Mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định tại Nghị định số 12/2022 của Chính phủ

Cập nhật: 29-07-2023 | 09:12:04

Theo quy định của pháp luật về lao động, thời giờ làm việc bình thường được quy định tại khoản 1, Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ 2019) “Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần”. Khoản 2 Điều 105 BLLĐ 2019, quy định: “Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động”. Ngoài ra, còn có giờ làm việc ban đêm (Điều 106); làm giờ thêm (Điều 107); làm giờ thêm trong trường hợp đặc biệt (Điều 108).

Bên cạnh đó, pháp luật về lao động được quy định nghỉ trong giờ làm việc (Điều 109); nghỉ chuyển ca (110); nghỉ hàng tuần (Điều 111); nghỉ lễ, tết (Điều 112); nghỉ hàng năm (Điều 113); nghỉ hàng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc (Điều 115)... Chính vì thế, còn có thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với làm công việc có tính chất đặc biệt.

Nói tóm lại, khái niệm xử phạt vi phạm hành chính đối với việc vi phạm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đã được luật quy định rất cụ thể, rõ ràng nếu người sử dụng có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị cơ quan Nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật.

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được quy định tại Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, quy định:

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật.

b) Không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hàng tuần hoặc nghỉ hàng năm hoặc nghỉ lễ, tết.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật.

b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của BLLĐ 2019.

4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động.

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.

c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.

d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động.

đ) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính (Điều 47); thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND các cấp (Điều 48); thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra lao động (Điều 49); thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Điều 50); thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục An toàn lao động (Điều 51); thẩm quyền xử phạt của cơ quan bảo hiểm xã hội (Điều 52); thẩm quyền Công an nhân dân (Điều 53); thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát biển (Điều 54); thẩm quyền xử phạt của Chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Hải đoàn trưởng đoàn biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng (Điều 55); thẩm quyền xử phạt của người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan, lãnh sự, cơ quan khác (Điều 56) được quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 17-1-2022.

HỘI LUẬT GIA TỈNH BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên