Mỹ từng tìm cách mua 3 máy bay ném bom chiến lược Tu-160

Cập nhật: 05-02-2022 | 06:55:03

Tháng 3/1999, Bộ Quốc phòng Ukraine được chính phủ cho phép bán 3 máy bay Tu-160, cùng với các phụ tùng thay thế dự phòng cho một công ty Mỹ để sử dụng trong giai đoạn đầu tiên của hệ thống phóng không gian dưới quỹ đạo.

Ở Ukraine, sự sụp đổ của Liên Xô ban đầu không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động hàng ngày của Trung đoàn máy bay ném bom hạng nặng cận vệ 184 (GvTBAP).

Trong cuốn sách “Tupolev Tu-160, Mũi nhọn của Lực lượng tấn công Liên Xô”, các tác giả Yefim Gordon và Dmitriy Komissarov cho biết, Ukraine thậm chí còn tự hào sở hữu các máy bay chiến lược. Tuy nhiên, những chiếc máy bay này thực tế lại trở thành vật dư thừa. Với một chuyến xuất kích tầm xa tối đa, mỗi máy bay Tu-160 (NATO gọi là Blackjack) cần 170 tấn dầu hỏa, và một chuyến bay huấn luyện thông thường cũng cần tới 40 tấn nhiên liệu. Theo chỉ huy Không quân Ukraine, chi phí bảo dưỡng phi đội máy bay ném bom chiến lược lên tới 1,4 triệu USD mỗi năm.


Máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Ảnh: Không quân Ukraine

Cả Nga và Mỹ đều muốn có Tu-160 từ Ukraine

Nga khi đó rất muốn lấy lại những chiếc máy bay chiến lược và ngay lập tức khởi động các cuộc đàm phán mua lại Tu-160 được triển khai tại căn cứ Priluki và Tu-95MS vận hành tại căn cứ Uzin.

Các cuộc đàm phán đầu tiên diễn ra năm 1993. Những cuộc đàm phán này không mang lại kết quả nào: mức giá 25 triệu USD mỗi chiếc do Nga đưa ra bị Ukraine coi là vô lý và Kiev muốn mức giá 75 triệu USD cho mỗi máy bay. Sau đó, Nga đề xuất đổi máy bay ném bom lấy máy bay chiến thuật và phụ tùng tương ứng, nhưng Ukraine không quan tâm đến loại khí tài này.

Nga tiếp tục đàm phán mua lại 10 chiếc Tu-160 của Ukraine vào năm 1995. Nga rất cần những chiếc máy bay ném bom chiến lược, vì khi đó Moscow chỉ có 6 chiếc Tu-160 ở căn cứ Engels.

Tuy nhiên, việc Nga tăng cường lực lượng hàng không chiến lược không phải là điều mà Mỹ - đối thủ của Nga – muốn xảy ra. Washington muốn những chiếc máy bay ném bom chiến lược bị phá hủy, chứ không muốn chúng là rơi vào tay Nga.

Trước xu hướng chống Nga trong một số cộng đồng người Ukraine, Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu gây áp lực lên Ukraine, yêu cầu Kiev tuân thủ Hiệp ước START-2, theo đó yêu cầu Liên Xô tháo dỡ các máy bay ném bom chiến lược muộn nhất là vào ngày 4/12/2001.

Nga và Ukraine đã thảo luận hơn 20 lần về thương vụ Tu-160 lần nhưng các bên không thể thống nhất về giá cả. Trong khi đó, những chiếc máy bay ném bom bắt đầu xuống cấp.

Sau vòng đàm phán đầu tiên, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine đã quyết định loại bỏ hệ thống tên lửa/hàng không chiến lược của Tu-95MS và Tu-160. Quá trình này được Mỹ tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Giảm đe doạ (còn được gọi là Chương trình Nunn-Lugar theo tên các Thượng nghị sĩ Samuel Nunn và Richard Lugar, những người đã vận động để Quốc hội phê duyệt đề xuất tài trợ này).

Quốc hội Mỹ đã chính thức phân bổ ngân quỹ - theo các báo cáo khác nhau là 8 triệu USD hoặc 13 triệu USD - để tháo dỡ những chiếc máy bay ném bom hạng nặng và tên lửa hành trình còn lại trên đất Ukraine; các thỏa thuận liên quan được ký kết với các nhà thầu chuyên ngành. Sau khi hoàn thành quy trình tháo dỡ, Ukraine sẽ có quyền bán các khối kim loại.

