Kỳ cuối: Nhiều hệ lụy
Vì mưu sinh mà người lao động (NLĐ) đã chấp nhận nhờ những dịch vụ làm hồ sơ giả để xin việc. Cứ như vậy, họ mượn danh người khác đứng tên nhiều năm và đến khi giải quyết các chế độ bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), rút sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) xin chuyển công ty khác làm việc... thì NLĐ mới biết rằng mình đã sai.
NLĐ nộp hồ sơ xin việc làm cần chính xác, trung thực để tránh thiệt thòi quyền lợi về sau
Nước mắt của NLĐ
Những cái tên thật, tên giả cứ lẫn lộn do hoàn cảnh đẩy đưa mà rất ít NLĐ hiểu rằng, chính bản thân họ đang tự đánh mất quyền lợi của mình. Không có giấy tờ tùy thân, một số NLĐ mượn hồ sơ của người thân, bạn bè để xin việc làm trong các công ty, xí nghiệp; trong khi người cho mượn lại đồng thời sử dụng hồ sơ này làm việc ở một công ty khác. Và chuyện vỡ lẽ khi các doanh nghiệp kê khai BHXH qua hệ thống quản lý dữ liệu, phát hiện trùng hồ sơ nên không thể giải quyết quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.
Chúng tôi đã gặp không ít trường hợp NLĐ trong tình trạng này, họ nhận phần trách nhiệm bản thân, chịu thiệt và quyết tâm tìm lại tên của chính mình, hoặc chấp nhận bỏ những quyền lợi trong thời gian tham gia đóng góp BHXH. Trường hợp của chị Huỳnh Thị T. và Huỳnh T. là hai chị em ruột quê ở Cà Mau đến Bình Dương lập nghiệp từ năm 2009. Chị Huỳnh ThịT. không có chứng minh nhân dân (CMND) để xin việc làm trong Công ty TNHH Yuasa Glove Việt Nam nên đã mượn CMND của chị gái Huỳnh T. và tham gia BHXH từ tháng 9-2010. Đầu năm 2017, chị Huỳnh T. được công ty cho sang Nhật Bản đào tạo tay nghề nhưng khổ nỗi chị không thể làm được Visa vì chị không có một tờ giấy lận lưng. “Lúc ấy mình rất buồn nên thấm thía việc làm sai trái của mình. Gói đồ đạc về quê với quyết tâm làm lại hồ sơ và những loại giấy tờ tùy thân. Qua nhiều tháng xác minh, Công an huyện Đầm Rơi, tỉnh Cà Mau đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chị T. và hủy CMND cũ, cấp lại CMND mới cho chị. Chị Huỳnh T. cho biết: “Sử dụng tên, CMND của người khác như đeo mặt nạ cho chính mình. Bản thân mình phải mạnh dạn tháo bỏ mặt nạ ấy để mọi người công nhận mình với cái tên mà cha mẹ đã đặt cho”.
Không chỉ tìm lại tên cho chính mình, vấn đề đặt ra cả người mượn và người cho mượn hồ sơ có nguy cơ mất quyền lợi, dễ xảy ra tranh chấp. Anh Lê Minh C. mượn hồ sơ xin việc của anh Lê Minh S. làm việc đến nay gần 6 năm do không đủ tuổi lúc mới xin việc làm ở công ty. Mọi chuyện tốt đẹp không ai phát hiện nếu anh C. không bị tai nạn gãy chân phải nằm viện. Lúc này, anh mới nhận ra tên trong CMND và thẻ BHYT khác nhau nên không được chi trả viện phí. “Nếu biết hậu quả vậy tôi đã không mượn hồ sơ, hoặc sau đó trình báo với công ty sửa lại hồ sơ khi đã đủ tuổi lao động để giờ không chịu hậu quả như vậy”, anh C. vừa thở dài vừa nói.
Người mượn danh đã thiệt, người cho mượn cũng khốn khổ chẳng kém khi phải giải quyết quyền lợi cho chính họ. Trường hợp anh Trần Văn S. nghỉ việc Công ty Sang Shun để xin vào làm việc ở công ty khác gần chỗ ở. Thế nhưng, đến khi đi đăng ký chuyển sổ BHXH sang công ty mới, anh mới biết có hai sổ BHXH mang tên anh, cùng tên, tuổi, số CMND. Vì vậy, anh không được chốt sổ BHXH. Người cho mượn tên buộc phải tìm người đã mượn tên làm cam kết, đồng thời phải có giấy của chính quyền địa phương xác nhận nhân thân của người cho mượn tên là đúng. Chính vì vậy, cả tháng nay anh liên lạc khắp nơi tìm Trần Minh D., người đã mượn tên anh nhưng vẫn chưa tìm được. Anh S. nói: “Trước đây, tôi cứ nghĩ cho bạn mượn hồ sơ xin được việc là xong, mọi chuyện sẽ không sao, vậy mà giờ chịu nhiều hệ lụy. Mấy tháng nay, tôi đi tìm, liên hệ với mọi người tìm anh D. để đến cơ quan BHXH đối chứng nhưng không được. Giờ chỉ còn cách nhờ BHXH giúp chứ không biết giải quyết thế nào”.
Có lẽ, vì suy nghĩ đơn giản mà các trường hợp NLĐ trên không lường hết những hệ lụy về sau khi quyền lợi của mình bị ảnh hưởng. Giờ đây, họ chỉ biết trông chờ vào cơ quan chức năng có cách giải quyết, giúp đỡ.
