Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26-12) năm 2024 không chỉ đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, mà còn kêu gọi mỗi cá nhân và gia đình hành động vì một cộng đồng khỏe mạnh, văn minh và thịnh vượng.
Khám trẻ sơ sinh tại Trung tâm Y tế TP.Thuận An, góp phần nâng cao chất lượng dân số
Sức khỏe cá nhân là nền tảng phát triển xã hội
Tháng 12 hàng năm được chọn là “Tháng hành động quốc gia về dân số”. Ngày 19-5- 1997 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 326/QĐ-TTg lấy ngày 26-12 hàng năm là Ngày Dân số Việt Nam với mục tiêu nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội... trong thực hiện công tác dân số kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước.
Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam năm 2024 có chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà còn là lời kêu gọi mỗi cá nhân và gia đình hành động vì một cộng đồng khỏe mạnh, văn minh và thịnh vượng.
Theo bà Lê Thị Tuyết Bình, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bình Dương, chất lượng dân số không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội thịnh vượng mà còn là nền tảng để mỗi gia đình hướng tới hạnh phúc bền vững. “Những giải pháp như tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát bệnh tật trước sinh và sơ sinh không chỉ bảo vệ sức khỏe của thế hệ hiện tại mà còn bảo đảm tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau”, bà Bình cho biết.
Năm 2024, công tác dân số bước sang năm thứ 5 thực hiện chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. Những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về dân số và phát triển được đẩy mạnh; đặc biệt việc thực hiện mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển đã góp phần quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
“Tháng Hành động quốc gia về dân số là dịp để mỗi người nhận thức sâu sắc rằng sức khỏe cá nhân chính là nền tảng cho sự phát triển chung của xã hội. Bình Dương đang không ngừng nỗ lực cải thiện các dịch vụ y tế, nâng cao nhận thức cộng đồng và triển khai nhiều chương trình thiết thực nhằm bảo vệ sức khỏe toàn dân”. (Bà Lê Thị Tuyết Bình, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bình Dương) |
Hành động vì tương lai khỏe mạnh
Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp. Trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng, sức khỏe cộng đồng là yếu tố nền tảng bảo đảm sự phát triển toàn diện của tỉnh. Vì vậy, thời gian qua, công tác dân số của tỉnh không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát số lượng mà còn tập trung vào nâng cao chất lượng dân số thông qua hàng loạt giải pháp thiết thực, cụ thể. Điển hình là các hoạt động, như: Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi, trẻ sơ sinh, để trẻ em được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Thúc đẩy bình đẳng giới, phòng tránh tảo hôn, chăm sóc sức khỏe sinh sản thanh niên, vị thành niên, bảo vệ tương lai thế hệ trẻ, tạo điều kiện để trẻ em sinh ra trong môi trường phát triển tốt nhất. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nâng cao nhận thức cho người cao tuổi tích cực tham gia khám sức khỏe định kỳ; phát hiện, quản lý điều trị bệnh kịp thời, giúp tăng số năm sống khỏe, thích ứng với giai đoạn già hóa dân số.
“Chúng tôi mong muốn mỗi người dân hãy hành động từ những việc nhỏ nhất như khám sức khỏe định kỳ, tìm hiểu kiến thức sức khỏe sinh sản và tham gia tích cực vào các chương trình truyền thông của tỉnh. Cùng chung tay, chúng ta sẽ xây dựng một Bình Dương khỏe mạnh, một Việt Nam thịnh vượng”, bà Lê Thị Tuyết Bình nhấn mạnh.
Bình Dương là một trong 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp Tổng tỷ suất sinh của toàn tỉnh có xu hướng giảm sâu so với mức sinh thay thế (mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ, sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng duy trì nòi giống). Dự báo xu hướng mức sinh thấp sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo và tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Mức sinh thấp kéo theo nhiều hệ lụy như: Suy giảm quy mô dân số, thiếu hụt nguồn lao động, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số... Để đạt mục tiêu mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ nhằm ổn định quy mô, cơ cấu dân số và tạo nguồn lực cho sự phát triển tương lai rất cần có sự chung tay của toàn hệ thống chính trị và mỗi người dân trong tỉnh, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. |
KIM HÀ