Năm 1998, Ukraine bắt đầu tháo dỡ những chiếc Tu-160. Ngày 16/11/1998, “nạn nhân” đầu tiên - chiếc Tu-160 có mã “24 Red” (f/n 5-02) – bắt đầu được xử lý tại căn cứ Priluki trước sự chứng kiến ​​của các Thượng nghị sĩ Richard Lugar và Charles Levin. Chiếc máy bay được sản xuất vào năm 1989, có tổng thời gian hoạt động là 466 giờ kể từ khi xuất xưởng. Công việc được công ty hàng không vũ trụ Mỹ Raytheon giám sát.

Chiếc Blackjack thứ hai được tháo dỡ là “14 Red” (f/n 6-04), một trong số ít máy bay ném bom chiến lược có logo của Không quân Ukraine. Chiếc máy bay này được chế tạo vào năm 1991, với tổng thời gian hoạt động chưa đầy 100 giờ từ khi mới xuất xưởng. Việc tháo dỡ hoàn thành vào tháng 11/1999.

Mỹ thất bại trước Nga

Ngày 5/12/1998, Bộ Quốc phòng Ukraine và Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức ký thỏa thuận theo đó Ukraine hủy 44 máy bay ném bom hạng nặng và 1.068 tên lửa hành trình Kh-55 của Ukraine. Theo một thỏa thuận bổ sung, 16 máy bay ném bom Tu-160 sẽ được tháo dỡ, 3 chiếc ngoại lệ sau đó được sửa đổi để sử dụng như giai đoạn đầu tiên của hệ thống phóng không gian dưới quỹ đạo.

Tháng 3/1999, Bộ Quốc phòng Ukraine được chính phủ cho phép bán 3 chiếc Blackjack cùng với phụ tùng dự phòng cho công ty Platforms International của Mỹ. Công ty này sau đó sẽ chuyển đổi Tu-160 thành bệ phóng cho phương tiện phóng không gian Pegasus (SLV) đưa vệ tinh vào quỹ đạo thấp của Trái Đất. Giá cho cả 3 chiếc chỉ 20 triệu USD.

Tuy nhiên, phía Nga tuyên bố thỏa thuận giữa Ukraine và Mỹ vi phạm hiệp ước START-2. Nga muốn làm mọi cách để ngăn những chiếc máy bay ném bom hiện đại nhất rơi vào tay Mỹ.

Điều bất ngờ là lập trường của Nga lại nhận được sự ủng hộ ở Washington. Nhiều người Mỹ lên tiếng phản đối các hành vi của Ukraine vi phạm các quy định cơ bản trong hiệp ước START-2, do đó Kiev đã phải từ bỏ kế hoạch.

Vào tháng 4-5/1999, Moscow và Kiev đã thảo luận về khả năng đổi 8 chiếc Tu-160 và 3 chiếc Tu-95MS lấy các máy bay vận tải hạng nặng Antonov An-22 Antey (Antheus/Cock) và An-124 Ruslan từ kho vũ khí của Không quân Nga. Ukraine vội vàng chấp nhận điều kiện có lợi này trước thời hạn chót ngày 4/12/2001 phải tháo dỡ các máy bay ném bom chiến lược.

Mỹ đã tìm cách cản trở thỏa thuận, ngăn Nga củng cố sức mạnh chiến lược và kiên quyết thúc giục Ukraine loại bỏ các máy bay ném bom bằng việc hứa hẹn tài trợ cho quá trình tháo dỡ.

Tuy nhiên, kế hoạch của Mỹ đã thất bại. Tháng 8/1999, Nga và Ukraine cuối cùng cũng soạn thảo một thỏa thuận về việc chuyển giao 8 chiếc Tu-160, 3 chiếc Tu-95MS và 575 tên lửa hành trình Kh-55, Kh-55SM và Kh-22NA cùng với thiết bị hỗ trợ mặt đất, tới Nga. Tổng giá trị của các máy bay ném bom là khoảng 285 triệu USD. Số tiền được trừ vào khoản tiền 275 triệu USD mà Ukraine còn nợ Nga tiền cung cấp khí đốt tự nhiên. Do không có tiền trả nợ, phía Ukraine đành phải chấp nhận thỏa thuận với Nga.

Lực lượng Không quân Nga sau đó đó sở hữu 2 loại tên lửa hành trình phóng từ trên không hoàn toàn mới (Kh-101 thông thường và Kh-102 mang đầu đạn hạt nhân) có khả năng tấn công mục tiêu trong phạm vi 5.000 km với sai số chỉ vài mét.

Cùng với các máy bay ném bom chiến lược đã có, những chiếc máy bay mới giúp củng cố đáng kể thành phần trên không trong bộ ba hạt nhân của Nga./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1214
Quay lên trên