Nhắc đến tên Mười Hương, hẳn ngay cả kẻ thù cũng phải kính nể, khi ông là người nắm trong tay những điệp viên sáng giá như ông Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ... Dưới sự dẫn dắt của ông, nhiều tin tức tình báo quan trọng của kẻ địch đã được đưa về Trung ương, góp phần đánh thắng kẻ thù. Công lao lớn là thế, nhưng ông vẫn luôn khiêm nhường, kín kẽ. Trong những câu chuyện mà ông kể với chúng tôi, phần lớn chỉ để nói về bạn bè, đồng đội của ông mà thôi.
Ông Mười Hương và bác sĩ Đỗ Anh Nhạ
Chúng tôi vừa được bác sĩ Đỗ Anh Nhạ đưa đến thăm nhà ông Trần Quốc Hương, còn gọi là Mười Hương, nhà chỉ huy tình báo nổi tiếng. Nhà ông nằm lặng lẽ trong một con đường ở quận 2, TP.HCM mà nếu không có người dẫn đường hẳn chúng tôi cũng khó tìm ra. Dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn tráng kiện nhưng trí tuệ ông vẫn rất minh mẫn. Biết ông đang bị bệnh, bác sĩ Đỗ Anh Nhạ biếu ông một số thuốc và còn tự tay kê một bài thuốc Đông y cho ông Mười Hương. Sau những câu thăm hỏi, câu chuyện của chúng tôi cùng ông lại đi vào những kỷ niệm về hoạt động tình báo, về những điệp viên trong mạng lưới do ông dẫn dắt như cố thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn...
Ông nói: “Khá nhiều sách báo viết về ông và ông Phạm Xuân Ẩn, nhưng vẫn chưa ai nói, hỏi ông lý do vì sao lại đưa ông Ẩn qua Mỹ học”. Nguyên nhân và lý do là từ sự nhận định, tiên đoán sáng suốt của Bác Hồ về sự can thiệp, sự tham chiến của Mỹ tại Việt Nam sau này. Do vậy, việc đưa ông Phạm Xuân Ẩn đi Mỹ học như là một sự chuẩn bị, “đón đầu” cho cuộc chiến với Mỹ. Ông Mười Hương kể lại bối cảnh đó: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ với ta. Bác Hồ nói với chúng tôi: “Pháp ký thì ký vậy thôi, chứ vẫn chưa thực sự đầu hàng. Hội nghị ký Hiệp định Giơ-ne-vơ sẽ thành công, nhưng chắc chắn sẽ làm cho người Việt Nam vẫn chưa hài lòng lắm đâu. Mỹ đang âm mưu chi viện cho Pháp tại Việt Nam. Người Pháp có câu: “Ai trả tiền, kẻ đó là chủ”. Mỹ sẽ là thay thế Pháp tham chiến tại Việt Nam, chúng ta phải có sự chuẩn bị để đối phó với Mỹ”.
Tác giả và ông Mười Hương
Thực tế đã diễn ra theo đúng những gì Bác Hồ nhận định. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, nhưng chúng ta phải tạm thời chia cắt đất nước ở vĩ tuyến 17, ngay sông Hiền Lương của tỉnh Quảng Trị. Mỹ đã nhảy vào cuộc chiến ở Việt Nam. Sau đó, ông Mười Hương được điều vào miền Nam hoạt động. Trước khi vào Nam, ông gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nhờ tìm cho một số thanh niên nhiệt tình và có khả năng hoạt động cách mạng. Về sau, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã giới thiệu ông Phạm Xuân Ẩn cho ông Mười Hương. Và kế hoạch đưa ông Ẩn qua Mỹ để khi học xong sẽ về lại Việt Nam hoạt động được ông Mười Hương vạch ra, trình lên cấp trên và được cấp trên đồng ý.Ông Mười Hương nhớ lại: “Lúc đó, gia đình Phạm Xuân Ẩn hoàn cảnh khó khăn, cha đang bị bệnh lao, nhà lại đông anh em. Ẩn nói với tôi: “Hoàn cảnh gia đình em như vậy, làm sao em qua Mỹ học được!”. Tôi nói: “Cậu cứ đi đi, chuyện kinh phí để tôi lo”. Ẩn nghe lời, nhưng rồi lại xảy ra một chuyện khác gây cản trở cho việc qua Mỹ của Ẩn, lúc đó Ẩn chưa học xong trung học. Ẩn nói với tôi: “Anh Mười, em có hỏi một số trường đại học bên đó thì họ đòi phải có bằng trung học mới cho học”. Tôi nói: “Cậu thử tìm hiểu xem có ngành học nào mà không cần bằng trung học cũng vô được không?”.
