhanh

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.621 ca mắc SXH, trong đó có 21 ca nặng và 1 ca tử vong. Số ổ dịch được phát hiện và xử lý là 497.

Các địa phương ghi nhận số ca mắc SXH cao là TP.Tân Uyên 243 ca; TP.Dĩ An 273 ca; TP.Thuận An 285 ca và TP.Bến Cát 320 ca. Điển hình trong tuần 35 (từ ngày 26-8 đến 1-9) ghi nhận 44 ca, 12 ổ dịch. Tỷ lệ mắc SXH Dengue (SXHD)/100.000 dân đang tăng cao ở các địa phương như huyện Bắc Tân Uyên 105 ca/100.000 dân; huyện Bàu Bàng 88 ca/100.000 dân; TP.Bến Cát 84 ca/100.000 dân và huyện Phú Giáo 67 ca/100.000 dân.

Ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Hiện thời tiết mưa nắng thất thường, dự báo thời gian tới trên địa bàn tỉnh dịch SXH tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu các ngành, địa phương không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống thì nguy cơ dịch tấn công sẽ rất nguy hiểm”.

Ngành y tế tỉnh dự báo dịch bệnh SXH có xu hướng tăng cao trong các tuần tiếp theo và diễn tiến theo xu hướng gia tăng ca mắc trong năm 2023 (cao điểm tháng 10, tháng 11). Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2023 số ca mắc SXH từ đầu năm 2024 đến nay giảm 27% với số ca ghi nhận là 2.224 ca, số ổ dịch phát hiện cũng giảm 15%.

Hiện thời tiết trên địa bàn tỉnh mưa nắng thất thường, độ ẩm cao, lăng quăng, muỗi vằn sẽ phát triển mạnh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch SXH. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin chưa được sử dụng tại Việt Nam, nếu người dân lơ là, không nâng cao ý thức phòng bệnh, nguy cơ dịch bệnh sẽ bùng phát mạnh.

Chủ động phòng dịch

Qua ghi nhận, TP.Dĩ An là một trong những địa phương có số ca mắc SXH cao và đã phát hiện hơn 110 ổ dịch, tăng 47 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, số ca bệnh SXHD tập trung chủ yếu tại KP.Đông Chiêu, KP.Chiêu Liêu (phường Tân Đông Hiệp) và KP.Tân Phú 1, KP.Tân Phú 2 (phường Tân Bình). Trong số này, ổ dịch tại KP.Tân Phú 1 đang gia tăng nhanh số lượng ổ dịch và số ca mắc mới. Trung tâm Y tế TP.Dĩ An đã tiến hành phun hóa chất diện rộng, khống chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

 Đoàn viên thanh niên tại TP.Tân Uyên ra quân xử lý các dụng cụ có nước, hạn chế lăng quăng

Qua đánh giá, phường Tân Bình và phường Tân Đông Hiệp là những địa bàn thường xuyên ghi nhận sự lưu hành của muỗi truyền bệnh SXH. Do đặc điểm dân cư đông, tập hợp nhiều khu nhà trọ cũ kỹ, xuống cấp nằm đan xen với các trường học nên công tác phun xịt hóa chất diện rộng tại khu vực này là việc cấp bách và cần thiết.

Ông Lại Viết Văn, Trưởng ban Điều hành KP.Tân Phú 1, phường Tân Bình (TP.Dĩ An), cho biết để phòng dịch SXH tại các khu nhà trọ, địa phương thường xuyên vận động chủ nhà trọ và người thuê trọ nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, dọn dẹp quanh khu trọ, khơi thông các nơi đọng nước và loại bỏ các vật chứa nước để chặt đứt môi trường sinh trưởng của muỗi.

Tuy nhiên, theo ông Văn, người ở trọ chỉ duy trì vệ sinh được 1-2 tuần thì đâu lại vào đấy; đồ đạc quần áo treo đầy trong phòng, lối đi, chai nhựa vứt bừa bãi, nước trong lọ bình bông để hàng tuần không thay nước. Do người lao động đi làm từ sáng sớm tối khuya mới về nên khu phố tranh thủ vận động tuyên truyền chứ không thể cùng người ở trọ dọn dẹp.

Trong khi đó tại TP.Tân Uyên, để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, địa phương đã đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng, chống SXH. Ông Nguyễn Văn Chay, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên, chia sẻ để khống chế dịch bệnh, thành phố đã tổ chức 2 đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường. Trọng tâm chiến dịch là nhắm vào người dân, hộ gia đình để họ tự giác vệ sinh, bỏ các vật dụng chứa nước có lăng quăng trong và ngoài nhà. “Sau chiến dịch, chỉ số côn trùng gây bệnh giảm ít nhất 80%, theo đó số ca mắc SXH trên địa bàn cũng giảm theo”, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên cho biết.

 Theo điểm b, khoản 2, Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Phạt tiền từ 5.000.000-10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=839
Quay lên trên