Năm 2009 khép lại với 21,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Đây là một con số khiêm tốn so với năm 2008 nhưng trong một năm đầy khó khăn như 2009 khi khủng hoảng kinh tế thế giới đã lên tới đỉnh điểm thì khả năng thu hút FDI như vậy là đã thành công lớn của Việt Nam. Theo các chuyên gia, bước sang năm 2010, khi kinh tế thế giới phục hồi, đặc biệt với các chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam và môi trường đầu tư hấp dẫn, dự báo thu hút FDI của cả nước sẽ tăng trưởng 10% so với năm ngoái...Nhìn lại năm 2009, thu hút vốn FDI suy giảm không chỉ do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, mà còn bắt nguồn từ những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Những chồng chéo về luật pháp dẫn tới lúng túng trong việc triển khai thực hiện, khiến nhà đầu tư phải chờ đợi thời gian dài hơn quy định để có được giấy chứng nhận đầu tư. Việc siết lại các ưu đãi theo cam kết của WTO đã thu hẹp đáng kể diện doanh nghiệp được hỗ trợ. Bên cạnh đó, phải nhìn nhận công tác xúc tiến đầu tư trong năm qua vẫn chưa hiệu quả, nhiều hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư gây lãng phí...
Các DN FDI tại Bình Dương đang tạo ra nhiều chỗ làm và góp phần làm phong phú thêm các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, năm 2009 dù lượng vốn FDI đăng ký giảm sút lần đầu tiên sau 5 năm tăng cao liên tục nhưng tỷ trọng vốn giải ngân so với vốn đăng ký đang có xu hướng tăng dần đều theo các năm cho thấy FDI đang thực sự đi vào chất, thay vì chỉ là kỷ lục đăng ký chót vót. Trong năm 2009, số vốn FDI cấp mới và tăng thêm bằng 30% so với năm 2008, đáng kể là sự giảm mạnh của vốn đăng ký cấp mới, theo đó, trong năm 2009 Việt Nam thu hút được 839 dự án đăng ký mới với tổng vốn đạt 16,3 tỷ USD, chỉ bằng 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Số vốn tăng thêm vẫn duy trì phong độ, bằng 98,3% năm ngoái, tương ứng với 5,1 tỷ USD. Việc vẫn có nhiều các dự án FDI tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô trong năm qua cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao triển vọng đầu tư tại Việt Nam.
Năm 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu thu hút FDI cả vốn tăng thêm và vốn mới năm 2010 phải đạt từ 22 - 25 tỷ USD, tăng 10% so với thực hiện của năm 2009 (trong đó, vốn đăng ký mới dự kiến khoảng 19 tỷ USD và vốn tăng thêm dự kiến khoảng 3 tỷ USD). Giải ngân vốn FDI dự kiến sẽ tăng hơn năm 2009 do dòng vốn đăng ký của các năm trước đều ở mức cao, cộng thêm nền kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi. Dự kiến vốn giải ngân sẽ đạt ở mức 10 - 11 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2009, trong đó vốn của phía nước ngoài dự kiến là 8 - 9 tỷ USD, tăng 12,5% so với ước thực hiện năm 2009.
Mặc dù vậy, để giải ngân FDI tiếp tục tăng cao sẽ phải giải được bài toán đất sạch và vốn đối ứng vốn đang khá nan giải khiến nhiều dự án lớn chưa thể triển khai nhưng cũng không thể thúc đẩy nhà đầu tư vì nguyên nhân phía Việt Nam không chuẩn bị được mặt bằng giao cho nhà đầu tư. Thêm vào đó, những ưu đãi về thuế sẽ không còn nhiều, ảnh hưởng tới lợi thế môi trường đầu tư Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư mới.
Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng, cần phải thay đổi mạnh mẽ chính sách thu hút đầu tư. Theo đó, năm 2010 cần thay đổi mạnh mẽ sự chuyển hướng về chất trong chính sách thu hút FDI, tập trung vào các dự án sử dụng công nghệ cao, có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh. Đã đến lúc cần thu hút đầu tư bằng xu thế thu hút đầu tư chọn lọc, có hiệu quả vào các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao là tất yếu và cần thiết.
Đàm Thanh