Vài hôm sau, ông Ẩn gặp ông Hương. Ông Ẩn nói với ông là chỉ có ngành báo chí là không cần. Nghe vậy, ông Hương mừng rỡ, nói luôn: “Cậu theo học ngành báo chí đi. Không có nghề nào mà có thể tiếp xúc rộng rãi như nghề báo cả, anh có thể tiếp xúc với tổng thống lại có thể nói chuyện với ông xích lô rất bình thường. Nghề này rất thích hợp cho công tác của chúng ta”. Ẩn nghe lời tôi, theo học báo chí. Khi ông Hương bị anh em họ Ngô bắt thì ông Ẩn đang học ở Mỹ. Cấp trên hỏi ông Hương: “Liệu khi biết chuyện anh bị bắt, Ẩn có chịu về Việt Nam nữa không?”. Ông Hương nói: “Các anh cứ tin ở tôi, hãy liên lạc với Ẩn, tôi tin Ẩn sẽ về”.
Sau này, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn đã về nước, đã có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước, như chúng ta đã biết.
Ông Mười Hương kể tiếp: Khi giải phóng rồi, gặp lại Ẩn, tôi hỏi: Khi nghe tin tôi bị bắt, sao cậu vẫn về Việt Nam? Ẩn nói: “Khi nghe tin bên nhà báo sang “nhà bị bệnh nặng”, em biết là anh đã bị bắt, nhưng em tin anh sẽ không khai ra em, nên em về.” Để đề phòng chính quyền Ngô Đình Diệm bắt, khi ra đón ông Ẩn ở sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có bạn bè thân thiết của ông Ẩn.
Cũng theo lời kể của ông Mười Hương, sau chiến thắng 30-4-1975, khi gặp lại những người Mỹ từng làm việc với Phạm Xuân Ẩn khi ông Ẩn còn hoạt động tình báo dưới vỏ bọc là phóng viên của tờ báo Times, đã từng nêu câu hỏi là ông Ẩn nghĩ sao trước cái chết của những người lính Mỹ ở Việt Nam? Ông Ẩn cũng phải chịu trách nhiệm về điều đó chứ? Ông Mười Hương kể lại: “Khi bị chất vấn như vậy, Phạm Xuân Ẩn đã trả lới rất khéo, rằng: Các ngài cũng biết là tôi rất yêu quý nước Mỹ. Nhưng càng yêu quý nước Mỹ bao nhiêu thì tôi lại càng không thể để cho nước Mỹ thống trị đất nước và đồng bào chúng tôi được. Vì tôi cũng rất yêu đất nước tôi. Và tôi tin rằng, nếu ở vai trò của tôi, các ngài hẳn cũng sẽ làm như tôi thôi. Đó là sự lựa chọn với bất kỳ con người chân chính và yêu nước cần phải làm trong hoàn cảnh đó”. Khi nghe Phạm Xuân Ẩn nói vậy, họ đều thầm thán phục ông Ẩn. Tôi cho rằng câu nói đó của ông Ẩn rất hay. Không dễ gì mà vị giáo sư Larry Berman đã gọi ông Ẩn là “perfect spy - điệp viên hoàn hảo”.
Tên tuổi ông Mười Hương thì có lẽ cả thế giới đã biết đến. Với ngành tình báo, với đất nước này, ông là người có công lao lớn. Sách báo đã viết về ông rất nhiều, nhưng có lẽ chưa bao giờ đủ, chưa nói hết chuyện về cuộc đời làm cách mạng, hoạt động tình báo của ông. Bài viết này cũng chỉ là những nét phác họa vội vã về một khía cạnh nhỏ con đường hoạt động của ông mà thôi.
NGUYỄN VĂN THỊNH