Nan giải tìm vốn rẻ

Cập nhật: 02-04-2011 | 00:00:00

Việc các ngân hàng thương mại đang phải cơ cấu lại khách hàng, dư nợ theo hướng thu hẹp dần, nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới ngưỡng 20% của Ngân hàng Nhà nước cùng với lãi suất huy động đầu vào còn cao… đã làm cho các doanh nghiệp vẫn khó có cơ hội tiếp cận vốn lãi suất rẻ từ ngân hàng.

Thu hẹp sản xuất

Quý 1-2011 tăng trưởng dư nợ của hệ thống ngân hàng thương mại khá chậm và nhiều dự báo tăng trưởng dư nợ vẫn khó có thể cải thiện trong 2 quý đầu năm 2011 và kỳ vọng ở 6 tháng cuối năm. Nhất là hiện nay ở các ngân hàng quy mô nhỏ, do tỷ lệ dư nợ tín dụng thuộc lĩnh vực phi sản xuất chiếm phần lớn trong tổng dư nợ nên đang phải từng bước cơ cấu lại tín dụng. Đồng thời, thực hiện chủ trương kiểm soát dư nợ dưới mức 20% trong năm nay và thu hẹp dần tín dụng phi sản xuất nên lãnh đạo các ngân hàng nhỏ cho biết khó có thể đáp ứng được nhu cầu vốn của khách hàng trong thời gian từ nay đến tháng 6-2010. Không chỉ với các ngân hàng vừa và nhỏ mà ngay cả những ngân hàng lớn cũng cho hay khó có thể đẩy mạnh dư nợ trong bối cảnh thị trường hiện nay cũng như những tháng tới.

Một lãnh đạo của ACB cho biết dư nợ tín dụng của ngân hàng dường như không mấy tăng trưởng so với con số đạt được cuối năm trước. Mặc dù dư nợ cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất của ACB chiếm tỷ lệ không cao trong tổng dư nợ nhưng dù muốn dù không cũng không thể đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực phi sản xuất trong lúc này. Thêm vào đó, ngân hàng sẽ cơ cấu lại nợ vay theo hướng chọn lọc kỹ khách hàng mới nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát tín dụng của NHNN.

Các doanh nghiệp vay vốn sản xuất được các ngân hàng ưu tiên cho vay.

Một trong lý do khác dẫn đến tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng qua chậm là áp lực lãi suất thỏa thuận còn “neo” ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận vốn ngân hàng trước Tết Nguyên đán giờ đang phải xoay xở mọi cách để trả nợ vay, giảm áp lực lãi suất sử dụng vốn. Hiện mức lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng được các ngân hàng áp dụng phổ biến đối với khách hàng doanh nghiệp ở mức 19%-20%/năm và thậm chí ở mức 22%/năm ở ngân hàng nhỏ. Một trưởng phòng giao dịch ở Agribank tại TPHCM cho biết, với mức cho vay 18%/năm hiện nay của Agribank (thấp hơn nhiều ngân hàng khác) nhưng doanh nghiệp cũng không dám vay bởi lẽ tỷ suất sinh lời trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cao lắm cũng chỉ từ 24%-25%, trừ đi chi phí lương và giá cả nguyên vật liệu tăng doanh nghiệp không có lời.

Theo vị lãnh đạo này, tại phòng giao dịch của ông nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tính đến phương án thu gom tiền trả nợ ngân hàng (gốc + lãi) một lần để khỏi chịu lãi suất cao và thu hẹp sản xuất kinh doanh, đồng thời tiết giảm bớt nhân công, chỉ giữ lại lao động có tay nghề cao, chấm dứt các hợp đồng lao động thời vụ...

Giải pháp nào?

Theo PSG TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, trong bối cảnh kiềm chế lạm phát thì lãi suất cho vay cao là “liều thuốc đắng” cho nền kinh tế mà doanh nghiệp và ngân hàng không thể tránh khỏi. Đây là thời điểm các doanh nghiệp phải tính toán lại phương án sản xuất kinh doanh của mình để tránh rủi ro thị trường lẫn rủi ro về lãi suất.

Tuy nhiên, theo ông Ngân, khả năng lãi suất giảm vào đầu quý 3 tới là khả thi. Bởi khi kiềm chế được sự biến động bất thường của USD, quyết liệt chống tình trạng USD hóa và kiểm soát được thị trường ngoại tệ chợ đen thì cơ hội giảm lãi suất VND là rất lớn và lãi suất tiền đồng có khả năng sẽ giảm trong cuối tháng 6-2011 tới. Lúc này, dư nợ tín dụng sẽ có cơ hội cải thiện tốt hơn so với hiện nay. Hơn nữa, đến một lúc nào đó các ngân hàng cũng buộc phải giảm lãi suất cho vay để phát triển tín dụng trước áp lực lợi nhuận lớn trong năm tài chính.

Nhiều doanh nghiệp tranh thủ nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng việc kéo dài lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế nên thời gian kiềm chế lạm phát nên được rút càng ngắn càng tốt, khi đó lãi suất mới có thể hạ nhiệt. Vì vậy, trong thời gian tới sẽ phải có biện pháp để kéo giảm dần lãi suất xuống.

Thống đốc cũng cho biết NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, cơ cấu tín dụng để tập trung vốn phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ… Vì vậy, việc giảm lãi suất trong thời gian tới đối với doanh nghiệp khu vực sản xuất có thể diễn ra sớm. Thực tế gần đây hàng loạt các ngân hàng thương mại cũng đã công bố kế hoạch bơm vốn tín dụng cho khu vực sản xuất. Đơn cử, tuần qua VietinBank cho biết sẽ dành 20.000 tỷ đồng cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh công nghiệp phụ trợ của 3 ngành là cơ khí chế tạo, dệt may và da giày.

Theo đó, những doanh nghiệp thực hiện các dự án mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư xây dựng mới vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Không chỉ thế, nhiều ngân hàng cổ phần cũng tìm nguồn vốn rẻ dài hạn từ các định chế tài chính nước ngoài để bơm vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cụ thể, tuần qua Sacombank đã ký với Định chế tài chính hỗ trợ phát triển Hà Lan (FMO) hợp đồng vay vốn cấp 2 trị giá 150 triệu USD với thời hạn vay 10 năm nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo một chuyên gia ngân hàng, trong bối cảnh lãi suất cho vay VND vẫn còn cao như hiện nay các ngân hàng sẽ ưu tiên vốn USD rẻ cho doanh nghiệp xuất khẩu theo quy định của thông tư 07.

Việc tìm nguồn USD giá rẻ ở nước ngoài cũng là hướng đến của các ngân hàng thương mại hiện nay. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng đủ uy tín và thương hiệu để có thể vay vốn rẻ ở nước ngoài. Vì vậy, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục chịu một mức lãi suất cao trong vài tháng tới.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=355
Quay lên trên