Những nỗ lực trong quan tâm, chỉ đạo về công tác cải cách hành chính của Bình Dương thời gian qua đã góp phần cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp (DN) trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công, nâng cao năng lực cạnh tranh; cải thiện, nâng cao chỉ số hiệu quảquản trịvà hành chính công cấp tỉnh…
Quyết tâm trong chỉ đạo
Trong giai đoạn 2015-2020, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, tác động tích cực vào hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Thủ tục hành chính (TTHC) thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa theo hướng tăng công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết. Việc thực hiện “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” mang lại kết quả tích cực. Hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh và bộ phận “một cửa” cấp huyện, cấp xã đã phát huy tốt vai trò trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp...”.
Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh xác định tiếp tục “Nâng cao hiệu quả CCHC nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung triển khai các giải pháp tiếp tục cải thiện, nâng cao Chỉ số CCHC, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh; nâng cao chất lượng phục vụ của Trung tâm Hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các cấp…”.
Cán bộ từ cơ sở giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng cho người dân
Như vậy, có thể thấy, xuyên suốt tiến trình CCHC, Bình Dương luôn lấy cải cách TTHC là khâu đột phá, trong đó tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Qua đó, góp phần trực tiếp nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức (SIPAS) được Trung ương đánh giá từ năm 2017 đến nay, Bình Dương là tỉnh có kết quả tăng bền vững qua các năm: Năm 2017 là 79,58%; năm 2018 là 85,03%; năm 2019 là 88,02%. Điều này cho thấy sự kỳ vọng, ý kiến của người dân, tổ chức đã được tỉnh quan tâm, lắng nghe và liên tục có những giải pháp quyết liệt để cải thiện. Đến nay, Bình Dương đã đạt được kết quả Chỉ số SIPAS theo mục tiêu của Chính phủ và tỉnh sẽ không ngừng cải thiện để đạt những mục tiêu cao hơn trong thời gian tới.
Chỉ số SIPAS tăng theo từng năm
Một trong những điểm nhấn về việc xác định sự hài lòng của người dân, DN từ năm 2015 nay, tỉnh Bình Dương đã triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh theo các tiêu chí, phương pháp tương đồng với việc đánh giá SIPAS của Trung ương và duy trì thực hiện liên tục hàng năm cho đến nay. Kết quả khảo sát của tỉnh ở những năm đầu ở mức thấp, nhất là ở những lĩnh vực như đất đai, môi trường, xây dựng… Sau những chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, kết quả đo lường sự hài lòng đến nay cũng tương đồng với kết quả của Trung ương. Nhiều tiêu chí tăng, như: Tiếp cận dịch vụ, năm 2017 là 77,4%, năm 2019 tăng lên 89,14%; tiêu chí TTHC năm 2017 là 80,92%, năm 2019 tăng lên 89,29%
Điểm đáng lưu ý qua kết quả khảo sát của tỉnh là tinh thần, thái độ, trách nhiệm cũng như sự tận tâm phục vụ của đội ngũ công chức tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã được người dân, tổ chức đánh giá cao (năm 2017 là 78,29%; năm 2018 là 86,82%; năm 2019 là 89,29%). Ngoài ra, các dịch vụ, tiện ích được bố trí, hỗ trợ tại bộ phận một cửa các cấp như tình nguyện viên hướng dẫn ban đầu TTHC; bố trí dịch vụ bưu chính công ích tiếp nhận và chuyển trả kết quả về địa chỉ; đội ngũ tư vấn pháp lý miễn phí; Tổng đài 1022 hướng dẫn TTHC và tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức… đã thể hiện thật sự là chính quyền gần dân, phục vụ tốt nhất cho mọi nhu cầu của người dân, tổ chức.
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã có các mô hình hay, như: “Hẹn giờ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà”; “Tặng quà chúc mừng khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn”; “Tư vấn, hướng dẫn TTHC thời Covid-19”… Qua 5 năm triển khai đo lường sự hài lòng đã nhận được nhiều ý kiến góp ý cụ thể của người dân, tổ chức và là cơ sở cho lãnh đạo tỉnh có sự chỉ đạo hiệu quả, kịp thời, phù hợp yêu cầu thực tế của người dân để sự hài lòng ở từng cấp chính quyền và sự hài lòng chung của tỉnh Bình Dương luôn được cải thiện, nâng cao, đạt tốt bền vững qua các năm.
Nhiều giải pháp thiết thực
Với phương châm cho giai đoạn tiếp theo “lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là nền tảng, động lực cho sự thay đổi và phát triển”, đồng thời thực hiện đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Quyết định 468/QĐ-TTg ngày 27-3- 2021 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025, tỉnh sẽ lựa chọn thực hiện những giải pháp thiết thực, phù hợp tình hình thực tiễn để có những giải pháp, sáng kiến đổi mới thực chất nhằm mang lại sự hài lòng cao cho người dân, tổ chức, nhất là các lĩnh vực giải quyết TTHC mức độ 3, mức độ 4; TTHC thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực CCHC cho hay, để phù hợp với bối cảnh hiện nay và hướng đến thành phố thông minh tỉnh Bình Dương trên cơ sở nền tảng phát triển bền vững dựa trên mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh, Bình Dương tập trung đẩy mạnh thực hiện phi địa giới trong giải quyết TTHC, đẩy mạnh số hóa quy trình, kết quả giải quyết TTHC nhằm tạo lập cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung cho các cấp chính quyền; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng thống nhất, đồng bộ và có tính hệ thống liên quan về TTHC của tỉnh, đẩy mạnh thực hiện TTHC trực tuyến; áp dụng nhiều phương pháp đo lường sự hài lòng qua nhiều hình thức khác nhau và tập trung các lĩnh vực có mức độ hài lòng chưa cao.
HỒ VĂN