Năm luật có liên quan trực tiếp đến người dân, trong đó có Luật đất đai 2013 và nhiều quy định mới sẽ phát sinh hiệu lực từ 1-7: đội nón bảo hiểm dỏm bị phạt, được gộp phép 3 năm nghỉ một lần...
Luật đất đai 2013 với nhiều thay đổi quan trọng so với Luật đất đai 2003
Năm văn bản luật (được Quốc hội thông qua năm 2013) chính thức có hiệu lực từ 1-7-2014 với nhiều thay đổi quan trọng so với quy định cũ gồm: Luật đất đai, Luật đấu thầu, Luật tiếp công dân, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Luật phòng cháy chữa cháy.
Trong đó, Luật đất đai 2013 - văn bản luật quan trọng với nhiều nội dung được điều chỉnh, bổ sung có liên quan đến vấn đề sử dụng đất, công khai quy hoạch, cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được nhiều người quan tâm chờ đơi.
Đảm bảo quyền lợi của người sử dụng khi thu hồi đất
Theo Luật đất đai 2013, từ 1-7, nhà nước chỉ thu hồi đất với các sự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp được HĐND cấp tỉnh xem xét qua chủ trương thu hồi đất, loại bỏ những trường hợp thu hồi đất làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất.
Luật cũng quy định chế tài mạnh đối với chậm đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng, quy định đầy đủ, rõ ràng về những trường hợp thật cần thiết mà nhà nước phải thu hồi. Theo luật mới, giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất mà áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Điểm quan trọng nữa của luật đất đai 2013 là quy định rõ nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, theo thời hạn sử dụng đất.
Luật đất đai 2013 cũng quy định cụ thể các trường hợp sử dụng đất được và không được cấp sổ đỏ, quy định về cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất (trường hợp có hoặc không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất trước ngày 1-7-2014.
Để Luật đất đai có thể thi hành ngay từ ngày 1-7, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn như các Nghị định 43/2014/NĐ-CP, 44/2014/NĐ-CP, 45/2014/NĐ-CP và 46/2014/NĐ-CP để hướng dẫn.
Một trong những điểm đáng chú ý trong các nghị định trên là quy định cụ thể 8 trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất; vẫn ngoại lệ cấp quyền sử dụng đất đối với thửa đất đang sử dụng có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu (dưới 30m2)
Trong đó, thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày văn bản quy định của UBND cấp tỉnh về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực thi hành mà diện tích thửa đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh, không tranh chấp, thì chủ sử dụng đất sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Xử lý nghiêm vi phạm trong đấu thầu
Nhằm tăng cường chế tài xử lý vi phạm trong đấu thầu, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung một số hành vi bị cấm trong đấu thầu, quy định thêm biện pháp xử phạt đối với cá nhân được giao trách nhiệm xử phạt nhưng không tuân thủ quy định, các biện pháp phạt bổ sung như đăng tải công khai vi phạm, buộc bồi thường thiệt hại...
Luật đấu thầu 2013 quy định điều chỉnh thêm các dự án đầu tư phát triển của DN nhà nước (không phân biệt nguồn vốn) và mua sắm (nguồn vốn NN) cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công.
Luật quy định rõ hơn với 4 phương thức đấu thầu: phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ; một giai đoạn hai túi hồ sơ; hai giai đoạn một túi hồ sơ; hai giai đoạn hai túi hồ sơ. Nhà thầu nước ngoài đấu thầu quốc tế tại VN phải liên danh với nhà thầu trong nước.
Phát hiện lãng phí được khen thưởng
Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí 2013 quy định rõ các trường hợp lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước; mua sắm, quản lý, sử dụng phương tiện làm việc; tiết kiệm chống lãnh phí trong quản lý đất đai, tài nguyên…
Luật cũng bổ sung nhiều quy định khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong thực hành tiết kiệm, phát hiện lãng phí, chống lãng phí…
Luật tiếp công dân: Đảm bảo an toàn cho người tố cáo
Luật tiếp công dân mới quy định các cơ quan phải có trách nhiệm tiếp công dân một cách công khai, dân chủ tại trụ sở cơ quan, đảm bảo quyền lợi của người dân, an toàn cho người tố cáo.
Để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, Luật quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân. Người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình, trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng.
Được kinh doanh dịch vụ Phòng cháy chữa cháy
Điểm mới nhất của Luật phòng cháy chữa cháy là cho kinh doanh dịch vụ PCCC.
Kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và các điều kiện khác.
Luật cũng bổ sung quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở hạt nhân, sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ…Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cũ nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, cũng như tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Đội mũ bảo hiểm dỏm bị phạt
Từ 1-7, thực hiện kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lực lượng chức năng trên cả nước sẽ đồng loạt ra quân xử phạt các vi phạm về sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, lần này kể cả người sử dụng, đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn khi lưu thông trên đường cũng sẽ bị xử phạt.
Theo đó, người đi mô tô, xe gắn máy đội mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm nhưng không đủ các thành phần (vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động, quai đeo; không có tem CR, không có nhãn hàng hóa...) sẽ bị cho là không đội mũ bảo hiểm và sẽ bị xử phạt với mức tương tự như không đội mũ bảo hiểm (từ 100.000 đến 200.000 đồng).
Cán bộ công chức được gộp phép 3 năm nghỉ một lần
Cán bộ, công chức có thể thỏa thuận với thủ trưởng cơ quan, đơn vị để nghỉ phép gộp tối đa 3 năm một lần - quy định này theo thông tư số 57/2014/TT-BTC ngày 6-5-2014 do Bộ Tài chính ban hành. Bên cạnh đó, đối với những ngày phép chưa nghỉ, cán bộ công chức được thanh toán tiền lương theo quy định.
Phi công được lái máy bay tới 65 tuổi
Độ tuổi tối đa của phi công lái tàu bay (máy bay) sẽ được nâng lên 65 tuổi kể từ 1-7-2014 theo Thông tư số 14/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về Quy chế an toàn hàng không dân dụng (hiện nay tối đa là 60 tuổi).
Thông tư quy định: người khai thác tàu bay khi tham gia vào khai thác tàu bay thương mại đối với tàu bay có trọng lượng cất cánh tối đa trên 5700 kg không được sử dụng người lái tàu bay trên 65 tuổi đối với nam và trên 60 tuổi đối với nữ để làm PIC hoặc F/O.
Người lái tàu bay khi tham gia vào khai thác tàu bay thương mại để làm PIC hoặc F/O đối với tàu bay có trọng lượng cất cánh tối đa trên 5700 kg không được vượt quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
Người lái tàu bay trong độ tuổi từ đủ 65 tuổi đối với nam, từ đủ 55 đến đủ 60 đối với nữ khi tham gia vào khai thác tàu bay thương mại phải bay cùng với thành viên còn lại dưới 60 tuổi đối với nam hoặc dưới 55 tuổi đối với nữ.
Doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp phải có vốn pháp định 10 tỷ đồng
Đây là quy định của nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp vừa được Chính phủ.
Bên cạnh đó, hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp phải đáp ứng các quy định của pháp luật có liên quan, nghiêm cấm việc yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hoá dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cấm kinh doanh theo mô hình kim tự tháp...
Có thể lấy bằng thạc sĩ trong 1 năm
Theo Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo, thời gian đào tạo thạc sĩ từ 1- 2 năm.
Thời gian tối thiểu 1 năm học được áp dụng đối với những ngành, chuyên ngành mà ở trình độ đại học có thời gian đào tạo từ 5 năm học trở lên và khối lượng kiến thức tích lũy được từ 150 tín chỉ trở lên. Thời gian đào tạo thạc sĩ từ 1,5-2 năm áp dụng đối với những ngành, chuyên ngành còn lại.
Theo TTO