Mục đích của Mỹ trong kế hoạch xây dựng cảng viện trợ ở Gaza

Cập nhật: 13-03-2024 | 07:02:18

Kế hoạch xây dựng cảng cứu trợ ở Gaza là một nỗ lực mới của Chính quyền Biden, người đang gặp khó khăn trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.


Hàng viện trợ được thả xuống Dải Gaza ngày 1/3/2024.

Tiến sĩ Selim Sezer thuộc Khoa Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Istanbul Gedik nhận định với hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) rằng các nỗ lực ngừng bắn tạm thời trong tháng Ramadan ở Gaza đã không mang lại kết quả đáng kể nào. Trong quá trình này, sự khác biệt về quan điểm giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như ngày càng sâu sắc ở một số khía cạnh. Đặc biệt, việc máy bay Mỹ thả hàng viện trợ nhân đạo tới Gaza từ ngày 29/2 được coi là một trong những biểu hiện quan trọng của sự chia rẽ trên. Tuy nhiên, bản chất và ranh giới của sự chia rẽ này cần phải được xác định một cách chính xác.

Chính sách của Mỹ ở Gaza

Theo Tiến sĩ Selim Sezer, mục tiêu của Thủ tướng Netanyahu là chiếm một phần hoặc toàn bộ Dải Gaza và trục xuất một phần hoặc toàn bộ người Palestine sống trong khu vực đã không nhận được sự ủng hộ của Washington ngay từ đầu. Tuy nhiên, không có việc cắt hay giảm viện trợ quân sự của Mỹ cho Israel nằm trong chương trình nghị sự. Cùng với đó, bất kỳ sáng kiến ​​nào nhằm vào Israel trên mọi diễn đàn quốc tế, đặc biệt là tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC), đều bị Mỹ ngăn chặn. Về mặt này, sẽ là thích hợp khi nói rằng chính sách Gaza của Biden đã mang tính “hai mặt” kể từ khi xung đột Israe – Hamas nổ ra.

Trong khi chính quyền Tổng thống Biden “bật đèn xanh” cho các cuộc tấn công của Israel và hỗ trợ các cuộc tấn công này với sự trợ giúp về vũ khí, Mỹ cũng áp đặt các hạn chế đối với các mục tiêu cuối cùng của Tel Aviv và nhấn mạnh đến việc bảo vệ dân thường Palestine, như ông Biden đã cáo buộc Thủ tướng Netanyahu "gây hại nhiều hơn là có lợi cho Israel" trong một bài phát biểu gần đây.

Sự nhấn mạnh vào việc bảo vệ dân thường và xuất phát từ mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nạn đói đã dẫn đến việc Mỹ lên kế hoạch thiết lập một cảng tạm thời để cung cấp thực phẩm và viện trợ nhân đạo cần thiết khác cho Gaza. Kế hoạch xây cảng dường như cũng là một nỗ lực của Tổng thống Biden, người đang ở trong tình thế ngày càng khó khăn trước cuộc bầu cử do phản ứng ngày càng tăng của công chúng Mỹ và Đảng Dân chủ, nhằm tránh bị gọi là liên quan đến "cuộc thảm sát ở Gaza".

Mục đích thực sự của kế hoạch cảng cứu trợ Gaza

Tiến sĩ Selim Sezer lưu ý, sáng kiến bất ngờ liên quan đến ​​thiết lập cảng cứu trợ của Mỹ đặt ra nhiều dấu hỏi. Trước hết, theo nhận định của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, viện trợ được cung cấp qua hành lang biển tốn kém và khó khăn hơn nhiều so với viện trợ bằng đường bộ cả về số lượng và khả năng thực hiện. Mặc dù vậy, chính quyền Mỹ không muốn gây áp lực lên Israel trong việc ngăn cản việc cho phép đủ xe tải viện trợ qua cửa khẩu Rafah và Kerem Shalom.

Mặt khác, trong những tuyên bố đầu tiên có nêu rằng việc xây dựng "cảng tạm thời" có thể mất vài tuần, nhưng các đánh giá và tin tức mới nhất cho thấy khoảng thời gian xây dựng có thể lên tới 60 ngày. Ở Gaza, nơi số người chết vì đói ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các khu vực phía Bắc, người dân khó có thể trụ được lâu như vậy.

Hơn nữa, nếu cảng trên sẽ đi vào hoạt động sau 60 ngày được coi là một giải pháp cho một tình huống đặc biệt do quá trình xung đột gây ra, điều đó có nghĩa là cuộc giao tranh dự kiến ​​​​sẽ tiếp tục trong nhiều tháng, có thể là nhiều năm và không có chương trình nghị sự nào cho lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Mặc dù có phương án rằng một số tàu sẽ khởi hành từ Nam Síp để cung cấp viện trợ cho Gaza trước khi cảng hoàn thành, nhưng dự kiến ​​những chuyến hàng này sẽ không có quy mô lớn.

Một vấn đề khác là việc cung cấp viện trợ cho Gaza bằng đường biển sẽ làm giảm áp lực lên Israel và sẽ đảm bảo rằng các hành động gây thương vong nghiêm trọng đang diễn ra không còn nằm trong chương trình nghị sự nhiều như trước nữa, với lý do rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo đã dịu đi và viện trợ cần thiết đã được giải quyết.

Ngoài ra, cảng được xây dựng với mục đích viện trợ nhân đạo thực tế có thể được sử dụng cho các mục đích sâu xa hơn và có thể được Israel ủng hộ vì lý do này. Một trong những kịch bản được xét đến là cảng này sẽ đóng vai trò là nơi sơ tán cho người dân Gaza khi xung đột và các hoạt động quân sự ngày càng leo thang. Lựa chọn này có thể đã được đưa vào chương trình nghị sự sau khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi nhấn mạnh rằng họ sẽ không chấp nhận người tị nạn Palestine ở Sinai.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết
Tags
Dải Gaza

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên