Khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho hộ nghèo
Với hơn 10 chính sách giảm nghèo như: Hỗ trợ vốn, xây tặng nhà đại đoàn kết, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ nghèo, điều tra nắm bắt tình hình, đối thoại trực tiếp hộ nghèo... đã góp phần đưa Bình Dương là một trong những địa phương điển hình trong cả nước tạo được bước đột phá trong công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN).Mô hình thoát nghèo tiêu biểu
“Tôi là hộ nghèo của xã từ nhiều năm và hiện tôi đã vươn lên thoát nghèo và đây cũng là niềm mơ ước từ rất lâu, gia đình tôi phấn đấu rất nhiều mới có được”, bà Phan Thị Én vui mừng cho biết. Trước đây bà Én ở xã Phước Hòa (Phú Giáo) có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhà nghèo đông con (6 người con nhỏ) nhưng vợ chồng bà chỉ đi làm thuê. Không ngờ tai nạn lại ập đến khi người chồng bà bị tai nạn qua đời, gánh nặng đè lên vai người phụ nữ để tảo tần nuôi con. Xét thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà, chính quyền địa phương cùng Ban chủ nhiệm XĐGN phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay vốn để gia đình bà chăn nuôi gà công nghiệp và chăm bón cao su. Gia đình bà Én cùng động viên nhau để vượt qua khó khăn. Đến năm 2007, con bà Én đã trưởng thành, gia đình bà đã thoát nghèo, thu nhập ổn định từ chăn nuôi và vườn cây cao su hơn 100.000 đồng/ngày.
Hộ ông Trương Văn Thắng, ở xã Lạc An, Tân Uyên cũng là điển hình vượt khó thoát nghèo. Gia đình ông sống bằng nghề nông, ít ruộng đất thuộc đối tượng đông con nên cái nghèo cứ mãi đeo bám. Năm 2003, ông được Hội Nông dân xã xét cho vay vốn chăn nuôi trâu để cải thiện cuộc sống gia đình. Nhờ cần cù, biết chăm sóc đàn trâu nhanh lớn và làm thêm công việc khác để thu nhập nên đến năm 2007, gia đình ông đã được công nhận thoát nghèo. Trong năm 2008, ông Thắng đã tự nâng cấp lại căn nhà tình thương với số tiền 40 triệu đồng. “Phải thực hiện tốt phương châm lấy ngắn nuôi dài, phấn đấu để vươn lên thoát nghèo với ý chí tự lực của bản thân và gia đình bên cạnh sự hỗ trợ giúp đỡ của Nhà nước”, ông Thắng rút ra bài học kinh nghiệm.
Bước đột phá xóa đói giảm nghèo
Bác Huỳnh Văn Ráng, người bảo trợ tiêu biểu ở Lái Thiêu (Thuận An) tặng quà cho một gia đình nghèo, chất độc da cam
“Thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, xóa nghèo bền vững, quan tâm, giúp đỡ các hộ cận nghèo nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ hộ tái nghèo. Phấn đấu năm 2010, cơ bản xóa nghèo theo chuẩn mới; tập trung giải quyết dứt điểm nhà dột nát và sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết xuống cấp...”, đó là những giải pháp tỉnh thực hiện trong thời gian tới. Nhìn lại chặng đường thực hiện chương trình XĐGN giai đoạn 2006-2010, đến nay chương trình đã đi được 2/3 chặng đường. Với phương châm: “Bằng nguồn lực của Nhà nước và của toàn xã hội, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cho vay vốn, trợ giúp đào tạo nghề... đối với người nghèo, xã nghèo và nhóm dân cư nghèo”, qua ghi nhận của chúng tôi, công tác XĐGN - việc làm của các huyện, thị trong tỉnh mỗi năm đều có những thay đổi tích cực bằng các giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo phù hợp với môi trường phát triển về kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế của từng địa phương. Nhiều giải pháp được đặt ra phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, các hoạt động của chương trình đã chú trọng hướng vào hỗ trợ việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao trình độ dân trí để bảo đảm tính hiệu quả của chương trình. Trong 10 chính sách tạo bước đột phá trong chương trình XĐGN ở Bình Dương thì có thể kể một số chính sách thực hiện hiệu quả như: Cấp kinh phí hàng tỷ đồng để đào tạo và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ. Ban chủ nhiệm XĐGN các cấp đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên đi sâu sát với từng hộ nghèo để kịp thời có giải pháp giúp đối tượng thoát nghèo. Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các đoàn thể đã phát huy được tác dụng. Đến nay đã có hơn 26.000 hộ có dư nợ trong ngân hàng, gồm những đối tượng hộ nghèo, học sinh, sinh viên được vay với lãi suất ưu đãi. Một số chính sách an sinh xã hội như: Cấp thẻ BHYT cho 100% hộ nghèo, hỗ trợ 50% hộ cận nghèo mua thẻ BHYT, hơn 8.000 học sinh, sinh viên được xét vay nguồn vốn ưu đãi. Đặc biệt, chính sách cứu trợ thường xuyên tại cộng đồng cho các nhóm đối tượng yếu thế, trong đó đã có nhiều người hưởng chính sách này mà thoát nghèo. “An cư lạc nghiệp” là một trong những thế mạnh mà Bình Dương đã thực hiện để giúp người nghèo nhanh chóng thoát nghèo. Đây được xem là một trong những chính sách “nổi bật” của Bình Dương không dùng kinh phí Nhà nước mà chỉ sử dụng kinh phí từ “Quỹ vì người nghèo” ở các cấp để xây tặng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đi đôi với sự hỗ trợ của Nhà nước thì công tác XĐGN ở Bình Dương đã được xã hội hóa bằng nhiều hình thức phong phú nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những hộ nghèo khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, Bình Dương đã xây mới 6.544 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, với tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng. Cấp 100% thẻ BHYT cho người nghèo, miễn giảm học phí cho học sinh nghèo diện chính sách... Vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng dụng cụ học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trị giá hàng tỷ đồng...Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Ninh Quốc Bình cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN đã đi vào giai đoạn mới, nhiều giải pháp được đặt ra phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thực hiện theo tiêu chí mới hộ nghèo giai đoạn 2009-2010 (được công bố vào tháng 4-2009) vùng nông thôn thu nhập bình quân đầu người dưới 600.000 đồng/tháng và 780.000 đồng/người/tháng đối với thành thị thì Bình Dương có 11.440 hộ nghèo, chiếm 5,53%. Như vậy, mức tiêu chí hộ nghèo ở Bình Dương cao gấp 3 lần so với tiêu chí hộ nghèo của quốc gia. Như vậy, mỗi năm Bình Dương phải phấn đấu giảm 2% số hộ nghèo và đến cuối năm 2010, Bình Dương cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm nghèo. Để thực hiện mục tiêu trên thì Bình Dương tiếp tục thực hiện 10 chính sách giúp đỡ hộ nghèo, đẩy mạnh tuyên truyền và xã hội hóa mạnh mẽ để kêu gọi từ cộng đồng, các doanh nghiệp, đơn vị, các nhà hảo tâm đóng góp để cùng Nhà nước thực hiện đạt kết quả chương trình XĐGN theo kế hoạch đề ra.
TƯỜNG VY
Trong năm 2009, Bình Dương đã xây tặng 183 căn nhà đại đoàn kết, cấp 62.000 thẻ BHYT, khám chữa bệnh miễn phí cho trên 5.000 lượt người nghèo và trao tặng nhiều học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Hỗ trợ phẫu thuật tim cho 91 em; cấp mới 14.500 thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, nâng tổng số trẻ em dưới 6 tuổi toàn tỉnh đã được cấp thẻ lên 154.500 em. Hoàn thành việc điều tra, khảo sát, thống kê hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới của tỉnh (780.000 đồng/người/tháng - thành thị, 600.000 đồng/người/tháng - nông thôn), kết quả có 11.441 hộ nghèo, chiếm 5,53%; qua việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, ước cuối năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo là 3,53%, giảm 2% so với đầu năm (kế hoạch là giảm 2 - 2,5%).