Mưu sinh với nghề dán keo xe

Cập nhật: 08-11-2012 | 00:00:00

Nghề dễ học, dễ làm

Chỉ một vòng quanh TP.Thủ Dầu Một, chúng tôi đã dễ dàng tìm thấy nhiều tiệm “Dán keo xe” mọc lên như nấm tại các tuyến đường như đại lộ Bình Dương, Cách Mạng Tháng Tám, Yersin, Phú Lợi, Huỳnh Văn Lũy, Lê Hồng Phong… Không riêng TP.Thủ Dầu Một mà ngay tại các thị trấn, thị tứ nhỏ như Tân Phước Khánh, Tân Ba (Tân Uyên); Dĩ An, Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An); Lái Thiêu, Thuận Giao (TX.Thuận An)… đâu đâu cũng có tiệm dán keo xe sẵn sàng phục vụ nhu cầu làm đẹp chiếc xe của người dân.    Anh Khương đang cẩn thận từng động tác để “làm đẹp” chiếc xe cho khách

Sở dĩ tiệm dán keo xe mọc lên ngày càng nhiều là do đây là nghề nhàn hạ hơn so với một số nghề nặng nhọc khác; lại dễ học, dễ làm. Chia sẻ với chúng tôi về thời gian học nghề, anh Nguyễn Thanh Tuyển, chủ tiệm dán keo xe trên đường Huỳnh Văn Lũy, cho biết: “Vợ chồng tôi làm nghề này được 2 năm. Trước kia chúng tôi mở tiệm bán màn sáo, nhưng do ế ẩm nên chuyển sang nghề này. Nhờ có người bà con cùng quê làm nghề này đã lâu, nên tôi thường sang chơi vừa để phụ giúp, vừa để học nghề. Ngày học, đêm về tôi mang xe của mình ra thực hành. Chỉ khoảng 4 tháng theo học nghề và thực hành trên xe của chính mình là tôi đã làm được và tự ra mở tiệm để làm”.

Nhìn anh Tuyển một tay cầm chiếc bật lửa, một tay kéo căng tấm ni-lông vừa hơ, vừa kéo, vừa đè mà các thao tác vẫn gọn gàng, khéo léo và nhanh lẹ. Anh vừa cười vừa nói thêm: “Nghề này tuy dễ học, dễ làm nhưng quan trọng nhất là người làm nghề phải tỉ mỉ, cẩn thận chứ nóng nảy là hỏng ngay. Lúc cầm bật lửa hay ngậm máy sấy chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể bỏng tay hay phù miệng!”, anh Tuyển nói và cho biết thêm: “Làm nghề này vợ chồng tôi vẫn có thể coi nhà, coi con nên đỡ tốn tiền gửi trẻ, tiền xăng đưa đón con mỗi ngày, tiết kiệm được một khoản chi phí cho gia đình”.

Cũng như anh Tuyển, chị Nguyễn Thị Huệ, quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, chủ một tiệm dán keo xe tại thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, cho biết: “Khi vợ chồng tôi mới chân ướt chân ráo đến Bình Dương và chưa biết làm gì để sinh sống thì có người bạn là đồng hương rủ theo nghề này. Sau khi tìm hiểu, thấy nghề dán keo xe cần ít vốn, phù hợp với túi tiền mình đang có; đồng thời nhìn thấy người ta làm cũng không khó lắm nên chúng tôi quyết định theo nghề này để mưu sinh. Chỉ sau 3 tháng học nghề, vợ chồng tôi đã có thể tự mở tiệm”.

