"Lĩnh vực bất động sản sẽ còn khó khăn đến năm 2012. Vì nền kinh tế chung, các doanh nghiệp phải cắn răng chờ thời. Trong thời buổi khó khăn, ai cũng cần vốn không riêng gì địa ốc" - chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên khẳng định.
Tại diễn đàn Đầu tư Xây dựng và bất động sản Việt Nam kinh tế và triển vọng tổ chức ngày 26-8, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam cho hay: Hiện nay trên nhiều diễn đàn, tư tưởng Chính phủ sẽ nới lỏng chính sách tín dụng cho vay BĐS đang được rất nhiều người hy vọng, nhưng theo tôi, nếu muốn chống lạm phát thì không thể nới lỏng tín dụng, làm như vậy rất nguy hiểm.
Ảnh minh họa
Trong phiên tham vấn Thủ tướng Chính phủ có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, ông Thiên cũng đã nói rõ nếu chỉ do mong muốn giảm lãi suất của các doanh nghiệp mạnh quá mà phải “vỗ về”, nới lỏng chính sách là không cần thiết. Trong khi đó việc cần làm bây giờ là vì sự phát triển chung của cả nền kinh tế, chúng ta phải chấp nhận hy sinh các lợi ích ngắn hạn”.
Theo chỉ tiêu Quốc hội, lạm phát năm nay cần được kiểm soát ở mức 7%. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6, Ủy ban Thường vụ Quốc lại tiếp tục giãn, đưa lạm phát cả năm không vượt quá 17%.
Ông Trần Đình Thiên cho rằng, với mức lạm phát đang ở 15,68% thì để giữ mức 20% đã là may mắn, kéo xuống 17% đúng như mục tiêu là sự nỗ lực cố gắng không ngừng của cả nền kinh tế. Đặc biệt, thị trường bất động sản có yếu tố đầu cơ nặng nề và bị chi phối bởi nhiều nhóm lợi ích nên cần phải kiểm soát tín dụng và thận trọng với những nguồn vốn nóng.
"Lĩnh vực bất động sản sẽ còn khó khăn đến năm 2012. Vì nền kinh tế chung, các doanh nghiệp phải cắn răng chờ thời. Trong thời buổi khó khăn, ai cũng cần vốn không riêng gì địa ốc", ông Thiên nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, trước mắt cần đặt ra vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, xem xét dịch chuyển cung cầu để phân bổ nguồn vốn cho phù hợp, có như vậy địa ốc mới phát triển đúng hướng.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, chống lạm phát thì cần phải thắt chặt tín dụng, nhưng không có nghĩa là dừng, bít van lại.
Thêm vào đó, không nên phân định bất động sản thuộc sản xuất hay phi sản xuất, bởi nếu dòng tiền đọng lại không lưu thông thì không chỉ doanh nghiệp địa ốc mà chính ngân hàng cũng phá sản.
"Vấn đề là phải điều tiết chính sách sao cho hài hòa. Lĩnh vực nào cung vượt cầu thì dừng lại, không cho vay, ngược lại những ngành cung còn ít, chưa đủ đáp ứng cầu thì vẫn phải mở van", ông Liêm chia sẻ.
Nhận định về thị trường, tại diễn đàn, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, trong những năm qua thị trường bất động sản phát triển quá nóng dẫn đến tình trạng nhiều nhà đầu tư tăng cung tiền, vay vốn đổ vào địa ốc, thu được lợi nhuận khổng lồ. Nhưng đến nay, họ phải lĩnh đủ do lạm phát gây ra là một hệ quả tất yếu.
Theo ông Võ, trong bối cảnh hiện nay, mặc dù thị trường trầm lắng nhưng chưa thể bị đột quỵ, không gây ra tác động xấu cho thị trường tiền tệ và khủng hoảng tài chính.
Ông Võ phân tích, dư nợ tín dụng từ thế chấp bằng bất động sản đang ở mức dưới 10% tổng dư nợ, và ở con số này, dù có những đổ vỡ từ thị trường bất động sản cũng không gây đổ vỡ cho thị trường tai chính.
Thêm vào đó, giá bán bất động sản vẫn cao hơn mức giá thành sản xuất, bao gồm giá đất và giá xây dựng. "Các nhà đầu tư dù giảm 20%, vẫn chưa xuống tới giá thành và vẫn có lãi. Thị trường chưa thể rơi vào tình trạng vỡ bóng bóng", ông Võ cho hay.
Theo Dân Trí