Thời gian qua, các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa văn nghệ (gọi chung là hội thi) trên địa bàn tỉnh luôn bám sát tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Để các hội thi ngày càng phát huy hiệu quả, phản ánh thực chất phong trào tại các địa phương thì cần lắm sự quan tâm, đầu tư phát triển lực lượng nòng cốt từ cơ sở.
Quan tâm xây dựng lực lượng văn hóa văn nghệ nòng cốt là cơ sở để ngày càng nâng cao chất lượng phong trào ở địa phương
Nhiều chuyển biến tích cực
Để phong trào văn hóa nghệ thuật trong tỉnh ngày càng phát triển theo đúng định hướng, trong 2 năm (2019-2020), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức được 13 hội thi. Các hội thi diễn ra rất sôi nổi với chất lượng ngày càng cao.
Theo ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, từ kết quả tổ chức hội thi trong 2 năm qua cho thấy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào phát triển mạnh ở một số địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong tỉnh cũng như bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa dân gian dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII.
Không chỉ tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, các hội thi còn được đưa về cơ sở theo hình thức đăng cai. Các đơn vị đăng cai tổ chức hội thi cấp tỉnh đều có sự phối hợp tốt với Ban tổ chức trong việc chuẩn bị tổ chức tốt hội thi. Đặc biệt, UBND huyện, thị, thành phố nơi các đơn vị đăng cai rất quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cho công tác đăng cai cũng như cử lãnh đạo UBND đến dự khai mạc, bế mạc hội thi. Điều đó đã thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương đến phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng của Bình Dương nói chung và địa phương đăng cai nói riêng.
Chú trọng chất lượng các phong trào
Theo ông Ngô Thế Huy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Phú Giáo, những năm gần đây, địa phương có nhiều bạn trẻ theo học Nhạc viện, Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh đã tham gia biểu diễn các chương trình, hội thi ở địa phương. Trong 2 năm qua, để tạo sự công tâm khách quan, tỉnh đã mời những người có chuyên môn cao đến từ TP.Hồ Chí Minh làm Ban Giám khảo các hội thi. Tuy nhiên, cần siết chặt hơn nữa lực lượng đội ngũ diễn viên của các địa phương sao cho người địa phương phục vụ chính địa phương mình, góp phần phát triển phong trào ở địa phương.
Trong khi đó, bà Lê Thị Dinh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thuận An cho biết, lãnh đạo thành phố rất quan tâm, sâu sát đến phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng thông qua việc đầu tư cho các chương trình, tiết mục và lực lượng diễn viên của địa phương tham gia thi diễn. Lãnh đạo các đơn vị cần nâng cao tinh thần giao lưu, học hỏi và rút kinh nghiệm đối với công tác tổ chức các cuộc thi diễn cấp tỉnh để triển khai và tổ chức tốt các hội thi tại địa phương.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Trần Thanh Sơn cho biết: “Việc mời gọi đầu tư, tài trợ, xã hội hóa cho các hội thi còn rất hạn chế, chi phí chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước cấp, do đó mức chi cho giải thưởng chưa cao so với sự đầu tư tập luyện các chương trình tham gia thi diễn. Vì vậy, các hội thi chưa thu hút được đông đảo các tập thể và cá nhân tham gia”.
Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tuy còn nhiều khó khăn và bất cập nhưng chúng ta cần phải xác định rõ mục đích của công tác là nêu cao tinh thần giao lưu hữu nghị, học hỏi lẫn nhau. Các đơn vị cần tập trung xây dựng lực lượng nòng cốt ở địa phương để ngày càng nâng chất phong trào văn hóa văn nghệ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
THỤC VĂN