Mỹ tìm cách tiếp cận “mềm” hơn với Nga

Cập nhật: 10-11-2021 | 08:53:44

Hàng loạt cuộc thảo luận được tiến hành một cách âm thầm của giới chức Nga - Mỹ nhằm tìm kiếm giải pháp cho mối quan hệ vốn phức tạp và nhiều căng thẳng giữa hai quốc gia được cho là có sức mạnh hạt nhân lớn nhất thế giới.

9 tháng kể từ khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ, nhìn bề ngoài quan hệ Nga-Mỹ vẫn đang tiếp tục trong tình trạng căng thẳng. Mỹ tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga, tiếp tục trang bị kỹ thuật và huấn luyện quân đội Ukraine, đe dọa trả đũa các vụ tấn công mạng,... Đại sứ quán Mỹ tại Moscow đã ngừng cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Nga.

Ngược lại, Nga cũng có những động thái căng thẳng tương tự, như: điều quân sát biên giới Ukraine, cắt mọi quan hệ với khối NATO và hãng công nghệ Microsoft hồi tháng 10 lại công bố các vụ tấn công mạng xuất phát từ lãnh thổ Nga. Khi các lãnh đạo thế giới tụ họp ở Rome dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không thể có cuộc gặp thứ hai trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin do ông Putin dự họp từ xa qua cầu truyền hình. Tuy nhiên, bên dưới bề mặt đó là những cuộc tiếp xúc trao đổi vẫn âm thầm diễn ra.


Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một lần gặp gỡ.

Cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin vào tháng 6 vừa qua tại Geneva đã mở ra một loạt cuộc tiếp xúc giữa hai nước, bao gồm 3 chuyến đi tới Moscow của các quan chức cấp cao chính quyền ông Biden kể từ tháng 7 và nhiều cuộc gặp hơn với các quan chức Nga ở hai quốc gia trung lập Phần Lan và Thụy Sĩ. Giới chức hai nước gặp nhau để thảo luận về nhiều vấn đề, từ kiểm soát vũ khí, vấn đề Iran, Syria, CHDCND Triều Tiên cho đến an ninh mạng.

Một quan chức Mỹ cấp cao cho biết Mỹ biết “rất rõ” về ý định của ông Putin và Điện Kremlin nhưng cho rằng họ có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề như kiểm soát vũ khí. Quan chức này lưu ý rằng Nga đã bày tỏ sự ủng hộ cao với Mỹ trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và ở mức độ thấp hơn, đối phó với CHDCND Triều Tiên nhưng thừa nhận rằng có nhiều lĩnh vực khác hai bên vẫn chưa thể bàn bạc thống nhất.

Anne Neuberger, cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về không gian mạng và các công nghệ mới đã âm thầm tiến hành nhiều cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp ở Điện Kremlin. Cách đây vài tuần, sau một cuộc thảo luận trong cộng đồng tình báo Mỹ về mức độ thông tin cần tiết lộ, Mỹ đã cho công bố tên và các chi tiết khác của một số tin tặc đã tiến hành các cuộc tấn công vào nước Mỹ.

Các cuộc đàm phán đáng chú ý nhất giữa các quan chức Nga và Mỹ là về cái mà hai bên gọi là “sự ổn định chiến lược” - cụm từ bao hàm việc kiểm soát vũ khí truyền thống và lo ngại rằng công nghệ mới, bao gồm cả việc sử dụng trí thông minh nhân tạo để chỉ huy các hệ thống vũ khí, có thể dẫn đến sự cố tình cờ kích hoạt chiến tranh hoặc khiến cho các nhà lãnh đạo không có đủ thời gian quyết định để tránh xung đột. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã dẫn đầu một phái đoàn đến Moscow để thảo luận về những vấn đề đó và các quan chức Mỹ mô tả chúng như một "điểm sáng" trong mối quan hệ. Các nhóm công tác đã được thành lập, trong đó có một nhóm sẽ thảo luận về “vũ khí mới” như ngư lôi hạt nhân tự hành Poseidon của Nga.

Trong các cuộc tiếp xúc khác, John F. Kerry, đặc phái viên khí hậu của Tổng thống Biden, đã đến Moscow trong 4 ngày vào tháng 7 và Robert Malley, đặc phái viên về Iran, cũng đã có các cuộc đàm phán tại Moscow vào tháng 9. Phó Thủ tướng Nga Aleksei Overchuk đã gặp bà Sherman và Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden. Các cuộc nói chuyện này được Thủ tướng Overchuk mô tả là “rất tốt và trung thực”. Tổng thống Putin, vốn rất tinh tế với những thông điệp ngoại giao, cũng hoan nghênh những cử chỉ đáng trân trọng ấy.

Trong vấn đề cấp thị thực nhập cảnh, Mỹ cũng buộc phải chiều theo người Nga để hai bên cùng có cơ hội hòa giải. Gần đây, khi Victoria Nuland, một quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ đến Moscow để đàm phán tại Điện Kremlin, Chính phủ Nga đã không đồng ý ngay lập tức. Được Nga xem là một trong những diều hâu có ảnh hưởng nhất ở Mỹ về vấn đề nước Nga, bà Nuland nằm trong “danh sách đen” những người bị cấm nhập cảnh vào Nga. Nhưng, người Nga đã đưa ra đề nghị: Nếu Washington chấp thuận cấp thị thực cho một nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đã không thể nhập cảnh vào Mỹ kể từ năm 2019 thì bà Nuland có thể đến Moscow. Chính quyền ông Biden đã đồng ý ngay. Các cuộc thảo luận của bà Nuland ở Moscow được cho là liên quan nhiều vấn đề nhưng trong cuộc đàm phán căng thẳng giữa Mỹ và Nga, rõ ràng có những lĩnh vực mà Điện Kremlin không muốn thảo luận.

Các quan chức ở cả hai nước đều cho rằng các cuộc đàm phán, thảo luận cho đến nay tuy chưa mang lại nhiều thực chất nhưng đã giúp ngăn chặn căng thẳng Nga-Mỹ vượt khỏi tầm kiểm soát.

Cách tiếp cận được cân nhắc kỹ của ông Biden đã nhận được nhiều lời khen ngợi trong các cơ quan đối ngoại của Nga, vốn coi việc Nhà Trắng tăng cường đối thoại là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đã sẵn sàng để thực hiện các thỏa thuận. Cách tiếp cận mới này được đánh giá là thể hiện sự tôn trọng nhất định mà chính quyền Mỹ dành cho Moscow trong nhiều vấn đề trong phạm vi mối quan hệ hai nước. Và, nó nhận được sự phản hồi tích cực từ phía Nga. Fyodor Lukyanov, nhà phân tích chính sách đối ngoại nổi tiếng của Moscow, cho biết: “Ông Biden hiểu tầm quan trọng của cách tiếp cận tỉnh táo. Điều quan trọng nhất mà ông ấy cần hiểu là ông ấy sẽ không thay đổi được nước Nga. Bởi vì nước Nga là nước Nga, không thể là gì khác”.

Gần đây, Tổng thống Putin cũng phát đi tín hiệu tích cực thông qua việc công khai ủng hộ quyết định rút quân khỏi Afghanistan của Tổng thống Biden và bác bỏ quan điểm cho rằng cuộc rút quân đó sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến hình ảnh của nước Mỹ. “Thời gian sẽ trôi qua và mọi chuyện rồi sẽ đâu lại vào đấy”, Tổng thống Putin lưu ý.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên