Mỹ: Gay cấn trong việc chọn người cho vị trí ngoại trưởng

Cập nhật: 07-12-2016 | 16:12:00

Sau 2 tuần liên tục thông báo quyết định bổ nhiệm cho các chức danh trong chính phủ mới, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lôi kéo dư luận và giới truyền thông náo nức dõi theo các động thái liên quan đến việc chỉ định những vị trí còn lại trong nội các và một trong số đó là người sẽ ngồi vào chiếc ghế ngoại trưởng.

Từ “thù” thành “bạn”

1 tuần sau ngày chiến thắng trong cuộc bầu cử, Mike Pence, Phó Tổng thống trong liên danh của ông Trump đã được chỉ định làm người đứng đầu ban chuyển giao quyền lực. Một loạt những cái tên được xướng lên thống lĩnh các vị trí - mà người tinh ý sẽ nhận thấy - khá “làng nhàng”.

Mặc cho giới phân tích chính trị đưa ra đủ các lời đồn đoán, cuộc tranh cãi trong bộ sậu của ông Trump xung quanh chức vị ngoại giao cao nhất đã làm “luồng gió bổ nhiệm” đang thốc tới bỗng dưng... lơ lửng. Cái tên Mitt Romney nổi lên như là một ứng viên mà ông Trump yêu thích ngay từ đầu cho chiếc ghế ngoại trưởng, dù chỉ mới 8 tháng trước đây, ông này đã kịch liệt chỉ trích ứng cử viên tỉ phú trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa.

Ông Romney đã gặp và nói chuyện riêng với ông Trump về chiếc ghế ngoại trưởng ít nhất 2 lần nhưng người phát ngôn của ông không đưa ra bất cứ bình luận nào về vấn đề này.

Lần thứ nhất vào ngày 19-11; hai người đã thảo luận rất nhiều về các vấn đề quốc tế và những khu vực mà Mỹ có lợi ích then chốt. Ngày hôm sau, Phó Tổng thống Mike Pence đã lên tiếng xác nhận tin đồn về việc ông Romney đang được xem xét cho vị trí lãnh đạo Bộ Ngoại giao.


Mitt Romney (phải) đến gặp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại Câu lạc bộ Golf quốc gia Trump ở Bedminster, bang New Jersey hôm 19-11. Ảnh: Reuters.

Ngoài ông Romney còn có hai ứng cử viên khác là Thị trưởng thành phố New York Rudy Giuliani và tướng về hưu David Petraeus. Lần thứ hai là vào ngày 29-11 vừa qua, hai người còn cùng nhau đi ăn tối tại một nhà hàng ở New York và “nhỏ to” chuyện thế sự. Không ai ngờ được thế sự xoay như... chong chóng vì hồi tháng 3, bằng lời lẽ gay gắt hiếm có, ông Mitt Romney chỉ đích danh tỉ phú Trump là một “kẻ xảo trá”, “tay lừa đảo”, có ngày sẽ đẩy nước Mỹ vào suy thoái.

Cựu Thống đốc bang Massachusetts nói ông Trump không có khí chất cũng như sự suy xét để trở thành tổng thống! Đáp lại, ông Trump gọi ông Romney là kẻ bại trận (ám chỉ việc ông này thua cuộc trong lần chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 2012) và mỉa mai nhắc lại chuyện ông Romney từng “van xin” mình để nhận được sự ủng hộ của mình khi ấy. Tỉ phú Trump giễu cợt: "Ông ta van xin tôi giúp đỡ. Năm đó, tôi mà nói: “Mitt, quỳ xuống” thì có khi ông ta cũng quỳ!".

Hogan Gidley, nhà chiến lược của đảng Cộng hòa nhận xét, ông Trump thông qua các quyết định bổ nhiệm của mình để chứng tỏ cho cử tri toàn quốc - những người ủng hộ ông cuồng nhiệt lẫn những người tẩy chay ông... kịch liệt - thấy tổng thống mới của nước Mỹ không phải là một người mang nặng tư tưởng phân biệt giới hay chủng tộc mà là người khó đoán định và đa dạng về tư tưởng.

Gidley nói: “Rõ ràng ông ấy không muốn xung quanh mình là một đám người chỉ biết phục tùng”. Tuy nhiên, Gidley cho rằng quyết định bổ nhiệm ông Mitt Romney làm ngoại trưởng sẽ rất khó chấp nhận đối với nhiều người bởi vì, thứ nhất, cựu Thống đốc bang Massachusetts trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa đã thẳng thừng nói “Ông Trump sẽ là mối đe dọa cho nền dân chủ Mỹ và triển vọng cho một tương lai thịnh vượng và an toàn sẽ bị giảm sút nghiêm trọng nếu đảng Cộng hòa chọn Trump làm ứng viên đại diện”.

