Muôn nẻo việc làm thêm của sinh viên

Cập nhật: 03-12-2022 | 08:40:45

Bình Dương là vùng đất lành, với hàng chục ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, FDI đang hoạt động. Do đó, thị trường lao động luôn sôi động và mở ra cơ hội việc làm cho tất cả mọi người. Trong đó, đối tượng học sinh, sinh viên (SV) có thể chọn lựa việc vừa đi học, vừa đi làm.

Cơ hội rộng mở

Chỉ cần gõ từ khóa “việc làm thêm SV” trên Facebook, lập tức sẽ xuất hiện nhiều nhóm tuyển dụng việc làm, nào là “Việc làm SV Bình Dương”, “Việc làm thêm TDM - Part time jobs Thủ Dầu Một”, “Việc làm part time Bình Dương”, “Việc làm thêm SV Đại học Thủ Dầu Một - TDMU”… Mỗi nhóm có từ hàng chục đến hàng trăm ngàn thành viên. Trong các nhóm, người tuyển dụng chỉ cần mô tả công việc, yêu cầu công việc, công khai thù lao và để lại số điện thoại, địa chỉ liên hệ, SV nào thấy phù hợp thì liên hệ nhận việc.


Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, Phan Quang Tiến làm nhân viên tiếp thị

Nguyễn Phi Long, SV khoa ngoại ngữ trường Đại học Bình Dương, đang làm 2 việc, sáng đi thực tập làm nhân viên sale cho một công ty, tối dạy tại Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VEC. “Hiện tại em đều yêu thích cả 2 công việc này. Nếu sau này đi làm chính thức, em cũng muốn sắp xếp thời gian để làm 2 việc”.

Để gặp được Phan Quang Tiến, SV năm 3 khoa công nghiệp - văn hóa trường Đại học Thủ Dầu Một, cũng khá khó khăn bởi quỹ thời gian dày đặc của Tiến dành cho việc học, làm thêm và cả việc phụ giúp gia đình. Gia đình Tiến có cửa hàng buôn bán nhỏ và bỏ báo sỉ cho các sạp báo. Thế nên, ngày mới của Tiến bắt đầu từ 5 giờ sáng. Tiến bắt đầu công việc giao báo từ TP.Thủ Dầu Một trải dài lên TX.Bến Cát. 7 giờ sáng khi hoàn thành công việc, Tiến về đi học, nếu không có lịch học thì lại chuẩn bị cho một số việc làm thêm. Là một Freelancer (người làm việc tự do) nên Tiến có thể đảm nhận đến 3 - 4 việc. Ngoài phụ giúp gia đình đi giao báo mỗi sáng, hiện Tiến đang làm việc cho một công ty thiết kế; quản lý một nhóm SV làm mảng thiết kế logo thương hiệu, bao bì sản phẩm; tối đến Tiến lại làm công việc pha chế, phục vụ cho một quán cà phê gần nhà. Tính đến thời điểm này, hơn 3 năm ngồi trên ghế giảng đường là 3 năm Tiến đã thử sức mình ở rất nhiều việc. Ngoài các việc kể trên, Tiến cũng thử sức mình ở việc nhân viên tiếp thị, bán hàng, nhân viên hỗ trợ đoàn làm phim… Từ những việc làm thêm, Tiến có thể tự trang trải tất cả các chi phí cá nhân, kể cả việc đóng học phí mà không cần ba mẹ hỗ trợ.

Được và mất khi đi làm thêm

Cũng như Quang Tiến, Nguyễn Thị Ngọc Huyền, SV khoa kiến trúc - kỹ nghệ gỗ trường Đại học Thủ Dầu Một, đã biết kiếm tiền từ rất sớm. Khi học năm nhất, em đã đi bán hàng tại shop quần áo; bán cà phê, làm nhân viên ở khu vui chơi trẻ em, nhân viên phục vụ tiệc cưới… “Em làm mỗi ngày từ 5 đến 8 tiếng với mục đích giảm bớt gánh nặng cho ba mẹ”, Huyền chia sẻ.

Quê ở An Giang, gia đình Huyền lên Bình Dương lập nghiệp. Hiện ba mẹ Huyền đang làm công nhân, ngoài Huyền, gia đình còn em trai đang tuổi ăn học. Chính vì vậy mục đích đi làm thêm không chỉ giúp Huyền học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ năng trong làm việc mà còn để em chia sẻ những khó khăn với gia đình. Hiện tại do đang học năm cuối, ban ngày phải đi thực tập ở doanh nghiệp nên chiều tối Huyền “chạy show” giữa TP.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một với công việc gia sư. Sở dĩ hiện tại em chọn công việc gia sư vì năm cuối quỹ thời gian ít dần, làm gia sư mới có thời gian để chuẩn bị cho việc kiến tập, thực tập và làm đồ án tốt nghiệp.

Nói về việc làm thêm cũng có nhiều mặt được và mất. Theo Phan Quang Tiến: “Đối với em việc đi làm thêm được nhiều hơn mất, bởi em có thể tự chủ về tài chính rất sớm, học hỏi thêm kỹ năng giao tiếp, mở rộng các mối quan hệ, học hỏi thêm được nhiều ngành nghề. Bản thân em tham gia nhiều việc như thế nhưng có những việc mình chỉ cần làm trên máy tính, điện thoại nên quỹ thời gian em vẫn khá ổn. Em còn có thể tham gia tích cực các hoạt động Đoàn - Hội của nhà trường. Cái mất của em là ít thời gian ở bên gia đình, do công việc cũng trái “múi giờ” sinh hoạt của gia đình nên ít có thời gian trò chuyện với ba mẹ, người thân. Theo em, đi làm thêm phải sắp xếp mọi việc ổn thỏa để không ảnh hưởng đến việc học”. Còn đối với Phi Long, việc đi làm thêm cũng rất nhiều mặt lợi, ngoài trang bị được nhiều kiến thức, kỹ năng khi ghi vào hồ sơ xin việc những việc bạn đã từng làm cũng giúp hồ sơ bạn có giá trị hơn về mặt kinh nghiệm thực tiễn.

Bên cạnh những mặt tích cực thì có thể nhìn nhận những mặt trái, điển hình như có nhiều trường hợp SV bị lừa vào các công ty đa cấp, làm việc không chân chính, có dấu hiệu lừa đảo; hay có trường hợp làm việc tại những nơi dễ sa ngã như tiếp thị bia, phục vụ tại nhà hàng, quán bar… gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Cũng có trường hợp do mải mê lao vào vòng xoáy của đồng tiền mà tạm gác lại, thậm chí bỏ bê luôn việc học…

Vừa học vừa làm là điều đáng khích lệ nhưng nó chỉ thực sự tốt nếu như SV biết sắp xếp thời gian hợp lý, chọn đúng việc, đúng nơi để làm.

Với sự phát triển của công nghệ số như hiện nay, việc đi làm thêm của SV trở nên khá dễ dàng. SV có thể chủ động tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng, quỹ thời gian cá nhân, mức thu nhập mong muốn. Chính vì vậy, hiện nay một SV không chỉ làm 1 việc mà có thể chạy một lúc 2, 3 thậm chí 4 việc tùy thuộc vào sức khỏe, năng lực, cách sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý.

NGỌC NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=800
Quay lên trên