Dự án nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển nhanh, góp phần đáp ứng được nhu cầu gia tăng dân số và làm thay đổi diện mạo đô thị. Nhằm nâng cao công tác quản lý các dự án nhà ở thương mại, bảo đảm tuân thủ theo quy định cũng như huy động vốn, Sở Xây dựng sẽ triển khai nhiều giải pháp.
Trong thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án bất động sản bảo đảm tuân thủ theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Trong ảnh: Dự án nhà ở Suncasa tại Khu công nghiệp VSIP II
Đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở
Tính đến tháng 9-2020, trên địa bàn tỉnh có 469 dự án nhà ở thương mại đang triển khai, tập trung tại khu vực đô thị phía nam của tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư mới 178 dự án với quy mô sử dụng đất khoảng 850 ha, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 11,82 triệu m2.
Các dự án nhà ở chung cư tại đô thị phía nam đã thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Theo Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2016-2020, tính đến tháng 9-2020 Bình Dương đã phát triển mới 27 dự án với quy mô sử dụng đất 18,57 ha, 2,67 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 33.304 căn hộ.
Đối với các huyện phía bắc của tỉnh (gồm huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và Dầu Tiếng), dưới tác động của xu hướng phát triển thị trường bất động sản nhà ở, cùng với chiến lược phát triển công nghiệp địa phương, một số địa phương vốn không có chỉ tiêu phát triển nhà ở thương mại, đã phát triển thêm các loại hình nhà ở. Trong đó, phát triển nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Thời gian qua, việc phát triển nhà ở theo những dự án đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị. Các dự án có quy mô và đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật, nhiều khu nhà mới khang trang đã được xây dựng, kiến trúc đẹp, hiện đại, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở ngày càng tăng, cũng như chỉnh trang đô thị, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng đất tại đô thị, tiết kiệm quỹ đất. Bên cạnh đó, chất lượng nhà ở được cải thiện và nâng cao, cơ cấu nhà ở chuyển dịch từ nhà ở bán kiên cố sang nhà ở kiên cố”.
Vẫn còn nhiều rủi ro
Hiện nay, để triển khai hoàn thiện một dự án bất động sản từ giai đoạn chuẩn bị đến khi đưa vào sử dụng phải tuân thủ quy định của 10 luật và các văn bản hướng dẫn dưới luật. Trong khi các luật và văn bản dưới luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa nhất quán nên việc tham mưu giải quyết gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, công tác phát triển nhà ở thiếu tính đồng bộ, chưa có sự liên kết tích hợp giữa phát triển nhà ở và định hướng quy hoạch không gian, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội, đặc biệt là định hướng phát triển giao thông công cộng của của tỉnh.
Bên cạnh đó, việc không quy định bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn, đặc biệt là giao dịch sản phẩm của các dự án kinh doanh bất động sản nhà ở dẫn đến công tác quản lý thị trường bất động sản không thể kiểm soát, dẫn đến rủi ro cho người mua và thị trường. Ông Võ Hoàng Ngân cho biết: “Thời gian qua xảy ra tình trạng huy động vốn khi chưa đủ điều kiện tại một số dự án nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh. Sở Xây dựng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra và kịp thời cung cấp thông tin theo quy định. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện tình trạng người dân tụ tập đông người liên quan đến việc huy động vốn tại các dự án nhà ở gây tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại địa phương”.
Cụ thể gần đây nhất là dự án khu nhà ở Suối Giữa thuộc phường Tương Bình Hiệp và phường Chánh Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) do Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Á Châu (gọi tắt là Công ty Á Châu) làm chủ đầu tư, có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh. Mặc dù chưa đủ điều kiện pháp lý nhưng công ty đã rao bán. Sau 3 năm dự án vẫn chưa triển khai thực hiện được khiến rất nhiều khách hàng đã nộp đủ tiền phải hoang mang. Hay như trường hợp dự án Thành Phát City 1 (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng) của Công ty Ba Thành Phát, có trụ sở ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, mặc dù chưa được UBND tỉnh phê duyệt dự án, nhưng công ty này đã “vẽ” dự án, thu tiền của khách hàng. Hơn thế nữa, đa số khách hàng của dự án là những công nhân khiến cho họ lâm vào hoàn cảnh tiền mất, nhà không có và trở thành “con nợ”.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Ông Võ Hoàng Ngân cho biết: “Sở đã phối hợp với các ngành để triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường kiểm tra, xử lý việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định tại các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, sở báo cáo, tham mưu đề xuất các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản trong đợt lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, nhằm từng bước chấn chỉnh tình trạng này. Đối với các dự án chậm triển khai, tiếp tục đôn đốc, kiểm tra định kỳ tiến độ triển khai của chủ đầu tư. Trong trường hợp chủ đầu tư không có khả năng tiếp tục triển khai, sở tham mưu trình UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư”.
Ông Võ Hoàng Ngân cho biết thêm, đối với tình hình huy động vốn tại các dự án nhà ở thương mại, Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường lực lượng, chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đối với chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới không đủ điều kiện theo quy định; minh bạch thông tin trên thị trường, thông tin quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, thông tin giao dịch để người dân dễ dàng tra cứu. Mặt khác, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính liên quan đến công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất… Theo ông Ngân, cần phải có một quy định riêng điều chỉnh hình thức huy động vốn, đặc biệt về mẫu hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, khôi phục lại quy định giao dịch qua sàn đối với dự án đầu tư bất động sản.
PHƯƠNG LÊ