Trong những năm qua, công tác bảo vệ tài nguyên nước luôn được các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm. Từ đó, giúp người dân, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nâng cao được ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn nước.
Hồ Dầu Tiếng, nguồn nước quan trọng đối với các tỉnh, thành trong khu vực
Nâng cao chất lượng
Nguồn khai thác sử dụng nước của Bình Dương từ 2 nguồn cơ bản, gồm nguồn nước dưới đất và nguồn nước mặt. Bình Dương có nguồn nước dưới đất chủ yếu là nước nhạt với 5 tầng chứa nước chính, gồm 4 tầng chứa nước lỗ hổng và 1 tầng chứa nước khe nứt. Tổng trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh khoảng 2.180.000m3/ngày đêm, tương đương khoảng 797 triệu m3/năm. Về nước mặt, tỉnh được bao bọc bởi 3 sông lớn là Sài Gòn, Đồng Nai và sông Bé, cùng với 1 sông nội tỉnh là Thị Tính. Bên cạnh nguồn nước sông, trên địa bàn tỉnh còn có 7 hồ chứa với tổng dung tích hữu ích lên tới 1.138 triệu m3 nước, là nguồn trữ lượng dồi dào để khai thác, sử dụng. Trong đó, 2 hồ Phước Hòa và Dầu Tiếng là các hồ chứa liên tỉnh thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên và Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Bình Dương thực hiện quy hoạch ngành tài nguyên nước giai đoạn 2016- 2025, được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2016 và đưa vào triển khai thực hiện. Bước đầu việc thực hiện quy hoạch tài nguyên nước đã có những dấu hiệu rất tốt, bảo đảm được phân bổ hài hòa nguồn nước giữa nước mặt và nước dưới đất. Lượng nước mặt đã được khai thác sử dụng nhiều hơn, lượng nước dưới đất ở một số vùng có nguy cơ suy thoái đã có dấu hiệu phục hồi”.
Hồ Dầu Tiếng là hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, có vai trò quan trọng trong điều phối nước cho sông Sài Gòn, kênh phía đông và phía tây. Hiện hồ do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa quản lý. Để bảo đảm môi trường chất lượng nước đạt chỉ tiêu, an toan hồ đập, thời gian qua Bình Dương đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bình Phước, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa tăng cường công tác quản lý, triển khai nhiều giải pháp. Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, cho biết: “Trước nhu cầu bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước, an toàn hồ đập, công ty đã đề xuất Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh liên quan chỉ đạo các đơn vị hoạt động khai thác cát chấp hành nghiêm túc thời gian khai thác trong lòng Hồ Dầu Tiếng từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa và giảm công suất. Hai điều kiện đó sẽ góp phần bảo đảm chất lượng nguồn nước của hồ, đạt được chỉ tiêu cơ lý, phục vụ nhu cấu cấp nước của tỉnh, thành phố trong hệ thống”.
Đáp ứng nhu cầu sử dụng
Tại Bình Dương, nguồn nước mặt cơ bản do Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE) khai thác và phân phối. BIWASE là doanh nghiệp được UBND tỉnh giao đầu tư, quản lý và khai thác, cung cấp nguồn nước sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân trong sinh hoạt và hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh. Nhằm góp phần ổn định đời sống người dân, phát triển kinh tế, BIWASE đã luôn chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng nguồn nước, chung tay bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường.
Đến nay, tổng công suất cấp nước đạt gần 700.000m3/ngày đêm, đứng trong top 5 tỉnh, thành có quy mô lớn với công nghệ xử lý tốt và hiện đại bậc nhất cả nước. Phạm vi phục vụ cấp nước được bao phủ các đô thị, thị trấn và trên 60% các xã, phường trên toàn tỉnh. Hiện nay, nguồn nước thô công ty lấy để sản xuất ra nước sạch cung cấp cho khách hàng được khai thác từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và kênh từ hồ Phước Hòa. Đối với nguồn nước ngầm công ty đang thực hiện chủ trương của tỉnh giữ lại các giếng bơm ở chế độ dự phòng. Nước sau khi được xử lý được cấp ra có chất lượng đạt tiêu chuẩn QCVN 01:2009/ BYT của Bộ Y tế. Các hệ thống quản lý chất lượng đang được áp dụng theo Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 và Hệ thống quản lý môi trường BS EN ISO 14001:2004/Cor1:2009.
Ông Dương Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty BIWASE, cho biết: “Trong thời gian qua, công tác bảo vệ nguồn nước, khai thác và thoát ra mạng ống đều được công ty quan tâm, trong đó chú trọng tỷ lệ chống thất thoát nước. Đây cũng là vấn đề ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước. Nếu tỷ lệ thất thoát nước cao, phần nguồn nước bẩn có thể xâm nhập vào mạng ống lớn. Do đó, với sự quyết tâm của lãnh đạo công ty, sự năng động sáng tạo của cán bộ, công nhân viên, đến nay tỷ lệ thất thoát nước của công ty đang giữ mức 5,45%. Chính vì vậy công tác này vừa bảo đảm cho doanh thu, góp phần phát triển kinh tế địa phương trong thời gian tới”.
Công ty BIWASE hiện có 3 chi nhánh cấp nước sạch, gồm: Chi nhánh cấp nước Khu liên hợp, Chi nhánh cấp nước Dĩ An và Chi nhánh cấp nước Thủ Dầu Một. Song song với nhiệm vụ cấp nước, nâng cao chất lượng nguồn nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng, các chi nhánh cấp nước của công ty đều luôn chú trọng giảm thiểu thất thoát nước, bảo vệ môi trường. Ông Phạm Văn Chiến, Giám đốc Chi nhánh cấp nước Khu liên hợp, cho biết trong quá trình cấp nước, chi nhánh luôn đáp ứng các tiêu chí quy định. Để bảo đảm nguồn nước thô phục vụ cho nhà máy xử lý nước, chi nhánh đáp ứng toàn bộ quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường như gắn những biển cảnh báo của họng thu; lắp những biển báo về khu vực khai thác nước thô của nhà máy Tân Vĩnh Hiệp, cách họng thu 1km. Ngoài ra, chi nhánh cử nhân viên thường xuyên đi kiểm tra các dòng suối chảy ra sông Đồng Nai, vận động người dân cùng chi nhánh bảo đảm chất lượng nước thô một cách tốt nhất cho sản xuất”.
Để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp, tổ chức chung tay bảo vệ nguồn nước, trong thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tuyên truyền phổ biến đến người dân và các tổ chức, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ đối với cơ sở. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
PHƯƠNG LÊ