Mưu sinh, học hành: Đường không chung lối!

Cập nhật: 01-12-2010 | 00:00:00

16 tuổi nhưng Hoàng Thị Mỹ (Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu, Nghệ An) trông như trẻ 11 - 12 tuổi. Em nhỏ nhắn và đen nhẻm vì dang nắng bán vé số ngày này qua ngày khác. Ở tuổi này, các bạn đồng trang lứa mỗi sáng đã diện áo dài trắng, biết làm duyên và đến trường học. Riêng những em ở “xóm vé số” này vẫn lang thang ván vé số giúp ba mẹ kiếm sống. Ba mẹ các em cũng bán vé số hoặc làm phụ hồ và mỗi đêm về, sống tạm bợ trong những phòng trọ chật hẹp...

Nghỉ học vì nhà nghèo

Cô bé Mỹ có vẻ ái ngại và không muốn nói gì về mình. Có lẽ, em nghĩ không có gì đáng nói về một đứa trẻ bán vé số. Bởi theo em, ngày nào cũng như ngày nào cả thôi. Sáng sớm, rời khỏi phòng trọ trên đường Trần Văn Ơn (Phú Hòa, TX.TDM), mấy chị em trong khu nhà trọ í ới gọi nhau đến đại lý lấy vé số bán. Đứa nào có xe đạp thì đạp xe đi. Chưa có xe, nhờ bạn chở đến lấy vé rồi rảo chân trên từng đường phố, mời chào thực khách trong các quán ăn sáng hay đến những quán cà phê năn nỉ người ta mua vé giùm. Có khi bị chủ quán đuổi đi vì sợ làm phiền khách. Có khi thực khách không cần ngẩng mặt lên nhìn một cái mà chỉ xua... đũa đuổi đi. Mỗi khi như thế, những bé gái tuổi dậy thì như Mỹ, như Dung, Linh, Nhung... chỉ biết tủi thân, nén khóc!

  Sau một vòng quanh các đường ở TX.TDM, các em dừng chân ăn sáng, uống nước trước khi đi tiếp

Tôi làm quen với nhóm trẻ bán vé số tuổi 15 - 16 này ở một quán tạp hóa ở KDC Chánh Nghĩa, TX.TDM trong một lần đi uống cà phê vỉa hè. Hàng ngày, như thường lệ khoảng sau 8 giờ, các em ghé đây ăn sáng (thường là mì ăn liền đựng trong tô nhựa được chủ quán pha, bán giá rẻ), uống nước ngọt để nghỉ chân. Đó là các em đang “nghỉ giữa hiệp” bởi đã đi được một vòng và lấy sức đi tiếp nhiều “hiệp” nữa cho đến trước 16 giờ. Hỏi Trần Thị Nhung (15 tuổi, ở Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu, Nghệ An) sao em không đi học tiếp mà đi bán vé số. Nhung cười buồn: “Nhà con không có tiền”. Hỏi Nhung có thích đi học không, cô bé lại cười: “Trước, khi mới nghỉ để vào Nam cùng ba mẹ, em cũng tiếc và thích được đi học lắm nhưng giờ biết có thích cũng không được nên yên phận, không thích nữa!”. Quay sang hỏi về Trần Thị Dung, 14 tuổi, em... cùng xóm ở quê với mấy chị thì cô bé cũng cười, nói: “Em cũng rứa đó, nói chung là hoàn cảnh tụi em giống nhau hết. Nhà nghèo, không có tiền học tiếp nên cứ học biết chữ rồi nghỉ. Nhà em đến 5 chị em lận nên ba mẹ nuôi không nổi”.

Mỗi ngày, trung bình mỗi em bán 70 - 80 vé. Tất cả số tiền kiếm được đều đưa cho ba mẹ tính toán để chi tiêu trong tháng. Mẹ chỉ cho các em dằn túi đủ số tiền ăn sáng, trưa có khi về phòng trọ ăn cơm. Có khi lại lót dạ mì tôm, tìm nơi nào mát mẻ, vắng vẻ nghỉ một lúc rồi đi bán tiếp.

Ba mẹ các em cũng tất bật trên đường mưu sinh. Người có sức khỏe thì đi phụ hồ, người yếu hơn thì cùng con đi bán vé số. Sau một ngày... rạc cả chân, tối về họ quây quần bên mâm cơm đạm bạc và ngủ khò trong nhà trọ hơn chục mét vuông. Giấc ngủ say của một ngày mệt mỏi và phải lấy sức cho ngày mai “đi tiếp”. Người đi trước “kéo” người đi sau vào kiếm cái ăn và giờ đây, xóm trọ này đã có hàng chục nhà cùng quê sống với nhau để nương tựa trên bước đường mưu sinh nơi đất khách quê người.

Một cảnh hai quê!

