Cụ thể, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki ngày 23-1 tại Baghdad, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ thực hiện việc rút quân khỏi Iraq như đã thoả thuận trước đó, tức hoàn tất rút quân vào tháng 8-2010.
Lính thủy đánh bộ Mỹ tại Iraq.
Cũng trong ngày 23-1, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã chính thức kết thúc sứ mệnh kéo dài 7 năm qua tại Iraq.
Theo đó, lực lượng được coi là tinh nhuệ bậc nhất của Quân đội Mỹ sẽ chuyển giao nhiệm vụ cho Lục quân Mỹ.
Sau khi bàn giao, lực lượng lính thủy đánh bộ sẽ rời Iraq tới các chiến trường khác hoặc về nước.
Theo thoả thuận giữa Mỹ với Iraq, quân tham chiến Mỹ bắt đầu rời các khu vực đô thị vào cuối tháng 6-2009 và toàn bộ quân Mỹ sẽ rời khỏi Iraq vào cuối năm 2011, đầu 2012. Thoả thuận cũng cho phép Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki yêu cầu gia hạn hạn chót nếu cảm thấy lực lượng Iraq cần trợ giúp.
Tuy nhiên, nhiều quan chức Iraq, kể cả Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi các khu đô thị Iraq sẽ là thắng lợi lớn cho đất nước này. Theo ông Nouri al-Maliki, sau khi Mỹ rút quân, các cuộc tấn công của phiến quân có thể tăng và mức độ ác liệt hơn trước, song các lực lượng an ninh của chính phủ Iraq sẽ không để tuột khỏi tay những thành quả đã đạt được.
Sự ra đi của lực lượng tham chiến Mỹ khỏi các căn cứ bên trong những thành phố Iraq là rất quan trọng về mặt tâm lý với nhiều người dân nước này, những người đang háo hức giành lại quyền kiểm soát đất nước sau 6 năm chiến tranh và nằm dưới sự kiểm soát của quân Mỹ.
Trong khi đó vẫn còn một số quan chức Mỹ lo rằng người Iraq sẽ đánh mất quyền kiểm soát sau khi quân Mỹ rút.
Việc kiên quyết thực hiện kế hoạch rút quân hoàn toàn khỏi Iraq được thực hiện đúng kế hoạch khi Tổng thống Barack Obama đang cố gắng tăng cường quân lực cho chiến trường Afghanistan.
(Theo VNN)