Và, dễ kiếm tiền…

Chị Mỹ Liên, một khách hàng đang có nhu cầu dán keo cho chiếc xe mới mua, cho biết: “Tôi vừa mua chiếc xe gắn máy trị giá 32 triệu đồng. Do sợ bị trầy xước nên mang đi dán keo”. Và, cũng theo chị Liên thì dán keo xe là một nghề không sợ ế hàng vì nhu cầu làm đẹp cho chiếc xe lúc nào cũng có. Dán keo xe không chỉ để làm đẹp chiếc xe mà còn là giải pháp giữ gìn tài sản. Xe mới cần dán keo vì sợ trầy xước, xe cũ khi lớp keo trước đây xuống màu cũng cần được dán lại. Chính vì vậy mà nhiều người cho rằng đây là nghề dễ kiếm tiền, nhất là trong thời buổi khó khăn về việc làm và thu nhập như hiện nay. Chị Trần Thị H. chủ một tiệm dán keo xe nhỏ trên đường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Nhà em hai vợ chồng mỗi người một tiệm. Em làm tại nhà, còn chồng em mở một tiệm khác ở gần chợ Thủ Dầu Một. Bình quân mỗi ngày sau khi đã trừ tất cả các chi phí tiệm của em thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng; còn tiệm của chồng em thu nhập cao hơn vì ở chợ nên có nhiều khách hàng hơn”.

Hai dụng cụ quan trọng nhất của người thợ dán keo xe là hộp quẹt hay máy sấy nóng và tấm khăn lót tay. Một tay miết, một tay gỡ giấy bóng trên tấm ni-lông, miệng dùng để giữ chiếc máy sấy. Máy sấy hơ nóng làm mềm keo tấm ni-lông, ngón tay cái người thợ nhanh chóng miết tới ép chặt lớp ni-lông vào nơi cần dán. Mặt dán không có bọt khí, không có vết nhăn là đạt yêu cầu. Nếu dán trên mặt phẳng thì khá đơn giản. Phần khó nhất vẫn là dán những điểm gấp, bề mặt gồ ghề. Ở những vị trí này, người thợ cần làm cho tấm ni-lông thật dẻo, co giãn tốt để lượn theo các nếp gấp. Có những điểm, người thợ phải kiên nhẫn lặp lại nhiều lần hơ nóng, kéo căng, miết; bóc một phần khu vực vừa dán, rồi lại hơ nóng, kéo căng, miết… cho đến khi hoàn thành.

Rời tiệm chị H., chúng tôi ghé vào tiệm dán keo xe Duy Khương, trên đường ĐT743, TP.Thủ Dầu Một. Đây là tiệm đã dán keo cho chiếc xe của tôi nhiều lần nên tôi còn nhớ chủ tiệm tên Khương. Trò chuyện với chúng tôi, anh Khương kể: “Tôi làm nghề này từ năm 2004. Hồi đó, cả khu vực này chỉ duy nhất có tiệm dán keo xe này nên khách hàng từ Tân Uyên cũng sang đây, nhờ vậy mà mỗi tháng dành dụm được 9 - 10 triệu đồng. Mấy năm gần đây, tiệm dán keo xe mở ra nhiều nên lượng khách hàng ngày càng ít dần…”. Anh Khương cho biết, giá dán keo một chiếc xe ngày trước 700.000 - 800.000 đồng, bây giờ chỉ còn 200.000 - 250.000 đồng. Tuy lượng khách không còn đông như trước, nhưng khách cũ vẫn tìm đến tiệm của anh. Hồi trước khách đông, anh phải thuê thêm người làm, nhận thêm thợ phụ, còn bây giờ khách ít nên chỉ mình anh làm. Có hôm, đểkịp giao xe cho khách anh phải làm luôn buổi trưa. “Nói chung nghề không phụ người, làm ăn uy tín thì khách hàng sẽ tìm đến với mình”, anh Khương đúc kết và cho biết thêm, số anh em ngày trước học nghề tại tiệm của anh hiện đều đã có tiệm riêng, kiếm ăn được. “Đều là thanh niên chưa vợ, ăn tiêu nhiều nhưng mấy đứa nó vẫn dư ra được 2 - 3 triệu đồng/tháng”, anh Khương nói.

 PHƯƠNG AN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2117
Quay lên trên