Chị Lê Thị Hải, 42 tuổi ở xã Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu, Nghệ An khắc khoải khi nói về hoàn cảnh của mình. Ở quê quá nghèo, làm mãi không đủ ăn nên vợ chồng chị đành chấp nhận “một cảnh hai quê”. Hai đứa con lớn đang “học hành ngon lành” nhưng đành nghỉ ngang theo ba mẹ xuôi Nam. Chỉ có 2 đứa con nhỏ là được ưu tiên tiếp tục đi học. Vào Bình Dương, anh đi phụ hồ, ba mẹ con chị Hải đi bán vé số. Những đồng tiền khó khăn lắm họ mới kiếm được phải gói ghém, tính toán thật kỹ mới đủ thuê phòng trọ, sinh sống và gửi về cho hai con ăn học ở quê. Chị vào Bình Dương nhiều năm nay và cứ 3 - 4 tháng lại quầy quả về quê một lần, mang theo vài triệu đồng và xem hai đứa nhỏ ngoài quê thiếu ba mẹ có sống tốt không, có bảo ban nhau học hành không. Mấy mẹ con được gần nhau vài bữa, chị lại lật đật “vào đi bán vé số chứ không dám ở lâu, lấy tiền đâu lo cho cả nhà”.

Cùng nỗi niềm với chị Hải còn có chị Lê Thị Mười (em gái chị Hải). Dù là một cảnh hai quê nhưng cũng... sống được nên chị Hải dẫn dắt người em gái vào theo. Chị Mười có 3 đứa con. Cả 2 đứa lớn rất ham học nhưng đành phải nghỉ học theo mẹ mưu sinh. Ở quê chỉ còn đứa con út tiếp tục đi học. Chị Mười nói: “Bình thường không sao chứ những ngày nghe tin mưa, lũ ở quê, ruột gan tôi cứ thắt lại. Không biết ở quê, con mình có chuyện gì không. Làm mẹ mà phải xa con không có nỗi đau nào bằng. Muốn đưa con theo nhưng sợ lỡ việc học của con. Tôi phải tính đường nào cho con... đoàn tụ chứ thắc thỏm kiểu này không sống nổi quá...”.

Tôi còn biết nhiều hoàn cảnh đáng thương khác từ các em. Như em Trần Thị Nhung, 15 tuổi phải đi làm kiếm sống vì ba đi biển hoài nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Hồi ở ngoài quê, mẹ con em phải khắc khoải theo từng chuyến đi biển của ba. Không thể bám quê được nữa, họ đành đưa con vào Bình Dương sinh sống. Hai vợ chồng đi phụ hồ và các con đang tuổi học hành đành nghỉ học để “gia nhập” đội quân bán vé số, rong ruổi ngày ngày trên các nẻo đường.

Có cách nào cho con tôi học tiếp không cô? Nhiều người làm cha mẹ đã hỏi tôi câu đó. Chị Mười cứ nói mãi, con tôi siêng học lắm nhưng phải nghỉ vì cảnh nghèo. Chị còn đưa tay chỉ về phía mấy bé gái đang ngồi uống nước ở bàn bên cạnh nói: “Nhìn mấy đứa lam lũ vậy đó nhưng có đứa ngoài quê là học sinh giỏi, có đứa còn là học sinh chuyên cấp huyện nữa đó”...

Kiếm sống, học hành của con... vẫn là những nỗi niềm lo lắng luôn thường trực và làm đắng lòng những đôi vợ chồng ở khu nhà trọ phụ hồ - vé số này. Và ngày ngày, cả nhà lại cùng tất bật lên đường kiếm từng đồng tiền lẻ để “phải... đi tiếp vậy thôi chứ biết làm sao cô?” như câu hỏi đau đáu của họ mà tôi luôn mang theo. Cảnh nghèo bao giờ chịu “rời xa” họ?...

Ông Đổng Ngọc Chiếu, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở Giáo dục - Đào tạo:

Việc phổ cập giáo dục (GD) được các Phòng GD huyện, thị phối hợp với Ban chỉ đạo chống mù chữ của các xã, phường thực hiện thường xuyên. Trẻ từ 6 - 14 tuổi được quản lý theo địa bàn nhằm giúp các em hưởng quyền lợi về học hành, không bỏ sót những trường hợp khó khăn không đến trường được. Hàng năm, ngành GD đều chỉ đạo việc vận động trẻ trong độ tuổi phổ cập GD đến lớp học. Nếu vì mưu sinh, không có điều kiện đến trường, các em có thể liên hệ với địa phương mình tạm trú để đăng ký học ở các lớp học tình thương, các trung tâm GD, dạy nghề trong tỉnh để học...

Chị Thanh Hòa, chủ tiệm tạp hóa ở KDC Chánh Nghĩa, TX.TDM:

Tôi bán quán ở đây nhiều năm nên tôi biết “con đường” mưu sinh của trẻ bán vé số khá rõ. Các em đều là con nhà nghèo, sớm mưu sinh để giúp ba mẹ. Nhỏ, các em bán vé số. Khi đến tuổi trưởng thành, các em trai thường xin việc chạy bàn ở các quán nhậu, giữ xe hay tại các dịch vụ rửa xe hơi, xe máy. Trẻ em gái đến tuổi dậy thì thường xin vào làm các quán cà phê, nhà hàng. Không học hành, không có bằng cấp gì nên các em rất khó xin được việc làm ổn định tại các công ty, xí nghiệp...

 

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên