Người dân theo dõi qua màn hình tivi ở nhà ga Seoul, Hàn Quốc về vụ phóng thử được cho là tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Ngày 27/5, Mỹ thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới liên quan các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên, trong đó có một công ty của Triều Tiên, một công dân Triều Tiên và hai ngân hàng Nga.
Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ lệnh trừng phạt mới của nước này nhằm vào Tập đoàn thương mại Air Koryo cùng Ngân hàng Viễn Đông và Ngân hàng Sputnik của Nga.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, những thực thể này đã hỗ trợ tài chính cho việc mua sắm và tạo doanh thu cho các tổ chức của Triều Tiên. Danh sách trừng phạt Mỹ cũng bao gồm một công dân Triều Tiên, với lý do nhân vật này đã hỗ trợ các tổ chức của Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo.
Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách vấn đề khủng bố và tình báo tài chính Mỹ Brian Nelson khẳng định Washington sẽ tiếp tục thực thi và áp đặt các biện pháp trừng phạt hiện hành song song với việc hối thúc Triều Tiên quay trở lại con đường bàn đàm phán và từ bỏ chương trình hạt nhân.
Quyết định trừng phạt của Mỹ được đưa ra sau khi Trung Quốc và Nga ngày 26/5 đã phủ quyết một nghị quyết do Washington đề xuất tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên, đáp lại việc Bình Nhưỡng liên tiếp thử tên lửa đạn đạo thời gian gần đây.
Nghị quyết trừng phạt Triều Tiên nhận được sự ủng hộ của 13 ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga cho biết họ ủng hộ một tuyên bố mang tính không ràng buộc hơn là một lệnh trừng phạt mới nghiêm khắc chống Bình Nhưỡng.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân cho rằng Mỹ nên thúc đẩy các giải pháp chính trị và cảnh báo các lệnh trừng phạt có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với Triều Tiên.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia nêu rõ Mỹ đã phớt lờ lời kêu gọi của Triều Tiên chấm dứt “hành động thù địch” và tham gia đối thoại./.
Theo TTXVN