Nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử

Cập nhật: 10-05-2022 | 08:41:15

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bình Dương đứng nhất cả nước về điểm trung bình môn lịch sử. Để giữ vững thành tích này ở kỳ thi năm nay, vừa qua Sở Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức cho giáo viên bộ môn cùng ngồi lại với nhau và chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp môn học này.

 Các giáo viên của tỉnh đã tham gia các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT năm 2022

 Rèn kỹ năng so sánh cho học sinh

Theo kinh nghiệm của thầy Lê Hắc Tùng, giáo viên trường THPT Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng), để giúp học sinh (HS) đạt kết quả cao ở kỳ thi tốt nghiệp, thầy đã rèn cho các em kỹ năng so sánh. Thầy Tùng nhìn nhận, trong các đề thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trắc nghiệm từ năm học 2016- 2017 đến nay, số lượng câu hỏi dạng so sánh ngày càng được chú trọng nhiều hơn, tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Dạy và học để thi theo hình thức trắc nghiệm lại đòi hỏi yêu cầu khác hơn so với hình thức tự luận. Giáo viên không chỉ cung cấp kiến thức, rèn các kỹ năng thông thường mà còn phải rèn kỹ năng làm trắc nghiệm cho HS.

Cùng với đó, HS cũng phải học cách thức để có thể xử lý nhanh nội dung kiến thức nền để hoàn thành tốt bài thi vừa có áp lực thời gian vừa đòi hỏi các cấp độ nhận thức khác nhau. Một bài thi trắc nghiệm tập hợp hết các kỹ năng học thuộc, khái quát, tổng hợp, đánh giá, nhận định, so sánh rút ra bài học lịch sử và vận dụng vào thực tiễn… nên đòi hỏi giáo viên phải rèn luyện cho HS rất nhiều, trong đó kỹ năng so sánh giữ vị trí vô cùng quan trọng.

Luôn sáng tạo trong phương pháp

Với cô Dương Quỳnh Nga, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh, cô luôn có suy nghĩ là giáo viên dạy lịch sử phải luôn cố gắng để giúp học viên trước hết là yêu thích môn lịch sử, có ý thức học tập bộ môn này và sau đó là đạt được kết quả tốt trong các kỳ thi. Trong các tiết ôn tập, cô vẫn luôn áp dụng những phương pháp mới, những cách thức truyền đạt tạo hứng thú vàphát huy được tính tích cực, chủ động của học viên nhằm góp phần nâng cao chất lượng bộ môn.

 TẠI KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2021, MÔN LỊCH SỬ CÓ 637.005 THÍ SINH DỰ THI. ĐIỂM TRUNG BÌNH MÔN LỊCH SỬ CỦA CẢ NƯỚC LÀ 4,97 ĐIỂM. BÌNH DƯƠNG CÓ ĐIỂM TRUNG BÌNH MÔN LỊCH SỬ LÀ 5,771, CAO NHẤT CẢ NƯỚC.

Theo cô Nga, đổi mới phương pháp dạy học làcông việc thường xuyên của người giáo viên nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục, giúp trang bị cho HS những kiến thức và kỹ năng vững vàng cho tương lai. Theo cô, muốn duy trì động lực của học viên, nhất là trong thế giới công nghệ với bao điều gây xao nhãng hiện nay, giáo viên cần phải linh động trong cách truyền đạt và cách thức tổ chức dạy học. “Tôi luôn tìm tòi sáng tạo phương pháp cho mỗi tiết học của mình. Sự kiên trì và sẵn lòng thử những phương pháp mới giúp học viên chinh phục những thử thách mới. Đây cũng là động lực thôi thúc tôi luôn đổi mới phương pháp dạy học để tìm ra phương pháp tối ưu nhất nhằm truyền đạt kiến thức cho học viên một cách dễ hiểu, dễ nhớ”, cô Nga chia sẻ.

Đầu tư cẩn thận cho bài giảng

Với cô Lê Thị Diệp, giáo viên trường THPT chuyên Hùng Vương (TP.Thủ Dầu Một), để nâng cao chất lượng bộ môn, khi soạn bài, giáo viên cần đầu tư công phu vàcẩn thận cho bài giảng. Khi giảng bài, giáo viên luôn chủ động, linh hoạt và sáng tạo. Cô cũng thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên và nghiêm túc nhằm thẳng vào mục tiêu chất lượng.

Qua nhiều năm đảm trách dạy HS lớp 12, cô Diệp đúc rút kinh nghiệm làtiến hành 4 bước thực hiện giải pháp. Bước 1 cô gọi là khởi động. Ngay khi bắt đầu năm học mới, khi được phân công dạy các lớp 12 xã hội, cô đã sinh hoạt ngay với các em về việc chọn môn lịch sử thi tốt nghiệp THPT quốc gia. HS phải xác định ngay từ đầu là có định hướng chọn ban khoa học xã hội không? Khi các em đã chọn thì chắc chắn có môn lịch sử. Vậy nếu đã chọn thì phải học nghiêm túc, phải nắm chắc kiến thức cơ bản. Ngay từ khâu đầu tiên, giáo viên thực sự có trách nhiệm với việc mình làm, làm nghiêm túc thì HS sẽ nhìn vào và nghe theo. Khi các thầy cô nhiệt huyết, tận tâm, tạo ra sự yêu thích môn học thì HS sẽ nghe theo mình. Cho nên, theo cô Diệp, bước khởi động và trong suốt quá trình giảng dạy ôn tập theo sát các em, bản thân giáo viên phải luôn thể hiện 6 yếu tố: Gần gũi, yêu thương, tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm và nghiêm túc.

Bước 2 cô gọi là vượt chướng ngại vật. Theo cô, vượt chướng ngại vật là bước đầu tiên, dài nhất, khó nhất và là bước mà HS phải chinh phục tri thức. Cô đã hướng dẫn HS thực hiện lĩnh hội tri thức theo 2 phương pháp: Phương pháp đòn bẩy và phương pháp tạo lối mòn, vạch ra con đường chinh phục tri thức.

Bước 3 là tăng tốc. Bước này thực hiện tổng ôn tập, giáo viên hệ thống hóa kiến thức từng bài theo sơ đồ giáo viên thiết kế, sưu tầm. Cô đã chuẩn bị hệ thống câu hỏi theo từng chủ đề với 4 cấp độ theo mẫu đề thi THPT quốc gia hàng năm với cập nhật mới nhất. Cô giao cho HS làm theo chủ đề và nộp lại theo thời hạn quy định. Giáo viên cho HS làm đề do giáo viên thiết kế trộn đề như mẫu đề thi THPT quốc gia.

Và bước cuối cùng cô thực hiện đó là về đích. Với những kinh nghiệm trong giảng dạy như trên của các giáo viên, kết quả điểm thi trung bình của trường THPT chuyên Hùng Vương đứng nhất toàn tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

HỒNG THÁI  (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=996
Quay lên trên
X