Bà Kellyanne Conway, cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của Donald Trump cảnh báo ông có thể bị người ủng hộ phản đối gay gắt nếu chọn Mitt Romney. "Họ cảm thấy bị phản bội khi nghĩ rằng ông Trump có thể đưa Romney vào một trong các vị trí quan trọng nhất của nội các sau tất cả những gì ông Romney đã làm. Dù là người của đảng Cộng hòa, chúng ta thậm chí còn không biết ông ta có bỏ phiếu cho Donald Trump hay không" - Kellyanne nói với đài NBC - "Đối với Donald Trump trong một năm qua, Mitt Romney và các cố vấn của mình không có gì ngoài sự khủng khiếp".

Hôm Chủ nhật 27-11, bà Conway còn tiếp tục chỉ trích ông Romney là người thiếu kinh nghiệm quốc tế cũng như thiếu sự trung thành đối với ông Trump. Đây là yếu tố thứ hai giải thích vì sao những người ủng hộ ông Trump cảm thấy mình “bị phản bội”.

Thành tích về chính sách đối ngoại của Romney bao gồm cả điểm tích cực lẫn tiêu cực. Ông nhận được sự đánh giá cao của các thành viên đồng đảng Cộng hòa, do hoàn toàn ủng hộ yêu cầu của Israel trong việc ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên những người chỉ trích Romney chỉ ra sai lầm của ông trong những chuyến công cán nước ngoài. Tại Israel, ông Romney tuyên bố Jerusalem là thủ đô của nước này, bất chấp việc các chính phủ Mỹ trước đó đều không chấp nhận điều này trong nhiều thập kỷ qua, do sự phản đối của Palestine.

Mới đây, Romney mạnh mẽ phê phán chính quyền Obama trong việc giải quyết hậu quả vụ tấn công của người Hồi giáo vào lãnh sự quán Mỹ tại Libya và khiến đại sứ J.C. Stevens chết với giọng điệu gay gắt. Romney cũng từng gây chú ý khi nói rằng nước Nga - chứ không phải là Iran hay Trung Quốc - là đối thủ địa chính trị lớn nhất của Mỹ hiện nay.

Tổng thống Nga đã "cảm ơn Romney" vì nhờ đó Moscow biết rõ hơn về chiến lược tương lai của Nhà Trắng. Nếu đã “đóng đinh” trong đối sách với nước Nga bằng câu nói này thì nay, nếu trở thành Ngoại trưởng Mỹ và phải “đồng thanh tương ứng” với tân tổng thống vốn tỏ ra muốn “hữu hảo” với nước Nga và Tổng thống Putin thì e rằng ông Romney đã “há miệng mắc quai”.

"Tôi làm tất cả vì sự thống nhất của đảng nhưng tôi không dám chắc rằng liệu chúng ta có phải trả giá cho điều đó bằng vị trí ngoại trưởng hay không", bà Conway kết luận. Sau đó, nhiều nguồn tin hành lang khẳng định, ông Donald Trump đã “nổi cơn tam bành” khi biết cựu giám đốc tranh cử của ông nói với rất nhiều tờ báo rằng việc ông cân nhắc lựa chọn ông Mitt Romney vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ là hành động phản bội lại các cử tri.

Hai thành viên trong nhóm tiếp quản quyền lực của ông Trump cũng đã nói như vậy với đài MSNBC. Hai người này cho biết, họ rất “choáng váng” trước những lời chỉ trích gay gắt của bà Conway nhằm vào ông Romney. Thực tế là đang có mối quan ngại ngày càng tăng lên trong nhóm tiếp quản quyền lực của ông Trump về việc “thay vì thực hiện thông điệp của ông Donald Trump, bà Conway đang thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng mình”.

Chọn thêm người có lỗi lầm giống… đối thủ

Dường như muốn làm cử tri thêm “lên ruột”, nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Trump ngày 28-11 thông báo ông chủ của họ đã có cuộc thảo luận với Tướng Petraeus, người từng bị tuyên án 2 năm tù treo và nộp phạt 100.000 USD hồi năm 2015 vì tội vô tình chia sẻ các thông tin mật cho nhân tình là người viết tiểu sử cho ông.

Vụ việc đã khiến Tướng Petraeus mất chức ở CIA, nhưng không cản trở việc ông nổi lên như một ứng viên hàng đầu cho các vị trí hàng đầu trong chính phủ mới, như Ngoại trưởng hay Bộ trưởng Quốc phòng.

Hồi tháng 4 năm nay, Tướng Petraeus từng quay trở lại Nhà Trắng để tham gia cuộc thảo luận do ban cố vấn tình báo đối ngoại của Tổng thống Obama tổ chức. Một vài cựu đồng nghiệp của viên tướng này cũng tin rằng những "sai lầm" trong quá khứ của ông có thể được bỏ qua khi Tổng thống đắc cử Trump đang muốn tìm các “nhân tố mới lạ” cho danh sách nội các tương lai.

Ông Mike Morell, người từng giữ cương vị Phó Giám đốc CIA, cho biết: "Quá trình phục vụ đất nước của Tướng Petraeus bị gián đoạn bởi những sai lầm và ông ấy đã thừa nhận những sai lầm đó. Tôi cho rằng đất nước này cần ông ấy và hãy cho ông ấy có cơ hội trở lại. Ông ấy là viên tướng có tài năng và nhiều kinh nghiệm".


