Mỹ và các hợp đồng vũ khí đang định hình Trung Đông

Cập nhật: 21-10-2010 | 00:00:00

Với tuyên bố chính thức về hợp đồng vũ khí lớn nhất trong lịch sử với Arập Xêút, Washington một phần muốn gia tăng áp lực với Iran, một phần tăng cường quan hệ đồng minh với các nước láng giềng của Tehran, và còn những nguyên nhân nữa...

 

Những hợp đồng “khủng” nào đang được tiến hành?

 

Từ năm 2005 tới 2009, Mỹ đã bán lượng vũ khí trị giá tới 37 tỷ USD cho các quốc gia vùng Vịnh, gồm Arập Xêút, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Bahrain, Qatar, Oman, và Kuwait – theo như số liệu của cơ quan có trách nhiệm giải trình của chính phủ Mỹ.

 

Hợp đồng mới nhất giữa Mỹ và A rập, dự kiến sẽ được trình để quốc hội Mỹ sớm thông qua, trị giá tới 60 tỷ USD, bao gồm 84 máy bay chiến đấu 84 Boeing F-15 mới và nâng cấp 70 chiếc F-15 thế hệ cũ mà chính phủ nước này mua trước đó, 70 trực thăng Apache, 72 chiếc Black Hawk và 36 chiếc AH-6M Little Bird. Trong gói hàng còn có tên lửa, bom, rađa hiện đại và những trang thiết bị khác.

 

 Máy bay chiến đấu F-15 của Không quân Mỹ ở Đông Afghanistan

Ngoài ra, Ngũ Giác Đài còn có thể bổ sung gói hợp đồng trị giá 30 tỉ USD để nâng cấp vũ khí cho lực lượng hải quân của Arập Xêút, trong khi có những hoài nghi Arập Xêút đang chuẩn bị mua công nghệ hạt nhân từ đồng minh trước đây là Pakistan.

 

Có khả năng vào năm tới, Mỹ sẽ đồng ý bán hệ thống phòng vệ tên lửa Theater High Altitude Area Defense cho Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất UAE, trị giá 7 tỷ USD.

 

Nga cũng đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn cho Trung Đông. Mátxcơva đã đồng ý trong năm 2007 bán các tên lửa chống hạm P-800 cho Syria. Israel đã phản đối hợp đồng này, viện dẫn những quan ngại rằng các tên lửa này có thể rơi vào tay lực lượng Hezbollah có trụ sở tại Lebanon. Trong khi đó, Nga đã hoãn hợp đồng bán các tên lửa chống máy bay S-300 trị giá 800 triệu USD cho Iran, nói hợp đồng này vi phạm các điều khoản trừng phạt của Liên hiệp quốc với Tehran.

 

Mỹ mưu cầu những gì?

 

Nhiềungười lập luận rằng lý do chính dẫn tới hợp đồng vũ khí Mỹ -Arập Xêút là mối lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Iran – cùng những phỏng đoán rằng nước này đang phát triển vũ khí hạt nhân. Mỹ ngày càng quan ngại về Iran và xem các nước vùng Vịnh - đặc biệt là Ảrập Xêút – là những đối tác quan trọng trong nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của Tehran.

 

Hợp đồng vũ khí Mỹ - Ảrập Xêút là lời nhắc nhở với ban lãnh đạo Iran rằng nếu Tehran xúc tiến sản xuất vũ khí hạt nhân, “thì câu trả lời sẽ là sự gia tăng sức mạnh của các đối thủ trong khu vực” – ông Thomas Lippman của Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Hội đồng Đối ngoại ở Washington nói. Hợp đồng này cũng là động thái nhằm “can gián” Ảrập Xêút khỏi các nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình. “Ý đồ của Washington là thuyết phục ban lãnh đạo Ảrập Xêút rằng chúng ta có thể xử lý được mọi quan ngại về an ninh mà không cần có vũ khí hạt nhân”, Lippman khẳng định.

 

Nhưng không ít phân tích cho rằng do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua, cộng thêm phải chi tới gần 1.000 tỷ USD cho hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, Mỹ buộc phải tìm cách tăng thu, giảm chi về quân sự. Để giảm chi, Tổng thống Barack Obama đã đưa ra một số tuyên bố về Iraq. Để tăng thu, Mỹ đã thông qua hình thức bán vũ khí để thu được cái mà dư luận gọi là “phí bảo kê”.

 

Ngoài ra, những hợp đồng vũ khí có thể giúp Mỹ giảm tỷ lệ thất nghiệp, ví như hợp đồng với Ảrập Xêút – sẽ tạo ít nhất 75.000 công ăn việc làm trong Boeing và United Technologies.

 

Như vậy, với Mỹ, thương vụ vũ khí này quả là “lợi đơn lợi kép”. Mỹ vừa thu được một khoản lớn phục vụ chủ trương “tăng thu”, vừa tạo dựng thêm được ở Trung Đông một “quân cờ” sử dụng vũ khí của Mỹ nhằm đối phó với Iran.

 

Cảnh báo nào cho Trung Đông?

 

Với các nước Ảrập, ngoài việc tăng cường khả năng quân sự cho các quốc gia vùng Vịnh, những hợp đồng vũ khí gần đây còn củng cố quan hệ an ninh giữa Mỹ với các nước vốn là thành viên khối Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) - Theodore Karasik, Giám đốc Viện Phân tích Quân sự vùng Vịnh và Trung Đông, có trụ sở tại Dubai (UAE), nhận định. Anthony Cordesman của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược ở Washington đồng ý với Karasik khi nói rằng việc bán những vũ khí tối tân cho Ảrập Xêút có nghĩa là mối quan hệ trụ cột với Mỹ sẽ tồn tại trong ít nhất một thế kỷ nữa, gắn kế hai nước trong một một quan hệ tương thuộc.

 

Với tiềm năng quân sự sẵn có, Ảrập Xêút đã thực hiện các cuộc diễn tập, ngừng kích hoạt hệ thống phòng thủ trên không để cho phép các máy bay của Israel có thể sử dụng một phần không phận của họ để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Nhưng Tiến sĩ Karasik tỏ ra thận trọng trước ý đồ của các bên chỉ tập trung vào nhân tố Iran, “trong khi tất cả các quốc gia GCC còn đang phải đối phó với những mối đe dọa khác” như phiến quân Houthi ở bắc Yemen, hay các nhóm khủng bố có liên hệ với Al Qaeda ...

 

Kết quả của các cuộc thăm dò dư luận gần đây ở các nước Trung Đông cho thấy đa số người Ảrập được hỏi đều cho rằng Iran có quyền phát triển các loại vũ khí hạt nhân và cộng đồng quốc tế không nên gây sức ép để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran. Đa số người Ảrập không ưa Iran và nhiều người coi Iran như một mối đe dọa, tuy nhiên họ không coi nước này như mối nguy hiểm lớn nhất trong khu vực.

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên