Mùa Vu lan năm nay, một số chùa ở Bình Dương có đưa vào nghi thức tổ chức lễ mừng thọ cho những ông cụ, bà cụ lớn tuổi. Những bậc làm cha mẹ ở tuổi xế chiều đến dự với tất cả niềm hân hoan và sự phấn khởi, hòa theo những lời nhắc nhở về “lòng mẹ bao la” và “công lao trời biển của các đấng sinh thành”. Ở đó, chúng tôi còn thấy những dòng nước mắt xúc động vì tấm lòng biết ơn hướng về cha mẹ của những người con đã trưởng thành.
Trong dòng người về các chùa dự lễ hội Vu lan là hình ảnh của những người cha nay đã già, mẹ đã yếu hơn vì tuổi tác. Họ được con cháu đưa đến chùa để được cài hoa hồng, ăn bánh ngọt và cùng nghe về kinh báo hiếu. Những người con có dịp ở bên cha mẹ nhiều hơn để lắng nghe từng hơi thở thật gần, nắm bàn tay cha mẹ thật chặt như họ đã được cha mẹ dìu dắt, nâng đỡ khi còn thơ bé.
Một cụ bà ngoài 80 móm mém cười nói rằng, ban đầu khi được con gái nói sẽ đưa lên chùa mừng thọ nhân dịp lễ Vu lan, cụ thấy ngại lắm vì nhà cũng hơi xa chùa nhưng rồi con cháu đưa cụ đến đây và cụ thấy rất vui khi có hàng chục ông bà, cha mẹ cùng chung vui niềm vui ngọt ngào mà con cháu dành tặng cho mình.
Vâng, có người còn cho đó là hình thức, rằng tấm lòng hiếu thảo chỉ nên để trong tâm mỗi người. Nhưng không phải, có dự những lễ mừng thọ tập thể như thế này ở cả những ngôi chùa vùng sâu, vùng xa mới thấy hết ý nghĩa của nó. Nét văn hóa, tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, đạo hiếu uống nước nhớ nguồn như thêm một lần được nhắc nhở để những người con, người cháu sống tốt đẹp hơn với ông bà, cha mẹ.
Chữ hiếu trong mùa Vu lan là nét văn hóa vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính tôn giáo nhưng trên hết là sợi dây tình cảm cao cả của các thế hệ cần gìn giữ.
HƯƠNG CẦN