Tướng Petraeus.

Ngay lập tức có ý kiến phản đối quyết định cân nhắc trên vì ông Trump từng chỉ trích mạnh mẽ vụ bê bối sử dụng thư điện tử cá nhân cho việc công của bà Hillary Clinton khi còn làm Ngoại trưởng. Do vậy, một người có "tì vết" như Tướng Petraeus không xứng đáng cho vị trí đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ theo cách đánh giá trước đây của ông Trump.

Ông Steven Aftergood, chuyên gia về thông tin tuyệt mật của chính phủ tại Liên đoàn Khoa học Mỹ, cho rằng: "Việc nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đang cân nhắc trường hợp của Tướng Petraeus vào vị trí ngoại trưởng cho thấy luận điệu mà ứng cử viên của đảng Cộng hòa đưa ra trước đó và còn dùng nó như một thứ “vũ khí hủy diệt thanh danh” của bà Clinton là hoàn toàn sai trái. Ông Trump từng nhiều lần không kiểm soát được phát ngôn khi nhắc tới vụ việc của bà Clinton, đồng thời khẳng định ông sẽ không bao giờ xử lý vấn đề như vậy.

Trong khi đó, Tướng Petraeus từng thừa nhận đã nói dối trong cuộc thẩm vấn của Cục Điều tra Liên bang Mỹ nên vụ việc của ông ấy nghiêm trọng hơn của bà Clinton. Nếu ông Trump vẫn quyết định lựa chọn Tướng Petraeus, điều này cho thấy rõ ràng ông Trump là người bốc đồng và “lá mặt lá trái”.

Một cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ, người từng là cấp dưới của Tướng Petraeus ở CIA, cho biết ông này khó có thể được bổ nhiệm vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ vì rắc rối khi xưa, cũng như kinh nghiệm giới hạn ở các hoạt động quân sự tại Trung Đông.

Cựu quan chức giấu tên này nói: "Việc ban chuyển giao quyền lực của ông Trump lựa chọn một người từng thừa nhận những sai lầm trong vấn đề bảo mật thông tin tuyệt mật khiến tôi cảm thấy bất ngờ. Ngay bản thân ông Trump không lẽ đã quên những lời công kích mạnh mẽ mà ông ấy dành cho bà Clinton và không ngừng “đào xới” chuyện này?”.

Nếu xét đến chi tiết, trước đây từng rộ lên tin Tổng thống đắc cử đang cân nhắc giữa hai lựa chọn cho chức ngoại trưởng là ông Romney và cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, một người ủng hộ vị tỷ phú, thì sự việc có vẻ... giàu kịch tính hơn. Ông Giuliani phù hợp với những người theo đường lối bảo thủ mà ông Trump đã lựa chọn vào chính quyền của mình gần đây nhưng lại bị “điểm mặt” là đã từng làm cố vấn cho các chính phủ nước ngoài.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich, người ủng hộ việc bổ nhiệm cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani vào ghế ngoại trưởng, nói rằng cuộc tìm kiếm ứng viên cho chức vụ này đang diễn ra giống như chương trình truyền hình thực tế đình đám của Donald Trump mang tên “Người tập sự” (The Apprentice), khi ông công khai nghiền ngẫm về năng lực của các ứng viên và “mời gọi khán giả tham gia góp ý”.

Ông Gingrich, người chính thức từ chối làm việc trong chính quyền mới, còn thêm rằng ông Trump có thể đang tìm kiếm các ứng viên khác và một số người bảo thủ đang tái vận động bổ nhiệm ông John Bolton, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, vào ghế ngoại trưởng!

Giới phân tích chính trị cho rằng, Bolton sẽ là cái tên được phần lớn liên minh đảng Cộng hòa hoan nghênh dù có thể vấp phải sự phản đối ở quốc hội, vì thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rand Paul từng bày tỏ lo ngại về lập trường chính sách ngoại giao “diều hâu” của Bolton.

Trở lại với nhân vật được đề cập ở phần đầu bài, Reince Priebus, người được ông Trump chỉ định vào ghế Chánh văn phòng Nhà Trắng, nói rằng quyết định chọn ông Romney sẽ tạo ra “đội ngũ của những người kình địch nhau” bên trong chính quyền của ông Trump, vì ông Romney có những quan điểm trái ngược với tổng thống về nhiều vấn đề, chẳng hạn như cách Mỹ ứng xử với Nga.

Trong khi Shawn Steel, cựu Chủ tịch đảng Cộng hòa ở bang California, nói rằng nếu ông Trump chọn ông Romney thì “điều này cho thấy ông ấy là một con người vô cùng khoan dung”... Ngày chính thức nhậm chức đang đến gần, ông Trump cần phải ra mắt người dân Mỹ một nội các hùng hậu theo đúng phong cách của mình.

Mọi người đang sốt ruột được biết quyết định cuối cùng của ông tương tự như mỗi khi chương trình truyền hình “Người tập sự” kết thúc bằng câu nói dứt khoát của ông “Cô/cậu bị sa thải!”. 

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1543
Quay lên trên