Thành phần quân nổi dậy ở Libya nhiều khả năng bao gồm một số nhỏ các tay súng có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, theo thừa nhận của giới chức Mỹ hôm 29-3.
Trong buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 29-3, Đô đốc Mỹ James Stavridis, Tư lệnh Tối cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, những tin tức tình báo của họ cho thấy sự hiện diện của al-Qaeda giữa các tay súng thuộc quân nổi dậy Libya. Ông Stavridis cũng đề cập đến mối liên hệ giữa quân nổi dậy và nhóm quân sự Hezbollah ở Lebanon.
Thủ đô Tripoli của Libya tiếp tục bị không kích trong hôm 29-3
Theo tờ Washington Post, tiết lộ mới này đã tăng thêm sự phức tạp cho chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama và những chính phủ phương Tây khác trong việc cung cấp vũ khí cho phe đối lập ở Libya.
Tuy nhiên, ông Stavridis trấn an rằng số lượng này không đáng kể và không có ảnh hưởng thấy rõ trong giới lãnh đạo quân nổi dậy.
Nhận xét của ông Stavridis đánh dấu lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Mỹ công khai thừa nhận sự hiện hữu của al-Qaeda trong thành phần quân nổi dậy, mặc dù các chuyên gia từng nhiều lần chỉ ra mối quan hệ giữa mạng lưới khủng bố nói trên và nhóm đối lập ở Libya.
Cựu chuyên gia phân tích cao cấp của Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) Bruce Riedel nói với tờ Washington Post: “Gần như đích xác là ít nhất một phần quân nổi dậy Libya bao gồm các thành viên của al-Qaeda”. Theo ông Riedel, những phần tử chống Gaddafi tại thành trì Benghazi của quân nổi dậy Libya “có mối liên kết chặt chẽ với al-Qaeda” từ nhiều năm trước.
“Tôi hi vọng giờ đây chúng ta sẽ có được cái nhìn rõ về lực lượng đối lập ở Libya và có thể nói rằng có 2%, chứ không phải 20% (quân nổi dậy có liên hệ với al-Qaeda). Nếu không, chúng ta đang có nguy cơ hỗ trợ mang lại quyền binh cho một chế độ có thể rất nguy hiểm”, ông Riedel cho hay.
Trong hôm 29-3, những lạc quan về việc lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi đã chững lại khi quân nổi dậy thoái lui khỏi những địa điểm mà họ tạm chiếm trước đó nhờ sự trợ giúp từ các cuộc không kích của liên quân.
Theo tờ Washington Post, những câu hỏi còn tồn tại về thành phần của quân nổi dậy Libya đã giải thích sự miễn cưỡng của Mỹ trong việc cung cấp vũ khí cho lực lượng này.
Sau cuộc gặp với một nhân vật chủ chốt trong hàng ngũ quân nổi dậy Libya ở London hôm 29-3, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Mỹ chưa đưa ra quyết định về việc cung cấp vũ khí.
Bà Clinton phát biểu: “Chúng tôi không có thông tin rõ ràng về những cá nhân cụ thể. Song tất nhiên, chúng tôi đang tìm hiểu về những người lãnh đạo Hội đồng Quốc gia lâm thời”.
Hiện nay, nhiều nghi vấn được đặt ra xung quanh một người tự nhận là chỉ huy quân nổi dậy có tên Abdel-Hakim al-Hasidi. Theo thông tin từ giới truyền thông, Hasidi từng tiết lộ ông ta đã chiến đấu chống lại “quân xâm lược nước ngoài” ở Afghanistan trước khi bị bắt tại Pakistan vào năm 2002. Hiện tại, Hasidi đang chỉ huy một cánh quân bao gồm các thành viên của al-Qaeda.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho hay họ không tìm thấy thông tin nào có thể xác nhận về nhân thân của Hasidi hay những khẳng định của người này.
Libya từ lâu là một mảnh đất màu mỡ để al-Qaeda tuyển mộ thành viên. Nhiều người Libya đã gia nhập vào hàng ngũ cao cấp của mạng lưới khủng bố này và từng đến Iraq để chiến đấu chống quân Mỹ. Nhóm phiến quân hồi giáo ở Libya LIFG, kẻ thù của ông Gaddafi, đã chính thức gia nhập al-Qaeda từ năm 2007.
Theo Thanh Niên