Tờ New York Times dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông, ông George Mitchell, sẽ từ chức sau hơn 2 năm làm việc gần như không có kết quả nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.
Thông tin về vụ từ chức được đưa ra ngay trước thời điểm có nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến khu vực Trung Đông. Ngày 20-5 tới đây, Tổng thống B.Obama dự kiến có bài phát biểu quan trọng về chính sách của Mỹ đối với Trung Đông sau cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden và tình hình bất ổn ở thế giới Arab.
Sau đó, ông Obama sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Quốc vương Abdullah II của Jordan, nước láng giềng của Israel và là một trong hai nước Arab có quan hệ ngoại giao với Tel Aviv.
Tập trung bất ổn ở Trung Đông
Hiện chiến dịch không kích của phương Tây ở Libya đang bị xem là thất bại do bị dư luận lên án vì thiệt hại về sinh mạng tại Lybia tăng cao, đi ngược lại với Nghị quyết 1973 của LHQ. Còn tại Syria, những cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn diễn ra với cấp độ bạo lực ngày một tăng.
Các cuộc biểu tình ở Syria vẫn chưa có hồi kết.
Bài phát biểu của ông Obama đang được trông đợi là sẽ làm rõ cái gọi là “Học thuyết Obama”- liều thuốc để đối phó với những bất ổn tại Trung Đông. Chính quyền Mỹ, vốn đang tìm cách phản bác những chỉ trích cho rằng Mỹ phải chật vật để theo kịp diễn biến rối loạn trong thế giới Arab, đã tiến hành soạn thảo một chiến lược mới ở Trung Đông ngay sau khi nổ ra các cuộc nổi dậy của dân chúng ở Trung Đông và Bắc Phi.
Năm 2009, tại Ai Cập, khi đọc diễn văn về chính sách tại Trung Đông, ông Obama đã kêu gọi một sự khởi đầu mới trong quan hệ Mỹ - thế giới Hồi giáo. Một quan chức Mỹ cho biết, mặc dù Tổng thống Obama vẫn coi việc hàn gắn quan hệ với thế giới Hồi giáo là bước đột phá trong chính sách ngoại giao, song bài phát biểu sắp tới của ông Obama dường như sẽ đề cập tới thay đổi chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi chứ không phải tới Hồi giáo.
Tuy nhiên, với việc nói về cái chết của Bin Laden, kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố 11-9 nhằm vào nước Mỹ khiến Washington phải phát động các chiến dịch quân sự ở hai nước Hồi giáo là Iraq và Afghanistan-Tổng thống Obama chắc chắn sẽ thu hút được một lượng lớn người nghe là người Hồi giáo.
Lấy điểm
Dư luận còn băn khoăn, liệu ông Obama, người vừa có tỷ lệ uy tín tăng vọt đột ngột nhờ tiêu diệt được Bin Laden, có sử dụng bài phát biểu sắp tới để đưa ra những đề xuất mới nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông hay không?
Ngày 12-4, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, chính quyền Tổng thống Obama đã lên kế hoạch thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông trong những tuần lễ tới đây. Trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Netanyahu, nhiều khả năng ông Obama sẽ tận dụng uy tín để đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao giữa Israel và Palestine.
Từ năm ngoái đến nay, các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Israel và Palestine do Mỹ làm trung gian chưa đạt nhiều kết quả. Tổng thống Obama đang chịu áp lực phải đưa ra một sáng kiến mới, hoặc phải đối mặt với khả năng người Palestine đề nghị công nhận một nhà nước Palestine tại LHQ vào tháng 9 tới. Trong khi đó, theo các nguồn tin chính trị Israel, Thủ tướng Netanyahu, người sẽ phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 24-5, nhiều khả năng không đưa ra bất kỳ đề xuất hòa bình khả thi nào.
Còn theo một số chuyên gia, bài phát biểu của Tổng thống Obama tới đây không nằm ngoài việc ông Obama lấy điểm nhân cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau. Với việc tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden, kẻ mà Mỹ đã săn đuổi hơn 10 năm nay cùng với vấn đề Trung Đông mà nhiều đời tổng thống Mỹ theo đuổi, ông Obama đang tận dụng hết cơ hội để tranh thủ những lá phiếu cử tri về cho mình.
Theo SGGP