Mỹ quan ngại sâu sắc về mối đe dọa bạo lực cực đoan có động cơ chủng tộc trên toàn thế giới và cam kết chống các thành phần bạo lực xuyên quốc gia.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller trong cuộc họp báo ở Washington DC. Ảnh: Aljazeera.com/TTXVN
Mỹ ngày 14/6 đã coi Phong trào Phản kháng Bắc Âu và ba lãnh đạo phong trào này là khủng bố, nói rằng những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới ở Bắc Âu này gây ra mối đe dọa cho người Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã bổ sung phong trào này và các thủ lĩnh của nhóm vào danh sách "Khủng bố Toàn cầu được Chỉ định Đặc biệt", nghĩa là phong tỏa mọi tài sản tại Mỹ và chặn quyền tiếp cận các hệ thống tài chính Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đưa ra quyết định đó dựa trên lịch sử bạo lực của nhóm này bắt nguồn từ nền tảng phân biệt chủng tộc, chống nhập cư, bài Do thái, chống LGBTQI+ một cách công khai.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Mỹ vẫn quan ngại sâu sắc về mối đe dọa bạo lực cực đoan có động cơ chủng tộc trên toàn thế giới và cam kết chống các thành phần bạo lực xuyên quốc gia”.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Phong trào Phản kháng Bắc Âu đã thực hiện hoặc tìm cách thực hiện các hành động khủng bố đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như sự an toàn của công dân Mỹ.
Các thủ lĩnh của phong trào này bị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào danh sách đen đều là người Thụy Điển, trong đó trưởng nhóm là Fredrik Vejdeland và hai nhân vật cấp cao khác là Par Oberg và Leif Robert Eklund.
Phong trào Phản kháng Bắc Âu (NMR) tuyên bố theo chủ nghĩa phát xít và thúc đẩy một quốc gia “dân tộc Bắc Âu” thống nhất.
Được thành lập vào năm 1997 tại Thụy Điển, Phong trào Phản kháng Bắc Âu ngày càng có nhiều chi nhánh ở các quốc gia Bắc Âu khác cho đến khi thống nhất dưới cái tên NMR vào năm 2016.
Nhóm này đã tổ chức các cuộc biểu tình và tạo ra các phương tiện truyền thông tranh luận chống nhập cư và cũng có liên quan đến bạo lực.
Năm 2016, một người đàn ông 28 tuổi đã chết sau khi bị các thành viên NMR hành hung ở Helsinki (Phần Lan) và theo tổ chức giám sát Expo, một số thành viên đã bị kết án về một loạt vụ đánh bom ở Gothenburg (Thuỵ Điển) vào năm 2016 và 2017.
Sau khi nhậm chức vào năm 2021, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vạch ra chiến lược chống khủng bố trong nước. Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu tiên chỉ định một nhóm theo chủ nghĩa "da trắng thượng đẳng" là những kẻ khủng bố vào năm 2020 sau nhiều năm chủ yếu nhắm vào các phong trào Hồi giáo và cực tả ở nước ngoài.
Theo Báo Tin tức