Muỗi vằn mang Wolbachia giúp kéo giảm ca mắc sốt xuất huyết

Cập nhật: 02-11-2022 | 09:04:39

Cùng với những biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) khác, sử dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia là phương pháp mới nhằm kiểm soát và phòng bệnh SXH đạt hiệu quả cao. Phương pháp Wolbachia không phải là một biện pháp chống dịch bệnh SXH khẩn cấp, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH khác.

 Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh kiểm tra trứng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trước khi thả ra môi trường

 Biện pháp hiệu quả

Sau 30 tuần triển khai thả muỗi Wolbachia, các số liệu cho thấy tỷ lệ muỗi vằn mang Wolbachia tại 5 phường của TP.Thủ Dầu Một (Phú Cường, Phú Hòa, Phú Lợi, Hiệp Thành và Chánh Nghĩa) đã đạt tiêu chí để có thể ngừng thả muỗi. Theo thời gian, lượng muỗi vằn mang Wolbachia được kỳ vọng sẽ tăng dần trong quần thể, sau đó duy trì ổn định mà không cần thả thêm. Do đó, dự án Wolbachia khu vực phía Nam đã hoàn thành giai đoạn thả muỗi và bước sang giai đoạn theo dõi quần thể muỗi vằn mang Wolbachia và tỷ lệ SXH Dengue ở cộng đồng.

Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục thu muỗi từ các bẫy hiện đang đặt tại một số hộ dân nhằm theo dõi tỷ lệ muỗi vằn mang Wolbachia trong quần thể muỗi địa phương. Dự án sẽ phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang tiếp tục theo dõi tình hình mắc SXH tại các địa bàn thả muỗi.

Bác sĩ Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, cho biết phương pháp Wolbachia không phải là một biện pháp chống dịch bệnh SXH khẩn cấp mà là một giải pháp tự nhiên, lâu dài và bền vững trong phòng, chống SXH, bổ sung vào các phương pháp phòng, chống hiện có. Do đó, người dân được khuyến cáo tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH khác. Bác sĩ Quang nhấn mạnh: “Wolbachia là một loài vi khuẩn tự nhiên, có mặt trong khoảng 50% các loài côn trùng, bao gồm một số loài quen thuộc như ruồi giấm, bướm và chuồn chuồn. Phương pháp Wolbachia đưa vi khuẩn Wolbachia vào muỗi vằn (Aedes aegypti), tác nhân lây truyền một số loại bệnh như SXH, Zika, Chikungunya và sốt vàng”.

Nói về phương pháp Wolbachia, PGS-TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, cho biết Wolbachia là phương pháp mới được ứng dụng trong cộng đồng để phòng, chống bệnh SXH và đã được triển khai tại 11 quốc gia trong thập kỷ vừa qua, tiếp cận được hơn 10 triệu người. Hiệu quả của phương pháp này trong phòng, chống SXH đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu trên thực địa. Một thử nghiệm ngẫu nhiên theo tiêu chuẩn vàng ở Yogyakarta, Indonesia cho thấy tỷ lệ mắc bệnh SXH ở các khu vực có muỗi vằn mang Wolbachia đã giảm 77% so với các khu vực đối chứng. Sau khi hoàn thành việc thả muỗi mang Wolbachia ở phía bắc Queensland, Australia, bệnh SXH không còn là mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng ở khu vực này. Tại thung lũng Aburra ở Colombia, sau khi quần thể muỗi mang Wolbachia được thiết lập trong cộng đồng dân cư 3 triệu người, tỷ lệ mắc bệnh SXH trong giai đoạn 2020-2021 là thấp nhất trong vòng hai mươi năm.

“Một nghiên cứu đối chứng cho thấy tỷ lệ mắc bệnh SXH thấp hơn 69% ở những vùng lân cận với tỷ lệ Wolbachia cao nhất so với những vùng lân cận không thả muỗi. Phân tích của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Cambridge cho thấy tỷ lệ mắc SXH và Chikungunya giảm đáng kể sau khi triển khai thả muỗi mang Wolbachia quy mô lớn ở Rio de Janeiro (Brazil), ngay cả khi mức độ thiết lập quần thể muỗi mang Wolbachia khác nhau trong khu vực”, PGS-TS Nguyễn Vũ Trung nói.

Ca mắc sốt xuất huyết vẫn có thể tăng cao

“Sau khi thả muỗi vằn ra môi trường, ca mắc SXH vẫn có thể phát sinh bởi vì cần có thời gian để tỷ lệ Wolbachia tăng dần và thiết lập ổn định trong quần thể muỗi vằn. Cũng có thể là do người dân di chuyển tới các khu vực có nguy cơ cao về SXH dengue mà chưa thả muỗi Wolbachia. Tuy nhiên, số ca mắc được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể khi mật độ muỗi vằn mang Wolbachia tăng lên”, bác sĩ Lương Chấn Quang khẳng định.

Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết SXH là bệnh do muỗi vằn truyền và rất phổ biến ở Bình Dương. Bên cạnh những biện pháp phòng chống, như: Nằm màn, vệ sinh nhà cửa, diệt lăng quăng, hoặc phun hóa chất diệt muỗi, hiện nay đang có một phương pháp mới, nhiều tiềm năng nhằm kiểm soát và phòng SXH đó là sử dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia.

Đây là dự án được Bộ Y tế phê duyệt và do Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Chương trình Muỗi thế giới và Tổ chức Action on Poverty tại Việt Nam thực hiện tại Bình Dương. Muỗi vằn mang Wolbachia sẽ được thả ở những điểm nóng của dịch bệnh thông qua các “hộp thả muỗi” được treo trong khu vực dân cư; ưu tiên ở khu vực có mật độ dân cư cao và có nguy cơ mắc SXH lớn. Khi được thả, muỗi vằn mang Wolbachia sẽ giao phối với muỗi vằn tự nhiên tại địa phương. Theo thời gian, số lượng muỗi vằn mang Wolbachia sẽ tăng dần cho đến khi không cần phải thả thêm và làm giảm khả năng lây lan vi rút gây bệnh sang người.

 Bình Dương là vùng lưu hành bệnh SXH và bùng phát dịch theo chu kỳ. Thời gian qua, dịch bệnh SXH đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 12.000 ca mắc SXH, tăng 97,7% so với cùng kỳ năm 2021, có 19 ca tử vong. Địa phương có số ca mắc SXH và tử vong cao là TX.Tân Uyên, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát, TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một.

 HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên