Mùa tết, nhu cầu mua sắm bánh kẹo, mứt, thực phẩm khô tăng cao. Tuy nhiên, chọn lựa mặt hàng, thương hiệu nào lại là vấn đề lo ngại của người tiêu dùng (NTD) bởi đây là thời điểm thuận lợi để các loại hàng giả, kém chất lượng trà trộn vào thị trường.
Hàng giả, hàng thật lẫn lộn
Hiện nay trên thị trường, bánh kẹo, mứt, sữa… các loại nhập khẩu rất phong phú và đa dạng. Giá của những sản phẩm nhập khẩu cũng cao hơn giá bánh kẹo trong nước, đặc biệt là các dòng bánh cao cấp. Lợi dụng tâm lý NTD có nhu cầu mua quà biếu tết là những mặt hàng cao cấp, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng rồi dán mác “ngoại” để tung ra thị trường tiêu thụ.
Cuối tuần qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh đã phát hiện Công ty TNHH TMDV Trí Tiến (phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) đang thực hiện pha trộn 3 loại nho sấy khô có nguồn gốc Ấn Độ để đóng thành 159 thùng với 1.908 hộp (loại 425gram/hộp) mang nhãn hiệu Sunview Raisins có nguồn gốc từ Mỹ. Ngoài ra, cơ sở này còn có khoảng 40kg nho đã được phối trộn để chuẩn bị đóng gói thành phẩm và nhiều thùng nho khô thành phẩm của nhiều hãng khác nhau. Toàn bộ lô hàng được ngành chức năng thu giữ, tiếp tục điều tra làm rõ.
Lực lượng chức năng phát hiện 6 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tại TP.Thuận An
Mới đây Công an tỉnh và lực lượng cảnh sát kinh tế Công an TP.Hồ Chí Minh, cùng các đơn vị liên quan phát hiện, tạm giữ một đối tượng làm giả sữa bột, nhái nhãn hiệu nổi tiếng với số lượng 7.500 lon thành phẩm các loại, 200 kiện hàng có chứa khoảng 150.000 vỏ lon sữa các nhãn hiệu nổi tiếng. Ước tính hàng hóa trị giá tới 14,5 tỷ đồng. Bước đầu, đối tượng khai nhận đã thuê 4 địa điểm, trong đó có một nhà xưởng trên đường Lồ Ô, phường Bình An, TP.Dĩ An để sản xuất hàng giả. Từ đó, rao bán công khai qua kênh bán hàng online.
2 vụ việc nêu trên chỉ là trong số rất nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về thương mại kịp thời phát hiện. Trong khi đó, trên thị trường còn rất nhiều sản phẩm bánh, kẹo, nước giải khát… giả, nhái nhãn hiệu rất tinh vi với tên gọi na ná với các sản phẩm thật, như Oishi nhái Oshi, Alpeliebe Original - Apellebe OY, Cheng Gum - Chewing Gum, Chocopai - Chocopie hoặc các loại vỏ hộp mang mác ngoại với nhãn hiệu Dbent, Danson… nhưng bên trong là các loại bánh không rõ nguồn gốc. Do mẫu mã vỏ hộp sang trọng, nắp hộp lại được dán bằng loại tem tự in nên nếu chưa dùng qua các sản phẩm này khách hàng rất khó để phân biệt với hàng chính hãng.
Ông Nguyễn Phương Đông, Cục trưởng Cục QLTT Bình Dương cũng chỉ ra thực trạng về việc khó có thể phân biệt được hàng thật và hàng giả vì được sản xuất tinh vi, rất giống hàng thật. Hơn nữa, hàng giả không chỉ được sản xuất ở trong nước mà còn được nhập khẩu, hoặc rao bán một nơi, cất trữ hàng một nẻo… Chính vì vậy, chỉ có các doanh nghiệp mới có khả năng nhận diện hàng thật một cách chính xác nhất. Tuy nhiên giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước lại chưa có sự liên kết chặt chẽ nên hàng giả vẫn còn đất sống. |
Cùng với đó, tại một chợ truyền thống, không khó để nhận thấy trên thị trường cũng xuất hiện một số loại bánh kẹo, mứt táo, cà chua, mắc ca, chà là… trong thùng giấy, giá dao động từ 80.000 - 250.000 đồng/ kg. Khi được hỏi xuất xứ các loại bánh kẹo này, người bán hàng cho rằng được sản xuất tại các cơ sở trong nước, một số nhập khẩu, không tốn chi phí bao bì, đóng gói nên có giá rẻ.
Nâng cao ý thức tiêu dùng
Trong năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã xử phạt 493 vi phạm về hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả. Việc tiêu hủy là cần thiết và bắt buộc nhằm hạn chế các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe NTD.
Có thể thấy, đấu tranh phòng chống hàng giả là điều được các cơ quan liên quan và NTD quan tâm, tuy nhiên lượng hàng giả được sản xuất, mua bán trên thị trường hiện nay vẫn rất nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả tràn lan là khuôn khổ pháp luật điều chỉnh vấn đề này còn một số hạn chế bất cập. Trong đó có thể kể đến là chế tài, xử phạt chưa thực sự nghiêm khắc, chủ yếu xử phạt hành chính. Mức xử phạt thực tế lại rất thấp so với lợi nhuận từ việc sản xuất, buôn bán hàng giả. Các đối tượng sản xuất và bán hàng giả sẵn sàng nộp phạt rồi lại tái phạm.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm bị làm giả chia sẻ mặc dù biết chắc chắn nhãn hiệu của mình bị làm giả nhưng cũng ngại làm “to chuyện”. Lý do được đưa ra là nếu “khuấy động”, niềm tin của NTD giảm sút, đối thủ cạnh tranh thừa cơ hưởng lợi.
Trước vấn nạn về thực phẩm giả, kém an toàn như hiện nay, cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, người dân cần phải trở thành NTD thông thái bằng việc lựa chọn những địa điểm mua hàng uy tín, nói không với sản phẩm, hàng hóa giá rẻ, không rõ xuất xứ, trôi nổi. Cùng với đó, chọn và sử dụng thực phẩm chất lượng bằng kiến thức, kỹ năng, không chỉ vào hình thức, mẫu mã. Ngoài ra, khi phát hiện mua phải các sản phẩm giả, nhái hay kém chất lượng, cần phản ánh với các cơ quan bảo vệ NTD để có phương án xử lý. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu về các hành vi vi phạm, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, công khai tên, địa chỉ sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe.
THANH HỒNG