Lối mở cho NLĐ
Theo Luật Lao động, NLĐ phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người sử dụng lao động, vì vậy, việc mượn tên, bằng cấp của người khác để được làm việc là hành vi gian dối, không trung thực. Dù NLĐ được hưởng lương, thưởng đều đặn hàng tháng, hàng năm nhưng khi có sự cố xảy ra thì họ mất hết quyền lợi về BHXH, BHYT, trợ cấp thất nghiệp... Trước câu chuyện mượn danh xin việc của NLĐ, chúng tôi đã có dịp trao đổi với BHXH tỉnh. Qua cuộc trao đổi đó, tôi biết được rằng, ngành BHXHcũng đang tìm hướng giải quyết những trường hợp trùng thông tin trong sổ bảo hiểm. Nếu như cứ áp dụng theo luật thì NLĐ sẽ không được hưởng quyền lợi gì sau những hành vi gian dối của mình. Thế nhưng, Bình Dương đã tạo lối mở cho họ bằng cách hỗ trợ họ lấy lại tên, giữ số thời gian tham gia BHXH. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, BHXH và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) bàn bạc thống nhất để đưa ra phương án giải quyết.
Theo phương án được thống nhất, BHXH cung cấp danh sách, các hồ sơ có liên quan của trên 100 trường hợp NLĐ mượn hồ sơ người khác đi làm việc và tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho Sở LĐ-TB&XH. BHXH cử cán bộ liên quan phối hợp với bộ phận chuyên môn của Sở LĐ-TB&XH đối chiếu hồ sơ và thống nhất giải quyết từng trường hợp cụ thể; ban hành văn bản thông báo đến các đơn vị, doanh nghiệp, trên các phương tiện thông tin về giải quyết các trường hợp NLĐ mượn hồ sơ người khác đi làm việc và tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh nói: “Chúng tôi đã thống nhất, đối với các trường hợp đã phát hiện trước đây và những trường hợp chưa phát hiện được, NLĐ chưa khai báo thì đến ngày 30-9-2018 sẽ được thông báo và mời trực tiếp đến Sở LĐ-TB&XH để được hướng dẫn giải quyết trường hợp cụ thể. Riêng đối với những trường hợp NLĐ mượn hồ sơ người khác làm việc và tham gia BHXH, BHTN, BHYT từ sau 30-9-2018 trở đi sẽ thực hiện việc xử phạt theo quy định của pháp luật và hủy bỏ toàn bộ thời gian tham gia, không được giải quyết các chế độ BHXH, BHTN và thu hồi các chế độ đã hưởng”.
Hiện nay, trên cơ sở danh sách các trường hợp mượn hồ sơ trước đây và những trường hợp NLĐ khai báo mới, SởLĐ-TB&XH cũng đã có những buổi làm việc trực tiếp với từng trường hợp để xử lý, giải quyết. Những trường hợp phức tạp, BHXH và SởLĐ-TB&XH sẽ cùng nghiên cứu và thống nhất hướng giải quyết.
* BÀ TRƯƠNG THỊ BÍCH HẠNH, CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH:
Trước đây, Liên đoàn Lao động tỉnh đã có đề nghị BHXH nghiên cứu hướng giải quyết cho những trường hợp NLĐ mượn hồ sơ xin việc để tránh hệ lụy về sau. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng chỉ đạo công đoàn cơ sở tuyên truyền đến NLĐ về vấn đề trung thực trong việc nộp hồ sơ, những thông tin cá nhân để tránh mất quyền lợi. Với hướng mở của Bình Dương, đây là một cách làm hay để NLĐ yên tâm lao động, giải quyết được chế độ cho họ.
* ÔNG NGUYỄN KIM KHÁNH, CHÁNH THANH TRA SỞ LĐ-TB&XH:
Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH đã tiếp nhận và đã mời NLĐ đến làm việc, hướng dẫn thủ tục để được giải quyết chế độ bảo hiểm đã đóng từ khi nộp hồ sơ vào làm đến nay và điều chỉnh thông tin hồ sơ, bảo hiểm cho họ. Theo luật những trường hợp hồ sơ và CMND không khớp thì không giải quyết. Tuy nhiên, Bình Dương đã mở hướng đi mới cho NLĐ khi vô tình không nắm quy định để mượn hồ sơ người khác xin việc làm. NLĐ chứng minh được lý do mượn hồ sơ và có đối tượng cho mượn để đối chiếu sẽ được điều chỉnh. Trường hợp không tìm được người cho mượn thì phải có chứng minh từ người thân, bạn bè về việc người mượn có mượn hồ sơ để nộp đi làm. Vấn đề này Sở LĐ-TB&XH sẽ làm việc rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ để tránh những trường hợp lợi dụng đó để trục lợi từ bảo hiểm.
* CÁN BỘ TỔNG VỤ CÔNG TY TNHH YAZAKI EDS ĐÀO THỊ THU SƯƠNG:
Trước đây, hồ sơ NLĐ được quản lý rất đơn giản, hiện nay đã có phần mềm riêng. Mặt khác, các công ty đều chuyển lương cho NLĐ qua ngân hàng, nếu 1 CMND mà 2 người sử dụng, ngân hàng sẽ phát hiện và trình báo. Hiện nay, Công ty Yazaki không có trường hợp nào 2 người sử dụng 1 CMND để xin việc. Nếu thật sự có việc NLĐ mượn danh xin việc thì người cho mượn có thể làm ở công ty khác, hoặc không đi làm chứ không thể làm chung công ty với người mượn. Qua công văn của BHXH, công ty cũng đã thông báo đến NLĐ và chưa có ai trình báo sửa đổi thông tin.
NHÓM P.V VH-XH