Mỹ xoa dịu Trung Quốc

Cập nhật: 03-03-2010 | 00:00:00

 

Các đặc phái viên Mỹ đang tìm cách tháo ngòi tình trạng căng thẳng suốt hai tháng qua với Trung Quốc, nhưng đã xuất hiện những cản ngại ngay trước khi họ bắt đầu đàm phán ở Bắc Kinh.

 

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ James Steinberg và cố vấn của Nhà Trắng về châu Á Jeffrey Bader tới Trung Quốc nhằm hàn gắn mối quan hệ đang sứt mẻ vì một loạt vấn đề từ thương mại, Đài Loan đến Tây Tạng.

 

Quốc kỳ Mỹ và Trung Quốc. 

 AP cho hay, một giờ trước khi máy bay Mỹ hạ cánh hôm qua, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã nhắc nhở về những khó khăn trước mắt, nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh rằng bây giờ không phải là lúc để LHQ đưa ra lệnh trừng phạt mới với Iran - điều mà Mỹ rất mong muốn.

 

Trước đó Nga đã tỏ sự thay đổi quan điểm và nói rằng việc trừng phạt Iran là có thể nếu cần thiết. Một phái đoàn của Israel mới tới Trung Quốc trở về và cho hay họ chưa rõ quan điểm của Bắc Kinh. "Tôi không nghĩ họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm, nhưng họ có thể không phủ quyết", Thủ tướng Benjamin Netanyahu được một quan chức giấu tên dẫn lại lời cho hay.

 

Bắc Kinh phẫn nộ với việc Mỹ công bố bán lượng vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD cho Đài Loan - một phần lãnh thổ của Trung Quốc, và tuyên bố sẽ có các biện pháp trả đũa.

 

Trung Quốc cũng giận dữ vì Tổng thống Mỹ Obama đã đón tiếp Dalai Lama - lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, người mà Bắc Kinh cho là mang tư tưởng ly khai - ở Nhà Trắng.

 

Thương mại, tỷ giá, bảo mật Internet cũng là hàng loạt những chiếc gai sắc nhọn trong mối quan hệ song phương giữa hai cường quốc Mỹ - Trung. Khoảng thời gian hai tháng qua có thể nói là giai đoạn cao trào căng thẳng giữa đôi bên.

 

Tuy nhiên Trung Quốc cho rằng người gây tình trạng này chỉ là Mỹ. "Chúng tôi hy vọng rằng phía Mỹ sẽ đưa quan hệ Trung - Mỹ trở lại quỹ đạo, phát triển lành mạnh và tốt đẹp", AP trích lời ông Tần nói, đồng thời không quên lưu ý sự khẳng định của Bắc Kinh rằng Mỹ là bên duy nhất chịu trách nhiệm về sự đi xuống trong quan hệ.

 

Hiện chi tiết kế hoạch làm việc của các phái viên Mỹ chưa được tiết lộ, ngoài việc họ sẽ gặp Ngoại trưởng chủ nhà Dương Khiết Trì và các nhà lãnh đạo khác. Chuyến công du sẽ kéo dài sang ngày mai.

 

Tại Mỹ, phát ngôn viên ngoại giao P.J. Crowley cho hay vấn đề Iran sẽ được đưa ra bàn thảo, cũng những nỗ lực nhằm thuyết phục Triều Tiên trở lại đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân.

 

Tuy nhiên, mối quan hệ song phương sẽ là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận, Crowley cho biết. "Chúng ta đang đi trên một đoạn đường gập ghềnh, và tôi tin rằng cả hai nước Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích khi đưa mọi thứ trở lại như cũ một cách nhanh chóng".

 

Chuyến công du của các phái viên Mỹ có thành công hay không phụ thuộc vào khả năng của họ trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh rằng những lợi ích căn bản của Trung Quốc - an ninh quốc gia và lãnh thổ - sẽ được tôn trọng. Đó là nhận định của ông Triệu Khởi Chính, người phát ngôn Chính hiệp Trung Quốc.

 

"Cũng như trong một trận bóng bàn. Người Mỹ đã phát quả bóng này, và rồi Trung Quốc đáp trả", Triệu bình luận.

 

Ông này nói rằng mối quan hệ Trung - Mỹ lúc ấm lúc lạnh thay đổi như thời tiết, thoắt nắng thoắt mưa, "khiến người Trung Quốc lo ngại".

 

"Người Mỹ cần hiểu rằng mối quan hệ Trung - Mỹ là một cái ô tô có hai người lái. Người Trung và người Mỹ đều có vô lăng và phanh, vì thế hai bên cần bàn bạc để cho ô tô tiến lên", tờ Wall Street Journal trích lời ông. "Nếu không, chiếc xe sẽ chỉ xoay tròn tại chỗ".

(Theo VNE)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên