Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vì sức khỏe nhân dân

Cập nhật: 16-12-2016 | 07:33:17

Ngoài những khó khăn thách thức liên quan đến các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, trong giai đoạn 2010-2015, Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng còn phải đối mặt với những nguy cơ bùng phát trở lại các loại dịch bệnh. Trước những vấn đề ấy, đòi hỏi Ban lãnh đạo ngành y tế và hệ thống y tế trên địa bàn phải không ngừng nỗ lực, đoàn kết, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đặc biệt là trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Những kết quả mà ngành y tế đã đạt được hàng năm trong giai đoạn 2010-2015 đã thể hiện sự cố gắng, quyết tâm, đồng lòng từ Sở Y tế đến các đơn vị trực thuộc.

 Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh

 Nâng cao các hoạt động y tế

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, điều đáng ghi nhận trong giai đoạn này là trên địa bàn tỉnh không có dịch lớn xảy ra. Một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới xuất hiện như cúm A/H1N1, cúm A/H5N, dịch bệnh tay chân miệng, bệnh sốt phát ban dạng sởi và bệnh sởi… đã được khống chế kịp thời. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như sốt rét, sốt xuất huyết được khống chế, hạn chế thấp nhất người mắc và tử vong. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả. Tính đến nay, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi giảm còn 9,2% (so với mục tiêu nghị quyết là giảm còn 13%); tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi giảm còn dưới 7%o (so với mục tiêu nghị quyết lần lượt là 9%o và 11%o); tỷ suất chết mẹ dưới 17%ooo (so với nghị quyết là 40%ooo); duy trì mức sinh thay thế một cách vững chắc; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng các loại vắc xin gây miễn dịch đầy đủ đạt 100%; hạn chế đến mức thấp nhất số vụ ngộ độc thực phẩm, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm…

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) là mục tiêu mà ngành y tế rất chú trọng và được các cơ sở KCB quan tâm thực hiện trong quá trình hoạt động của mình. Đời sống người dân ngày càng phát triển, nhu cầu KCB cũng nâng lên. Để đáp ứng nhu cầu đó, hàng năm, các bệnh viện tuyến tỉnh và các cơ sở KCB tuyến huyện đã đầu tư, đưa vào áp dụng nhiều trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao phục vụ tốt công tác KCB, như: chụp CT Scanner, máy oxy cao áp, máy tạo nhịp tim tạm thời trong cấp cứu tim mạch, đặt stent mạch vành… Công tác chỉ đạo tuyến và Đề án 1816 của Bộ Y tế cũng được triển khai có hiệu quả. Nhiều kỹ thuật mới từ các đơn vị tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện được chuyển giao cho tuyến dưới. Từ đó, chất lượng y tế trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế tỉnh nhà cũng được nâng lên đáng kể.

Vì sức khỏe nhân dân

Tính đến cuối năm 2015, toàn ngành có 14 đơn vị y tế tuyến tỉnh, 18 đơn vị tuyến huyện (9 phòng và 9 trung tâm y tế), 17 phòng khám đa khoa khu vực và 91 trạm y tế tuyến xã, 2 bệnh viện ngành, 2.392 cơ sở y tế ngoài công lập. Hầu hết các đơn vị y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện đã được đầu tư xây dựng kiên cố, mua sắm trang thiết bị theo quy định của ngành và được đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, khám chữa bệnh, phòng bệnh. Từ đó, chất lượng hoạt động của các đơn vị đã được nâng cao, phát huy hiệu quả hơn trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Một sự kiện y tế nổi bật trong giai đoạn 2010-2015 là ngành y tế đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh khởi công xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh 1.500 giường. Công trình này được thiết kế có đầy đủ các khoa phòng của một bệnh viện đa khoa hạng I. Với quy mô về cơ sở hạ tầng, cùng các dịch vụ khám, chẩn đoán và thực hiện các nghiệp vụ chữa trị chuyên sâu công nghệ cao, công trình khi đi vào sử dụng sẽ giải quyết được tình trạng quá tải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện nay; đáp ứng nhu cầu về KCB, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Bên cạnh đó, một số công trình y tế khác như Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện chuyên khoa Tâm thần.… cũng được khởi động. “Những công trình y tế trọng điểm này sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, cùng với hệ thống y tế công lập và ngoài công lập hiện có trên địa bàn tỉnh sẽ đưa ngành y tế phát triển lên một tầm cao mới. Những dịch vụ y tế mới chuyên sâu, chất lượng cao đang dần được hình thành tại các cơ sở y tế chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, không chỉ người dân Bình Dương sẽ có cơ hội được chăm sóc, nâng cao sức khỏe trong điều kiện tốt hơn, mà còn góp phần phục vụ cho người dân các tỉnh lân cận. Ở tuyến huyện, xã, các cơ sở KCB cũng được đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị y tế, từng bước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phục vụ nhân dân”, bác sĩ Hà nói.

Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, vấn đề bảo đảm nguồn nhân lực y tế luôn được tỉnh và ngành y tế chú trọng. Để có đủ nguồn nhân lực phục vụ trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh và ngành y tế Bình Dương rất quan tâm đến việc đào tạo, thu hút nhân lực. Để bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế, trong thời gian này, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt “Đề án bảo đảm nguồn nhân lực y tế tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, phải đạt 7,5 bác sĩ/10.000 dân; 1,7 dược sĩ /10.000 dân, 42 cán bộ y tế/10.000 dân... Song song đó, tỉnh và ngành y tế cũng rất quan tâm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đào tạo theo địa chỉ và thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực từ các địa phương khác đến công tác lâu dài trong ngành y. Ngoài ra, ngành y tế còn thực hiện nhiều chế độ khác nhằm bảo đảm nguồn nhân lực, như: Chế độ thu hút đối với viên chức y tế về công tác ở các xã thuộc vùng khó khăn; hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học; hỗ trợ cho cán bộ, viên chức chuyên môn y tế công tác tại các cơ sở y tế công lập; hỗ trợ cho viên chức y tế học đường… Tính đến cuối năm 2015, toàn ngành hiện có 6.550 cán bộ y tế, trong đó y tế công lập 3.799 người và y tế ngoài công lập 1.467 người; tỷ lệcán bộ y tế/10.000 dân là33,86, trong đó tỷlệ bác sĩ/10.000 dân là 6,8 (trong đó y tế công lập là 3,29 bác sĩ/10.000 dân), thực hiện được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần IX; 100% trạm y tế có bác sĩ phục vụ; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 100% khu ấp có nhân viên y tế hoạt động. Tỷsố giường bệnh thực tế/10.000 dân đạt 27,1 giường, vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao năm 2015 là 22,6 giường. Công suất sửdụng giường bệnh trung bình tuyến tỉnh đạt 109,6% và tuyến huyện 87,6%.

Nhìn chung, trong giai đoạn 2010-2015, toàn ngành y tế cơ bản triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phần lớn các chỉ tiêu thực hiện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Những thành tích của ngành y tế được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận trong thời gian qua là nguồn cổ vũ, khích lệ lớn lao để toàn ngành tiếp tục phấn đấu nhiều hơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên