Thời gian qua, công tác vận động nữ công chức, viên chức, lao động trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động, chất lượng ngày càng được nâng cao. Việc thành lập, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Nữ công quần chúng được các cấp công đoàn trong tỉnh tập trung thực hiện.
Chú trọng chính sách nữ giới
Bình Dương hiện có gần 1,3 triệu công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), trong đó có khoảng 56% lao động nữ. Với đặc điểm này, các cấp công đoàn trong tỉnh đã từng bước nâng cao chất lượng hoạt động Ban Nữ công. Cụ thể, đến nay toàn tỉnh có 2.971 công đoàn cơ sở (CĐCS) trên tổng số 3.145 CĐCS đủ điều kiện thành lập Ban Nữ công. Nhiều Ban Nữ công CĐCS đã phát huy rõ chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình công tác nữ công của đơn vị, doanh nghiệp.
CĐCS Công ty Motomotion (TX.Bến Cát) tặng quà dịp 8-3 cho đoàn viên nữ
Ghi nhận của P.V cho thấy, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các địa phương: TP.Tân Uyên, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát… đã thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát chế độ, chính sách đối với lao động nữ; kịp thời giải quyết hoặc đề xuất, phản ánh những vướng mắc, kiến nghị của lao động nữ đối với chính quyền, công đoàn, nhất là các chế độ thai sản. Hàng năm, công đoàn cấp trên cơ sở đều tổ chức các hội nghị, tọa đàm tìm hiểu, lắng nghe, nắm vững tâm tư nguyện vọng, những ý kiến đề xuất hoặc kiến nghị của nữ đoàn viên, người lao động, tìm biện pháp giải quyết kịp thời, như: Chính sách hỗ trợ lao động nữ, tổ chức các hoạt động cho lao động nữ nhân dịp lễ, tết, ngày 8-3 và 20-10 hàng năm.
Ông Lê Minh Hoàng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Tân Uyên, chia sẻ thời gian qua, LĐLĐ TP.Tân Uyên đã tập trung chỉ đạo CĐCS triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình công tác nữ công, tạo điều kiện để nữ CNVCLĐ yên tâm lao động, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Song song đó, Ban Nữ công đã tổ chức, hướng dẫn, vận động nữ đoàn viên lao động, học tập, quán triệt hoặc tham gia các hoạt động mang tính đặc thù về giới theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Hướng về lao động nữ
Nhận thức rõ vai trò của phong trào nữ CNVCLĐ và hoạt động nữ công trong phong trào CNVCLĐ, các cấp công đoàn trong tỉnh đang củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Nữ công quần chúng. Cụ thể mới đây, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao chất lượng công tác nữ công. Theo bà Ong Thụy Hoàng Mai, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thời gian qua, công tác vận động nữ CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động, chất lượng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, hoạt động nữ công ở một số đơn vị chưa thật sự hiệu quả, thiết thực. Do đó, việc thường xuyên tập huấn cho cán bộ CĐCS về nhiệm vụ, nội dung, các phương pháp và kỹ năng tổ chức hoạt động của Ban Nữ công là hết sức cần thiết.
Công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương tổ chức hội thi “Thời trang từ vật liệu tái chế” giúp nhiều đoàn viên nữ thể hiện tài năng của mình
Thực tiễn cho thấy, các cấp công đoàn trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn về nâng cao chất lượng công tác nữ công nhằm giúp cán bộ CĐCS có dịp trao đổi, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, cách thức trong việc tổ chức các hoạt động nữ công tại cơ sở từ thực tiễn của đơn vị. Qua trao đổi đã giúp các Ban Nữ công CĐCS có thể nghiên cứu, áp dụng phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, doanh nghiệp. Hoạt động này cũng giúp các Ban Nữ công nâng cao nghiệp vụ công tác nữ công cho đội ngũ cán bộ công đoàn, nâng cao vai trò tham mưu cho Ban Chấp hành CĐCS nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ theo quy định của pháp luật, nhất là công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức công đoàn liên quan đến nữ CNVCLĐ thông qua tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới…
Trong các nhiệm vụ của mình, Ban Nữ công CĐCS cũng cần cố gắng đa dạng hóa các hình thức hoạt động nữ công, như: Tọa đàm, giao lưu, tổ chức các diễn đàn, sinh hoạt chuyên đề nhằm thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia. Song song đó, các Ban Nữ công CĐCS cũng cần chú trọng các hoạt động bồi dưỡng lao động nữ, tăng khả năng tiếp cận của phụ nữ tại cơ quan, đơn vị…
ĐẾN NAY, TOÀN TỈNH CÓ 2.971 CĐCS TRÊN TỔNG SỐ 3.145 CĐCS ĐỦ ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP BAN NỮ CÔNG. NHIỀU BAN NỮ CÔNG CĐCS ĐÃ PHÁT HUY RÕ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA MÌNH TRONG VIỆC NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG KẾ HOẠCH, NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NỮ CÔNG CỦA ĐƠN VỊ, DOANH NGHIỆP. |
HỒ VĂN