Nắm rõ quy luật thị trường khi mở rộng giao thương với Ấn Độ

Cập nhật: 15-12-2022 | 09:40:14

Thời gian qua, thị trường Ấn Độ đang mở cửa mạnh mẽ qua việc vừa ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và có thể ký với một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Anh, EU, Canada, cộng đồng các nước vùng Vịnh.

Tuy nhiên, để kiểm soát chất lượng hàng hóa và bảo đảm sự công bằng trên thị trường, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành Quy tắc Hải quan (Quản lý Quy tắc xuất xứ theo Hiệp định Thương mại - CAROTAR năm 2020). Do đó, các chuyên gia lưu ý doanh nghiệp khi xuất khẩu vào Ấn Độ phải cung cấp thông tin chi tiết về quốc gia xuất xứ (COO) cho các cơ quan chức năng nước này để tiến hành thủ tục xác minh khi cần thiết.

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ là một thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam nói chung khi dung lượng thị trường còn rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu nên xác định rõ phân khúc khách hàng muốn hướng tới, từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp. Thông tin cụ thể về đặc điểm, tập quán kinh doanh của người Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng lưu ý, khi đàm phán, ký kết hợp đồng, các điều khoản giao hàng, thanh toán phải bảo đảm lợi ích và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, hợp đồng phải được ký kết bằng văn bản với các điều khoản rõ ràng, sử dụng phương pháp thanh toán L/C trả ngay, không hủy ngang, sử dụng đơn vị giám định chất lượng (tại cảng đi hoặc tại cảng đến).

Các chuyên gia khẳng định khi ký kết hợp đồng hoặc trao đổi cần tìm hiểu rõ thông tin cá nhân và pháp nhân của đối tác như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận xuất nhập khẩu, họ tên, số điện thoại email, số tài khoản ngân hàng, số chứng minh người liên hệ, người ký hợp đồng… Đặc biệt, Ấn Độ áp dụng chính sách, nhất là chính sách đối với hàng nhập khẩu đôi khi rất bất ngờ, không báo trước như: Hạn chế nhập khẩu hương nhang; giá nhập khẩu tối thiểu đối với mặt hàng tiêu… Không chỉ vậy, đây còn là thị trường áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới, chủ yếu là các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên