Myanmar phá bỏ cô lập

Cập nhật: 20-11-2011 | 00:00:00

Chính quyền Myanmar đang tự phá bỏ sự cô lập để hướng về phương Tây. Bước chuyển biến lịch sử của Myanmar cũng có ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hàng loạt cải cách của Chính phủ Myanmar thời gian qua đã đem lại những kết quả cụ thể. Theo Reuters, ngày 1-12 Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ trở thành nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Mỹ đến thăm Myanmar sau hơn 50 năm. Ở Yangon, Đảng Liên đoàn dân chủ quốc gia (NLD) của nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi quyết định đăng ký hoạt động chính thức trong hệ thống chính trị và sẽ tham gia tranh cử trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Giới quan sát phương Tây nhìn nhận chuyến đi của bà Clinton cho thấy Washington tin tưởng rằng Myanmar quyết tâm cải tổ. Reuters dẫn lời cựu đại diện ngoại giao Mỹ tại Myanmar Priscilla Clapp: “Mỹ chưa thể lập tức dỡ bỏ lệnh cấm vận với Myanmar, nhưng đây là cách để khởi đầu”.

  Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Tổng thống Myanmar Thein Sein tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Bali, Indonesia Sau cuộc gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Indonesia, Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin cho biết Myanmar và LHQ sẽ tăng cường hợp tác. Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon cũng tuyên bố sẽ đến thăm Myanmar để thúc đẩy cải tổ. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ xem xét dỡ bỏ dần cấm vận đối với Myanmar.

Hướng về phương Tây

Theo các quan chức Mỹ, chính quyền Myanmar xác định Myanmar đã tụt hậu quá nhanh so với các nước trong khu vực vì bao vây cấm vận của Mỹ và châu Âu, và thiếu đầu tư từ phương Tây. Do đó, chính quyền quyết định đã đến lúc thay đổi.

Một số nhà quan sát khu vực cho rằng, nguyên nhân khác quan trọng không kém là Trung Quốc. “Quan hệ giữa Myanmar và Trung Quốc đang trục trặc và Myanmar cần đồng minh mới” - báo Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia về Myanmar Bertil Lintner. Do bao vây cấm vận phương Tây, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar. Tuy nhiên, chiến lược khai thác tài nguyên quá dữ dội của Trung Quốc tại Myanmar đã khiến nhiều người dân nước này bất mãn và có thái độ chống Trung Quốc.

Ví dụ điển hình là dự án đập thủy điện trị giá 3,6 tỉ USD do các công ty Trung Quốc đầu tư - bị chính quyền Myanmar đình chỉ hồi tháng 9 - được thiết kế để làm ngập một diện tích tương đương đất nước Singapore, và cung cấp gần như toàn bộ lượng điện cho Trung Quốc. Dự án này đã gây sự bức xúc lớn trong xã hội Myanmar.

Giới quan sát nhận định một Myanmar thân thiện với phương Tây sẽ hỗ trợ Mỹ trong nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc để giành ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Xét về chiến lược, không ai muốn Myanmar trở thành một cái mỏ của Trung Quốc - Reuters dẫn lời chuyên gia về Myanmar Sean Turnell thuộc ĐH Macquarie ở Úc - Myanmar là một trong những yếu tố giúp ông Obama khẳng định Mỹ đã trở lại châu Á và không để Trung Quốc kiểm soát toàn bộ khu vực”.

Ngoài ra Myanmar với 54 triệu dân, giàu các loại tài nguyên như khí đốt, khoáng sản, gỗ... là một thị trường có tiềm năng rất lớn đối với các công ty Mỹ và châu Âu.

Còn nhiều thách thức

Mới đây, các quan chức Mỹ cho biết Washington đã bắt đầu nới lỏng dần một số biện pháp cấm vận đối với Myanmar, ví dụ như lệnh cấm bay nhắm vào các quan chức chính phủ. Tuy nhiên việc xóa bỏ các biện pháp cấm vận chủ chốt cần có sự thông qua của Quốc hội Mỹ. Nhiều nghị sĩ Mỹ vẫn nghi ngờ quyết tâm cải tổ của chính quyền Myanmar. Các nhà quan sát cho rằng Myanmar sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình cải tổ.

Tỉ lệ nghèo đói ở Myanmar rất cao. Vùng biên giới với Trung Quốc và Thái Lan là nơi sản xuất số lượng lớn heroin và thuốc lắc bán ra châu Á. Tại đây, các nhóm thiểu số có vũ trang thường xuyên đụng độ với quân đội chính phủ.

Báo New York Times dẫn lời sử gia Thant Myint-U, cựu quan chức LHQ và là chuyên gia về Myanmar nhận định, trong nỗ lực cải tổ, chính quyền Myanmar sẽ phải đối mặt với sự phản ứng của nhóm các doanh nhân giàu có kiếm lợi lớn từ mô hình cũ. Sự hòa hợp chính trị tại Myanmar cũng còn phụ thuộc vào cuộc đối thoại giữa chính phủ và đảng đối lập của bà Suu Kyi.

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=270
Quay lên trên